Nhà báo Trần Mai Hạnh kể lại hơn 4 thập kỷ thai nghén Biên bản Chiến tranh 1-2-3-4.75

Hà Thu| 27/04/2017 15:31
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hơn 3 năm kể từ ngày ra mắt, cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh vừa ra phiên bản Tiếng Anh lần đầu tiên, đúng vào dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.

Tại buổi ra mắt phiên bản tiếng Anh cho “đứa con cưng”, nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh, nguyên Giám đốc Đài Tiếng Nói Việt Nam không giấu được niềm hạnh phúc vô bờ khi cuốn sách nhận được sự quan tâm của đông đảo phóng viên báo chí, độc giả cả nước và bạn bè quốc tế. “Tháng 4 năm 2014, cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử mà tôi đã bắt đầu viên từ những ngày đầu tiên của Sài Gòn giải phóng đã ra mắt bạn đọc. Với việc thẩm định và xuất bản, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật đã cấp giấy khai sinh cho Biên bản Chiến tranh 1-2-3-4.75 đi vào cuộc sống với số phận của mình”.

Nhà báo Trần Mai Hạnh kể lại hơn 4 thập kỷ thai nghén Biên bản Chiến tranh 1-2-3-4.75

Nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh, tác giả của Biên bản Chiến tranh 1-2-3-4.75 phát biểu tại buổi ra mắt phiên bản Tiếng Anh vào sáng nay (27/4)

Nhắc lại quá trình thai nghén “đứa con cưng”, nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh vẫn nhớ như in ngày  ông sang Thái Lan để nhận giải thưởng Văn học ASEAN 2015 cho Phiên bản Chiến tranh 1-2-3-4.75. Đó là vào tối ngày 14/12/2015 tại Thủ đô Băng Cốc, Thái Lan. Khi những cụm từ “Chiến dịch Hồ Chí Minh”, “Phóng viên Việt Nam Thông tấn xã”, “nước Việt Nam thống nhất”, “Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật” vang lên trong lời giới thiệu tác phẩm và tác giả khi ông bước lên mục nhận giải, ông đã hiểu sâu sắc rằng, có không biết bao người, nhiều người đến nay không còn nữa, lặng lẽ góp sức vào giá trị và thành công của tác phẩm này. Thời khắc đó và thời điểm khi Biên bản Chiến tranh 1-2-3-4.75 có phiên bản Tiếng Anh, nhà báo Trần Mai Hạnh cho biết, ông muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất tới Thông tấn xã Việt Nam- mảnh đất đã nuôi dưỡng ông trưởng thành từ những năm tháng làm phóng viên chiến tranh trên các mặt trận, chiến trường tới các đồng chí và các  cơ quan có thẩm quyền trong và ngoài quân đội đã tạo điều kiện cho ông tiếp cận các tư liệu quý giá. Và ông cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Đài Tiếng Nói Việt Nam, nơi ông đã gắn bó và là nơi chắp cánh cho “đứa con cưng” bay xa và đến với nhiều bạn đọc hơn.

Đối với nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh, “Phiên bản Chiến tranh 1-2-3-4.75” là món quà số phận dành cho cuộc đời làm áo nhiều sóng gió thăng trầm của mình. Để có một cuốn tư liệu lịch sử vô cùng quý giá này, ông đã thai nghén trong hơn 40 năm kể từ ngày Sài Gòn hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối. Cuốn sách này cho đến nay đã tái bản lần. Đây chính là cuốn biên niên sử sống động, ghi lại những ngày cuối cùng của chính quyền Sài Gòn trong cuộc chiến cách đây hơn 40 năm, được nhìn qua chính con mắt của những người bên kia chiến tuyến.

Nhà báo Trần Mai Hạnh kể lại hơn 4 thập kỷ thai nghén Biên bản Chiến tranh 1-2-3-4.75

Tác giả Trần Mai Hạnh (đeo kính) cùng các đồng nghiệp Thông tấn xã Giải phóng tại cửa ngõ Sài Gòn sáng sớm 30-4-1975 (Ảnh Văn Bảo – Tư liệu TTXVN)

Điều đặc biệt là chỉ trong 2 năm cuốn sách liên tiếp giành được các giải thưởng danh giá ở trong nước và khu vực: "Giải thưởng Văn học năm 2014" của Hội Nhà văn Việt Nam, "Giải thưởng Văn học năm 2015 của các nước Đông Nam Á (ASEAN)".

