Đó là tình trạng ở thôn Ngọc Than, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, do những năm gần đây hàng loạt giếng khoan đều khô cạn nước, dự án nước sạch vẫn chưa được triển khai, bất đắc dĩ, gần 2000 hộ dân đã phải bơm nước từ ao tù ô nhiễm lên để ăn.
Tại xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, từ trước đến nay cái ao tù của làng vẫn là nơi thanh niên tắm gội, bơi lội, là chỗ để phụ nữ đem đồ ra giặt giũ và cũng là nơi để mọi gia đình trong làng sơ chế thực phẩm. Nhưng trong những năm gần đây tất cả mọi sinh hoạt của gần 2.000 hộ dân trong xã đều gắn bó với ao tù này. Trong đó, có tới gần một nửa số hộ dân dùng nguồn nước này làm nguồn nước sinh hoạt chính trong gia đình.
Ở đây đường ống dẫn nước từ ao về nhà được giăng mắc khắp đường làng ngõ xóm. Càng vào sâu trong làng, ống dẫn nước càng nhiều, vắt vẻo trên cột điện, rối như tơ trời. Theo quan sát, dọc ao sen nơi người dân lấy nước về sinh hoạt có đến gần 20 cụm đường ống cắm xuống ao, mỗi cụm đó có đến gần chục ống nước. Mặt ao nổi lềnh phềnh rác rưởi, túi nilon, xác động vật chết, nước thải từ hộ chăn nuôi gia súc bốc mùi hôi thối khiến ai đi qua cũng phải rùng mình.
Giải thích về hiện tượng đó, ông Nguyễn Bá Hưng – Trưởng thôn Ngọc Than cho biết: “Từ gần 6 năm qua, nguồn nước giếng khoan ở thôn cạn kiệt. Có người đã đầu tư cả trăm triệu, khoan đến 10 mũi nát cả sân vườn mà không có nước, và vì không còn nguồn nước nào khác nên phải dùng nước ao. Chúng tôi đã bơm về bằng những đường ống nhỏ, vì thế thường xuyên bị tắc, nay đang là mùa cạn, ao Sen đang cống hiến những giọt nước cuối cùng”.
Để mang được nước về nhà, nhiều gia đình ở đây phải bỏ ra số tiền cả chục triệu đồng để đầu tư phí lắp đặt đường ống dẫn nước, dây điện, máy bơm, thùng phuy dùng để lọc nước. Nước ao Sen rất mất vệ sinh mà công nghệ lọc nước lại rất sơ sài, nước từ ao dẫn về được đổ vào thùng phuy hoặc bể lọc qua một lớp cát vàng là đã dùng được.
Ngày bình thường, chiếc ao Sen phải “gồng mình” gánh chịu mọi sinh hoạt của người dân thì ô nhiễm là điều không tránh khỏi. Bên cạnh đó, mỗi khi trời mưa, nước thải từ những cống rãnh không có chỗ thoát lại chảy tràn xuống ao càng thêm bẩn.
Tuy nhiên, dù dùng nước ao nhưng họ cũng rất tiết kiệm và tận dụng triệt để, nước được lấy từ ao Sen về lọc, sau khi sử dụng như nước vo gạo được giữ lại để rửa rau, nước giặt quần áo để lại dội bồn cầu hay rửa chân tay, khi nào nước bẩn không thể sử dụng được nữa thì dùng tưới cây.
Việc lấy nước ở Ngọc Than cứ theo một chu trình, nước được lấy từ ao Sen về lọc, sau khi sử dụng nước thải sẽ chảy theo các cống rãnh. Những ngày mưa lũ, nước trong các ao của hộ dân tràn ra mang theo cả nước thải sinh hoạt lại chảy dồn xuống ao Sen, người làng lại tiếp tục lấy nước về lọc để sinh hoạt. Với nguồn nước không đảm bảo vệ sinh này các căn bệnh cũng đang xuất hiện ngày một nhiều hơn.
Được biết những năm gần đây, tỷ lệ phụ nữ Ngọc Mỹ mắc các bệnh phụ khoa lên tới gần 70%, trong khi đó, số ca bị mắc các bệnh ngoài da không ngừng tăng lên. Nghiêm trọng hơn là số người chết vì ung thư ở Ngọc Than tăng vọt, dù các cơ quan chức năng chưa xác định được nguyên nhân nhưng trong làng vẫn truyền tai nhau rằng, nguyên nhân chính là do sử dụng nguồn nước mất vệ sinh trong một thời gian dài.
Thật oái oăm khi mà Xã Ngọc Mỹ chỉ cách Đại lộ Thăng Long chưa đầy một cây số và đường nước sông Đà đi qua địa phận xã nhưng người dân địa phương vẫn phải sống trong cảnh “khát” nước sạch kéo dài trong nhiều năm qua.
Sau nhiều bức xúc và phản ánh của người dân nơi đây, UBND TP. Hà Nội đã giao nhiệm vụ cho Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội lập dự án nhưng đến nay dự án này vẫn còn nằm trên giấy với lý do là đang “kẹt” vốn bởi thiếu quy định chi tiết về mức độ, cơ chế hỗ trợ lãi suất.
Ao Sen của thôn Ngọc Than vốn là ao tù, nước tù đọng quanh năm để người dân giặt giũ nay lại đang trở thành nguồn nước chính nuôi sống nhiều hộ dân nơi đây
Dọc ao Sen nơi người dân lấy nước về sinh hoạt có đến gần 20 cụm đường ống cắm xuống ao, mỗi cụm đó có đến gần chục ống nước, mỗi ống dẫn nước được chia cho 2-3 hộ dùng chung
Công nghệ lọc nước ở đây vẫn rất sơ sài, nước dẫn từ ao về chỉ được lọc qua lớp cát, sỏi và sử dụng. Một số gia đình có điều kiện thì mua thêm máy lọc nước (có giá từ 4-5 triệu đồng) vì nước quá bẩn, tanh và có mùi hôi
Ống nước được chạy dọc khắp các bờ tường, treo trên cao chằng chịt đi tới từng hộ gia đình nơi đây
Nước thải sinh hoat, rác bẩn, động vật chết khiến nước ao ngày càng trở nên ô nhiễm nghiêm trọng