Giáo dục và đào tạo Việt Nam: Niềm tin vào sự đổi mới toàn diện

Khôi Anh| 30/12/2016 07:16
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Một năm qua, giáo dục Việt Nam thêm một lần có nhiều đổi mới, từ cách thức tổ chức Kỳ thi THPT Quốc gia và xét tuyển ĐH,CĐ cho đến những đề án giáo dục lớn. Dù còn nhiều ý kiến khen chê, nhưng đó là tiền đề để tạo niềm tin vào nền giáo dục chất lượng hơn.

2016 - Dấu ấn đổi mới của giáo dục Việt Nam

Sau sự “vỡ trận” của Kỳ thi THPT Quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2015, bất cứ ai cũng đều lo ngại về kỳ thi năm 2016. Tuy nhiên, với những điều chỉnh phù hợp cũng như việc ứng dụng công nghệ vào công tác tuyển sinh đã mang đến một kỳ thi đạt kết quả tốt.

Chắc chắn rằng, chẳng ai có thể quên được hình ảnh mướt mải, lo lắng và hồi hộp như “chơi chứng khoán” của phụ huynh cũng như học sinh trong Kỳ thi THPT Quốc gia và xét tuyển Đại học năm 2015. Đó được coi là hình ảnh thất bại nặng nề của kỳ thi, của “trận đánh lớn” - cụm từ mà Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tiền nhiệm đã sử dụng để nói về kỳ thi.

Ám ảnh và lo lắng, nhưng kỳ thi THPT và xét tuyển ĐH năm 2016 đã khác, đó là một kỳ thi được đánh giá cơ bản là thành công. Sự thành công trước hết của Kỳ thi THPT Quốc gia và xét tuyển ĐH năm 2016 là việc ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong đăng ký xét tuyển và trong xét tuyển.

Bộ GD-ĐT đã chuẩn bị rất kỹ về điều kiện kỹ thuật, phần mềm, chạy thử nghiệm nhiều lần trước khi sử dụng chính thức. Nhờ vậy những trục trặc kỹ thuật đã được hạn chế tối đa. Trong suốt quá trình đăng ký xét tuyển và truyền tải dữ liệu, hệ thống chạy ổn định, không xảy ra nghẽn mạng.

Thứ hai, ngành giáo dục các địa phương đã tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh khi thực hiện đăng ký xét tuyển, theo đó, các trường linh hoạt tùy điều kiện của mình quy định những phương thức nhận đăng ký xét tuyển riêng, ngoài quy định chung của Bộ. Nhờ vậy, việc tiếp nhận và xử lý dữ liệu đăng ký xét tuyển của thí sinh diễn ra suôn sẻ, lưu lượng giảm dần vào những ngày cuối, không gây ùn tắc.

Thứ ba, kết quả kỳ thi được công khai, minh bạch để thí sinh và xã hội được biết, trên cơ sở đó quyết định việc chọn trường, chọn ngành phù hợp.

Thứ tư, tạo được sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các trường trong thu hút những thí sinh chất lượng cao khi trao cho thí sinh quyền lựa chọn thông qua việc nộp Giấy chứng nhận kết quả thi.

Kỳ thi THPT Quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2016 như Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga nhận định “đã thật sự khoa học và thành công khi không gây áp lực đối với thí sinh và xã hội, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà trường, thí sinh giữ quyền quyết định việc nhập học của mình”.

Giáo dục và đào tạo Việt Nam: Niềm tin vào sự đổi mới toàn diện

Với những quyết tâm và lộ trình đổi mới cụ thể, chúng ta có quyền tin vào con đường mang tên đổi mới của giáo dục Việt Nam

Tiếp nối những thành công của kỳ thi này, Bộ GD-ĐT đã tiếp tục điều chỉnh, đổi mới trong Kỳ thi THPT Quốc gia 2017 sắp tới. Theo đó, về nội dung cơ bản vẫn giữ nguyên, nhưng Bộ đã bổ sung thêm môn thi Giáo dục công dân vào tổ hợp môn thi Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân) để thí sinh lựa chọn. Điểm mới đặc biệt đó là môn Toán sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm với 50 câu hỏi cho mỗi đề thi và thời gian làm bài 90 phút. Trong Kỳ thi THPT Quốc gia 2017, các thí sinh sẽ chỉ thi thống nhất chung trên cả nước trong thời gian 2 ngày vào tháng 6/2017 và chúng ta có quyền hy vọng về một kỳ thi thành công hơn nữa.

Không chỉ đổi mới đối với cấp bậc THPT, với cấp Tiểu học, Bộ GD-ĐT cũng đã có sự đầu tư nhất định. Sau 2 năm thực hiện mô hình trường học VNEN với Thông tư 30 có nhiều điểm mới trong việc đánh giá học sinh Tiểu học. Tuy nhiên, khi đưa vào thực tế, Thông tư này đã không có hiệu quả và khiến cho phụ huynh lẫn giáo viên đều cảm thấy áp lực, mệt mỏi hơn.

Thay vì chấm điểm bài vở cho học sinh như trước kia, Thông tư 30 chuyển sang việc đánh giá, nhận xét bằng những lời phê đỏ chói, được đóng dấu nghiêm ngắn trên những trang vở hoặc sách bài tập. Và, chính từ đây đã tạo ra việc “nhân bản” các lời khen, bởi quanh đi quẩn lại chỉ là “Con làm bài tốt, cô khen”, “Con cần cố gắng hơn nữa”, “Con làm bài chưa đạt”… còn chưa đạt thế nào thì các trò nhỏ không thể hiểu được. Các giáo viên mệt mỏi, học sinh cũng như phụ huynh chả biết mình đang ở đâu, đến kỳ kiểm tra cũng ngơ ngác không biết cần phải học ôn cái gì…

Với thực tế như vậy, Bộ GD-ĐT đã lắng nghe ý kiến và thay đổi bằng việc cho ra đời Thông tư 22 thay thế cho Thông tư 30 về việc đánh giá học sinh Tiểu học.

Thông tư 22 ra đời có nhiều điểm điều chỉnh tốt hơn, tạo cho giáo viên sự thoải mái trong việc đánh giá học sinh. Mặc dù chính thức mới chỉ áp dụng từ ngày 6/11/2016, nhưng với những điểm A, B, C và lời nhận xét chi tiết của cô giáo, các bậc phụ huynh có thể biết con mình đang học như thế nào, từ đó kịp thời phối hợp với thầy, cô hướng dẫn các con học tập.

Với mô hình trường VNEN, đây là phương thức dạy học mới được đánh giá tốt. Tuy nhiên, chính vì triển khai quá nhanh ở nhiều địa phương, cùng với sự áp dụng máy móc, có chỗ "sáng tạo" quá đà đã dẫn đến sự không đồng bộ và tranh cãi. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GD-DDT Phùng Xuân Nhạ khẳng định: “Bộ sẽ tiếp tục thực hiện VNEN nhưng không áp đặt. Các địa phương có thể áp dụng một phần, còn bỏ tất cả là cực đoan. Bởi bất cứ mô hình mới nào cũng cần phải có sự chuẩn bị về tư tưởng, cơ sở vật chất, chuyên môn nghiệp vụ, cứ làm tốt, đúng quy trình thì sẽ có người theo”.

Một vấn đề nữa của ngành giáo dục năm 2016 phải kể đến gây ít nhiều “sóng gió”, đó cũng là một sự quyết tâm đổi mới của ngành giáo dục để đạt mục tiêu hội nhập quốc tế. Theo đó, trong lộ trình của Đề án Dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020, Bộ GD-ĐT kỳ vọng tiếng Anh sẽ trở thành ngôn ngữ thứ hai và các ngoại ngữ: Tiếng Nga, tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật Bản là ngoại ngữ thứ nhất. Trong đó, tiếng Nhật đã được thí điểm từ lớp 3 tại 5 trường ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh từ năm học này và bắt đầu từ năm học 2017, Bộ sẽ thí điểm dạy tiếng Trung Quốc và tiếng Nga từ lớp 3 đến lớp 12 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam. Ngoại ngữ thứ hai bao gồm tiếng Hàn, tiếng Pháp, tiếng Đức.