Cuốn sách tư liệu lịch sử này dày tới 500 trang ra đời gần 40 năm sau, kể từ giờ phút lịch sử trưa 30/4/1975 ở Dinh Độc Lập mà ông bảo mình "may mắn” được chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên của giới báo chí Việt Nam về những giờ phút lịch sử trọng đại của dân tộc.

Từng là phóng viên chiến tranh của TTXVN ở chiến trường miền Nam, đầu năm 1975 tác giả Trần Mai Hạnh được cử tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, với nhiệm vụ là đặc phái viên TTXVN đi trong đoàn do đích thân Tổng Giám đốc TTXVN khi đó dẫn đầu. Bám sát các binh đoàn chủ lực, tác giả đã theo các đoàn quân tiến vào giải phóng hầu hết các thành phố, thị xã suốt từ Huế tới Sài Gòn. Vì thế, ông đã ghi chép tỉ mỉ về quá trình tham gia chiến dịch lịch sử này. May mắn hơn cả, ông còn được tiếp cận những tư liệu quý giá từ phía chính quyền Sài Gòn do các cơ quan có thẩm quyền trong và ngoài quân đội cho phép tiếp xúc, khai thác. Vào thời khắc trưa 30/4/1975, nhà báo Trần Mai Hạnh ấp ủ ý định phải viết sách, viết để phản ánh một cách trung thực nhất sự sụp đổ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Và đây có thể xem là cuốn tiểu thuyết lịch sử dưới một góc nhìn cuộc chiến từ phía bên kia một cách chân thực và khách quan nhất.

Vì thế, việc "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" sang Anh ngữ đã được Hội nhà văn Việt Nam cho phép nhằm giới thiệu, quảng bá các tác phẩm văn học viết về sự nghiệp đấu tranh giữ nước, giải phóng dân tộc và khát vọng hoà bình của nhân dân Việt Nam tới bạn đọc trên thế giới.

Nhà báo Trần Mai Hạnh kể lại hơn 4 thập kỷ thai nghén Biên bản Chiến tranh 1-2-3-4.75

Đông đảo quan khách tới tham dự buổi ra mắt phiên bản Tiếng Anh của Biên bản Chiến tranh 1-2-3-4.75 

"Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" - Phiên bản tiếng Anh của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh, dịch giả Mạnh Chương, do NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật ấn hành là tác phẩm được Giải Văn học đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam được tổ chức dịch sang Anh ngữ để giới thiệu với bạn đọc trên thế giới.

Nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh cho biết, trong vòng  5 năm sau sẽ tiếp tục bổ sung cuốn sách này, có thể sẽ là 1.000 trang, trong đó đầy đủ  những tư liệu về cuộc chiến mà ông dày công sưu tầm được.

Cũng có mặt tại buổi ra mắt phiên bản tiếng Anh của “Biên bản Chiến tranh 1-2-3-4.75”, dịch giả Mạnh Chương cho biết: “Với khối lượng tư liệu đồ sộ, quý giá về cuộc chiến tranh đã thu thập được vào những ngày cuối cùng của chế độ Nguyễn Văn Thiệu, nhà văn Trần Mai Hạnh đã viết tác phẩm này thật sống động, hấp dẫn, chân thành về cơn hấp hối và sự thật về những ngày sụp đổ cuối cùng của chính quyền Sài Gòn. Cuốn tiểu thuyết đã để lại cho  bạn đọc những cảm nhận chân thực, sâu sắc về sự sụp đổ của chế độ tay sai cho Mỹ, và qua cuốn tiểu thuyết này, bạn đọc thấy được tính tất yếu của sự sụp đổ đó, nêu bật lên chân lý sáng ngời của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà báo Trần Mai Hạnh kể lại hơn 4 thập kỷ thai nghén Biên bản Chiến tranh 1-2-3-4.75