Nhân kỷ niệm 45 năm Ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam giới thiệu đến công chúng chùm tác phẩm đặc sắc về đề tài kháng chiến chống Mỹ trên website và fanpage của bảo tàng.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc đầy gian khổ, hi sinh nhưng vô cùng vẻ vang, anh dũng của quân và dân ta luôn là niềm hứng khởi, là mạch nguồn sáng tạo cho nhiều thế hệ nghệ sĩ, trong đó có những người trực tiếp có mặt trên chiến trường hay chứng kiến giây phút lịch sử khi đất nước được giải phóng.
Với nhiều chất liệu khác nhau, các tác phẩm mỹ thuật thể hiện thành công hình ảnh người vợ, người mẹ miền Nam tiễn chồng, con tập kết ra miền Bắc, hay những người mẹ nuôi quân trong kháng chiến, làm hậu phương vững chắc cho cán bộ, chiến sĩ ngoài mặt trận như Nắm đất miền Nam của Phạm Xuân Thi, Mẹ kháng chiến của Hoàng Trầm, Trái tim và nòng súng của Huỳnh Văn Gấm.
Nắm đất miền Nam của Phạm Xuân Thi
Mẹ kháng chiến của Hoàng Trầm
Trái tim và nòng súng của Huỳnh Văn Gấm
Hình ảnh những cô gái tuổi thanh xuân hăng hái tham gia đội quân du kích, sẵn sàng vận chuyển đạn dược, cầm súng bảo vệ quê hương được khắc hoạ sinh động qua loạt tác phẩm Dân quân gái Ngư Thuỷ của Hoàng Trầm, Bên chiến hào Vĩnh Linh của Đào Đức, Tải đạn của Lê Thanh Trừ.
Dân quân gái Ngư Thuỷ của Hoàng Trầm
Bên chiến hào Vĩnh Linh của Đào Đức
Tải đạn của Lê Thanh Trừ
Ý chí chiến đấu sắt đá cùng quyết tâm giành chiến thắng của toàn quân, toàn dân ta cũng được truyền tải sâu sắc qua các tác phẩm Đất này của tổ tiên ta của Nguyễn Vĩnh Nguyên, Qua Dốc Miếu của Lê Quốc Lộc, Trên chặng đường chiến dịch của Nguyễn Thanh Châu, Bộ đội về của Lê Thanh Trừ.
Đất này của tổ tiên ta của Nguyễn Vĩnh Nguyên
Qua Dốc Miếu của Lê Quốc Lộc
Trên chặng đường chiến dịch của Nguyễn Thanh Châu
Bộ đội về của Lê Thanh Trừ
Dưới nét bút tài tình của các nghệ sĩ, sự tàn khốc, đau thương của chiến tranh được thể hiện rõ nét trong tác phẩm Giặc Mỹ của Đặng Thị Khuê; bên cạnh đó là những giây phút rung động trước vẻ đẹp yên bình, lãng mạn dưới ánh trăng giữa khoảng lặng của cuộc chiến qua tác phẩm tranh lụa Trăng trên cồn cát của Nguyễn Văn Chung. Lòng biết ơn và cảm phục trước những liệt sĩ, những người anh hùng đã hi sinh vì đất nước cũng đã được nhà điêu khắc Nguyễn Hải thể hiện đầy sâu lắng qua bức tượng đồng Anh Nguyễn Văn Trỗi.
Giặc Mỹ của Đặng Thị Khuê
Trăng trên cồn cát của Nguyễn Văn Chung
Anh Nguyễn Văn Trỗi của Nguyễn Hải
Đặc biệt, khoảnh khắc đoàn quân giải phóng tiến vào cửa ngõ Sài Gòn, mang theo ánh nắng rực rỡ về một mùa xuân mới của đất nước, ánh sáng của Đảng soi rọi trên rừng cờ đỏ sao vàng qua tác phẩm Nắng xuân 1975 của Nguyễn Quang Thọ và Nắng tháng Năm của Quách Phong thể hiện niềm hạnh phúc vô bờ và xúc cảm sâu sắc của người nghệ sĩ trong ngày vui giải phóng.
Nắng xuân 1975 của Nguyễn Quang Thọ
Nắng tháng Năm của Quách Phong
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, việc giới thiệu chùm tác phẩm này trên website (vnfam.vn) và fanpage của bảo tàng đến công chúng là một hoạt động có ý nghĩa của nhân dịp kỷ niệm 45 năm Đại thắng mùa xuân 1975. Đây cũng là dịp để hồi tưởng về một chiến công oanh liệt, vĩ đại trong lịch sử, thể hiện tình cảm, tấm lòng biết ơn của thế hệ hôm nay trước sự dũng cảm quên mình của thế hệ cha ông đã chiến đấu vì nền độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc.
Đồng thời, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hi vọng những tác phẩm nghệ thuật này sẽ đem đến cho người xem những ấn tượng tốt đẹp, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng và để lại trong mỗi chúng ta niềm tự hào về dân tộc Việt Nam anh hùng.