Khi Đề án này đưa ra ngay lập tức đã có rất nhiều ý kiến phản hồi, đa số ý kiến phụ huynh đều cho rằng, việc dạy và học ngoại ngữ là tốt, song Bộ GD-ĐT cần cân nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định này. Thực tế không phủ nhận việc phát triển ngoại ngữ là cần thiết để đưa nền giáo dục hội nhập, tuy nhiên lựa chọn ngôn ngữ nào cho phù hợp, cách thức dạy cũng như chất lượng giáo viên phải đạt chuẩn mới là điều cần thiết.

Chính vì vậy, trong phiên trả lời chất vấn các ĐBQH ngày 16/11 tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội Khóa XIV, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nhận trách nhiệm về việc triển khai không hiệu quả Đề án dạy và học ngoại ngữ, đồng thời thẳng thắn khẳng định cho tới năm 2020, Đề án này cũng chưa thể đạt được mục tiêu đã đề ra.

Bởi trên thực tế, việc dạy và học ngoại ngữ là vấn đề lâu dài, dù có quyết tâm và lộ trình cụ thể nhưng vẫn vấp phải nhiều bất cập như thời gian, kinh phí, năng lực giáo viên… Bộ trưởng cũng khẳng định, Bộ GD-ĐT sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm để khắc phục những hiện trạng trên.

Kỳ vọng có sự đổi mới toàn diện trong giáo dục

Có thể thấy rằng, năm 2016, Bộ GD-ĐT đã đưa ra quyết tâm trong việc đổi mới, cải cách giáo dục nhằm đưa nền giáo dục nước nhà bắt kịp với các nước khác trong quá trình hội nhập và phát triển toàn cầu hóa. Việc đưa ra những chương trình, giải pháp để đổi mới giáo dục thể hiện trách nhiệm của các nhà quản lý, các thầy cô cũng như của những người quan tâm đến ngành Giáo dục.

Đổi mới để không ngừng nâng cao kiến thức chuyên môn, đổi mới để phát huy được năng lực của học sinh. Học sinh đã trở thành trung tâm trong từng tiết học. Giáo viên đã thay đổi trong tư duy, đó là “Dạy những gì học sinh cần chứ không dạy những gì giáo viên có”.

Nhưng những đổi mới ấy cần một thứ lớn lao hơn, đó là sự thay đổi về nhận thức, tư duy, nhiệt huyết và sự sáng tạo của giáo viên, để từ đó họ có những đổi mới ngay trong hành động, lời nói, cách ứng xử với học sinh, với đồng nghiệp, đổi mới trong cách dạy và học…

Với những thành công đạt được, những gì đã thể hiện trong cách quản lý, điều hành của Bộ GD-ĐT trong thời gian qua, chúng ta có thể tin tưởng ngành giáo dục sẽ còn có những bước đột phá mới.

Chính bản thân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nhận định, giáo dục và đào tạo là quá trình liên tục, lâu dài. Thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo không phải là một đội quân, mà là các thầy cô giáo, các em học sinh, sinh viên, cán bộ quản lý giáo dục, tổ chức xã hội, doanh nghiệp… và các bậc phụ huynh. Nhiệm vụ quan trọng là tập hợp các nguồn lực để tạo được một số chuyển biến tích cực, có tính đột phá trong giáo dục, nhờ đó tạo được niềm tin. Khi xã hội có niềm tin thì công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo sẽ thuân lợi. 

“Niềm tin phải được xây dựng bắt đầu từ quan điểm đúng và hành động quyết liệt để có những kết quả cụ thể. Chỉ làm được như thế thì mới tạo được niềm tin của xã hội. Những người trong ngành phải nhận thức rõ trách nhiệm và thống nhất quan điểm, quyết liệt hành động và tự tin vào sự thành công của sự nghiệp đổi mới”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Một năm mới lại đến, xã hội vẫn không ngừng xoay chuyển và biến động, công cuộc đổi mới để hội nhập của giáo dục nước nhà sẽ còn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách, nhưng với một niềm tin mạnh mẽ vào sự quyết tâm, với một lộ trình đổi mới cụ thể của Bộ GD-ĐT, chúng ta có quyền tin tưởng vào con đường mang tên đổi mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giáo dục và đào tạo Việt Nam: Niềm tin vào sự đổi mới toàn diện