Những năm qua, công tác thi đua, khen thưởng của TAND đã có những bước chuyển biến tích cực. Đặc biệt mới đây, Văn bản số 143/TANDTC-TĐKT hướng dẫn một số nội dung về công tác thi đua khen thưởng trong TAND đã tạo ra bước đổi mới về công tác thi đua khen thưởng. Những quy định mới đã khắc phục những bất cập trong hoạt động thi đua khen thưởng tồn tại từ nhiều năm qua.
Đổi mới thể chế, hình thức thi đua, nội dung khen thưởng
Hàng năm và cứ sau một giai đoạn 5 năm, TAND lại phát động phong trào thi đua xuyên suốt giai đoạn. Phong trào thi đua này theo yêu cầu chỉ đạo phải gắn liền nhiệm vụ chuyên môn của ngành Tòa án là xét xử với mục tiêu hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ mà Quốc hội giao.
Nếu như trước đây, Quốc hội chỉ giao chỉ tiêu về tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đạt từ 60% trở lên, thì hiện tại, từ năm 2020, chỉ tiêu xét xử từng loại án được phân chia riêng biệt theo Nghị quyết số 96/2019/QH14 của Quốc hội. Đây có thể coi là kim chỉ nam trong mục tiêu phấn đấu, để tất cả phong trào thi đua ở các cấp, dù là phong trào thi đua thường xuyên hàng năm hoặc theo chuyên đề/theo đợt đều phải gắn với mục đích cuối cùng là hoàn thành chỉ tiêu đề ra.
Trên cơ sở phong trào thi đua xuyên suốt cùng chủ trương như vậy, thường trực của Hội đồng Thi đua-Khen thưởng các cấp sẽ tham mưu cho thủ trưởng cơ quan, đơn vị tổ chức phát động phong trào thi đua từ đầu năm, phù hợp với đặc điểm tình hinh và chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Sau khi phát động phong trào thi đua, sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện.
Từ năm 2018-2019, việc thực hiện đánh giá thi đua của các đơn vị, tập thể sẽ gắn với kết quả công tác hàng quý, thay vì trước đây là đánh giá theo năm công tác. Quy chế vinh danh Thẩm phán ban hành năm 2020 từ đó cũng trở nên phù hợp hơn so với quy chế cũ, tạo điều kiện cho các tập thể cũng như cá nhân Thẩm phán có động lực, phấn đấu để được vinh danh theo hướng quy trình, điều kiện, tiêu chuẩn được rút ngắn hơn.
Bảng chấm điểm thi đua cũng được sửa đổi lại cho phù hợp với Nghị quyết số 96 của Quốc hội. Trước đây, việc bình xét thi đua căn cứ vào ba nội dung là công tác thi đua khen thưởng; công tác chuyên môn nghiệp vụ và công tác khác, trong đó quan trọng nhất là chất lượng công tác chuyên môn. Thay vì đánh giá tách ra giữa tỷ lệ án hủy, án sửa tách riêng, án hủy không quá 1.16%, án sửa không quá 3%, hiện tại gộp chung tỷ lệ án hủy và sửa không quá 1,5%.
Thông qua các phong trào thi đua, các đơn vị đã đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xét xử, giảm số vụ án tồn đọng, khắc phục án quá hạn luật định, các vụ việc dân sự hòa giải thành được nâng lên, số vụ án bị cấp trên hủy, sửa giảm so với các năm trước đây.
Hưởng ứng nội dung phát động phong trào thi đua của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TAND, các Cụm thi đua, các đơn vị Tòa án đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện phong trào thi đua trong cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý; xây dựng chương trình hành động cụ thể, phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; nhiều đơn vị đã phát động và triển khai thực hiện các phong trào thi đua có ý nghĩa thiết thực, tạo không khí thi đua sôi nổi, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác chuyên môn.
Điển hình, Cụm thi đua số V đã phát động phong trào thi đua theo chuyên đề, như: Phong trào thi đua “Khắc phục án tạm đình chỉ không đúng, án quá thời hạn chuẩn bị xét xử”; phong trào thi đua “Hòa giải thành”; phong trào thi đua “Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án hành chính”.
Năm 2020, Cụm thi đua số III phát động phong trào thi đua với chủ đề: “Tòa án nhân dân các tỉnh duyên hải Miền Trung - Tây Nguyên xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động tinh thông nghiệp vụ, liêm chính, chuyên nghiệp, tận tụy, thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2020”; với khẩu hiệu: “Điện tử hóa Tòa án phục vụ nhân dân”.
Các đơn vị được Ban cán sự Đảng và lãnh đạo TANDTC lựa chọn “thí điểm đổi mới, tăng cường hòa giải và đối thoại trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, hành chính của Tòa án nhân dân”, đã hưởng ứng phong trào thi đua, giúp cho việc giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính nhanh chóng, dứt điểm, tiết kiệm nguồn lực và tạo sự đồng thuận xã hội.
Với sự hưởng ứng và triển khai tích cực phong trào thi đua của các đơn vị Tòa án, cùng với việc triển khai thực hiện đồng bộ 14 giải pháp theo chỉ đạo của Chánh án TANDTC, các mặt công tác của TAND các cấp cơ bản hoàn thành, đạt và vượt một số chỉ tiêu của Quốc hội giao; phong trào thi đua đã thực sự đi vào nề nếp, với những hoạt động, chương trình thiết thực, cách làm hay, với đổi mới nội dung khen thưởng: Từ việc sửa đổi, bổ sung văn bản chỉ đạo hướng dẫn về tiêu chuẩn, điều kiện khen thưởng theo hướng tăng tỷ lệ khen thưởng đối với các tập thể nhỏ, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trực tiếp; chú trọng khen thưởng đột xuất đối với Thẩm phán, Thư ký, công chức Tòa án hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong giải quyết, xét xử các vụ án lớn về tham nhũng, kinh tế, các vụ án điển hình về cải các tư pháp đã tạo sức lan tỏa, góp phần động viên cán bộ, công chức ra sức thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó.
Tập trung đẩy mạnh phong trào thi đua của ngành Tòa án
Bên cạnh các phong trào thi đua của TAND, tất cả các bộ, ngành, địa phương đều hưởng ứng phong trào thi đua của Thủ tướng Chính phủ.
Từ năm 2019, bên cạnh các phong trào thi đua phát động từ trước đây là “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, có một phong trào mới được bổ sung năm 2019 là phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở giai đoạn 2019 – 2025”. Bốn phong trào này đã được ngành Tòa án tích cực hưởng ứng, triển khai thực hiện và đã đạt được những kết quả tích cực.
Về nội dung quan trọng trong công tác thi đua của TAND, ngoài phong trào của ngành Tòa án, TANDTC còn tích cực hưởng ứng phong trào thi đua của khối thi đua các bộ, ngành Nội chính trung ương, với tám bộ, ngành, gồm: TANDTC, VKSNDTC, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
TANDTC cũng tham gia tích cực, chặt chẽ với các đơn vị trong Khối Nội chính trung ương từ việc xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động hàng năm, tổ chức kiểm tra các đơn vị trực thuộc, chủ động tham mưu góp ý, đề xuất giải pháp được các đơn vị trong Khối ghi nhận. Đặc biệt vào năm 2018, với thành tích đạt được trong công tác phối hợp trong Khối nội chính, TANDTC đã được tặng Cờ thi đua của Chính phủ.
Công tác khen thưởng, thẩm định hồ sơ và trình Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TAND để bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm cũng như đột xuất cũng có nhiều đổi mới và đạt được nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, năm 2020 là năm diễn ra nhiều sự kiện lớn của Đảng cũng như của ngành TAND, như: Đại hội thi đua yêu nước TAND lần thứ tư, tiến tới Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X; Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Tòa án nhân dân;… Khối lượng công việc cũng như số lượng hồ sơ đề nghị khen thưởng nhờ đó cũng tăng lên rất nhiều.
Đồng chí Nguyễn Văn Du, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án TANDTC, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng TAND cho biết: Trong thời gian tới, ngành TAND tập trung đẩy mạnh phong trào thi đua theo chủ đề xuyên suốt “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, với phương châm “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI, Khóa XII) của Đảng. Tích cực triển khai Chỉ thị của Chánh án TAND tối cao về việc phát động đợt thi đua đặc biệt chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước, chào mừng đại hội Đảng các cấp và Kỷ niệm 75 năm ngày Truyền thống TAND (13/9/1945-13/9/2020).
Không ngừng nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng, đảm bảo khen đúng người, đúng thành tích; đảm bảo công khai, minh bạch và kịp thời; phát huy vai trò của tập thể, cá nhân trong việc nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng, nhất là Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có trách nhiệm phát hiện và đề nghị khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân thuộc quyền quản lý; xây dựng các tổ chức đảng, đoàn thể, cơ quan trong sạch, vững mạnh.
Tiếp tục triển khai và phát động đợt thi đua ngắn ngày, theo chuyên đề trong Cụm thi đua, qua đó kịp thời rà soát, vinh danh, biểu dương, khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ. Triển khai bình xét, đề nghị khen thưởng theo hướng dẫn của TANDTC đảm bảo đạt chất lượng và đúng tiến độ quy định. Tăng cường công tác phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền về những tấm gương tập thể, cá nhân tiêu biểu, nhất là các nhân tố mới, để cổ vũ, nêu gương, nhân rộng, tạo sức lan toả sâu rộng trong TAND, trong từng cơ quan, đơn vị cơ sở và trong xã hội.
Trong những giai đoạn tiếp theo, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TAND sẽ chỉ đạo TAND các cấp tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước theo chủ đề xuyên suốt “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, gắn với chương trình hành động “Trách nhiệm, kỷ cương, chất lượng, vì công lý”, với phương châm “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”; đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh” theo Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị; cụ thể hóa nội dung, hình thức, mục tiêu thi đua bám sát nhiệm vụ chính trị, công tác chuyên môn; chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến.