Cũng vào ngày này, 64 năm về trước, từng đoàn quân "trùng trùng" tiến về Hà Nội, khắp thành phố tràn ngập cờ hoa. Đối với những người được sống trong không khí hào hùng đó, ký ức về ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954 không thể nào phai.
Niềm vui hòa bình sau nhiều năm khói lửa
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đúng theo Hiệp định Geneva, Pháp phải rút quân khỏi Hà Nội và các thành phố của Việt Nam. Lúc bấy giờ, Ủy ban quân chính thành phố Hà Nội được thành lập do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Sư đoàn Quân tiên phong làm Chủ tịch và bác sĩ Trần Duy Hưng làm Phó Chủ tịch. Ủy ban quân chính có nhiệm vụ tiếp thu và quản lý thành phố. Bộ Tư lệnh đã ra lệnh cho các đơn vị vào tiếp quản Hà Nội phải triệt để chấp hành các chính sách và kỷ luật của Chính phủ đề ra, phải luôn nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu khiêu khích của bọn phá hoại.
Biết trước âm mưu chúng sẽ lợi dụng thời gian này để phá hoại các cơ sở kinh tế, văn hóa của ta, lôi kéo người di cư vào Nam, làm cho Hà Nội trở thành trống rỗng, mọi công việc bị đình trệ, nên Trung ương Đảng và trực tiếp là Đảng ủy cùng các tầng lớp nhân dân thủ đô, nòng cốt là công nhân, tự vệ các nhà máy, xí nghiệp, công sở, đã đấu tranh quyết liệt, bảo vệ gần như nguyên vẹn máy móc, thiết bị, hồ sơ, nguyên vật liệu; đồng thời đấu tranh chống địch cưỡng ép di cư vào Nam. Cùng thời gian này, cuộc đấu tranh trên bàn Hội nghị ngoại giao ở Phù Lỗ cũng giành thắng lợi, buộc thực dân Pháp phải chuyển giao thành phố cho quân giải phóng theo đúng nguyên tắc đã quy định tại Hiệp định Geneve.
Quân Pháp rút khỏi Hà Nội
Sáng sớm ngày 8/10/1954, các đơn vị quân đội chia nhiều đường tiến vào ngoại thành Hà Nội. Đến 16 giờ 30 thì tiến đến đường Đê La Thành, Vĩnh Tuy, Bạch Mai, Ngã Tư Sở, Ô Cầu Giấy và Nhật Tân. 6 giờ sáng ngày 9/10/1954, quân đội lại theo nhiều đường từ ngoại thành tiến vào nội thành, chia làm nhiều cánh quân tiến vào 5 cửa ô chính rồi từ đó tỏa đi các nơi. Lần lượt bộ đội ta tiếp thu nhà Ga, Phủ Toàn quyền, khu Đồn Thủy, khu Bờ Hồ, Phủ Thống sứ. 16 giờ, quân đội Liên hiệp Pháp rời khỏi thành phố, lặng lẽ rút sang phía Bắc cầu Long Biên. 16 giờ 30, quân đội ta hoàn toàn kiểm soát thành phố Hà Nội, tiếp thu thành phố gọn gàng và trật tự. Đêm 9/10, nhân dân Hà Nội được hưởng đêm hòa bình đầu tiên sau nhiều năm khói lửa.
Rồi thời khắc lịch sử cũng đến. Từ sáng sớm ngày 10/10/1954, nhân dân Thủ đô quần áo chỉnh tề mang cờ, ảnh Bác Hồ, những bó hoa tươi thắm, thành đội ngũ trật tự theo từng công sở, xí nghiệp, trường học, khu phố..., kéo tới những con đường đã được thông báo trước là bộ đội hành quân qua.
Đoàn xe đầu tiên do thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính và bác sĩ Trần Duy Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính dẫn đầu đi qua phố Hàng Đường, Hàng Đào vào trung tâm thành phố. Tiếp đến, từ năm cửa ô, các đơn vị bộ đội tiến vào Hà Nội. Trong rừng cờ hoa, với niềm vui sướng tột độ, nhân dân Thủ đô náo nức đón đoàn quân chiến thắng trở về. Dẫn đầu là Trung đoàn Thủ đô giương cao lá cờ “Quyết chiến - quyết thắng". Trong đoàn quân trở về, ấy, có không ít chiến sỹ được sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, vì vậy ngày tiếp quản là ngày về nơi chôn rau cắt rốn, như trường hợp của Đại tá Nguyễn Trọng Hàm, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu Thủ đô, nay là Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội.
Người dân Hà Nội hân hoan đón chào đoàn quân chiến thắng
Ông Hàm sinh ra và lớn lên ở phố Phùng Hưng, Hà Nội trước khi tham gia Trung đoàn Thủ đô, ông là tự vệ thành, công nhân phố Hàng Thiếc. Trong suốt 9 năm đằng đẵng của cuộc kháng chiến chống Pháp, ông không hề nhận được một tin tức nào của gia đình. Phải đên ngày về tiếp quản Thủ đô, ông mới được gặp lại bố mẹ, anh chị em. Niềm hạnh phúc trùng phùng, thật khó văn bút nào tả xiết.
Vinh dự được là một trong những người đầu tiên về tiếp quản Thủ đô ngay từ ngày 7/10 với tư cách là phái viên Bộ tổng tham mưu để triển khai kế hoạch bàn giao và theo dõi tình hình, vì vậy ông Hàm cũng là người được trực tiếp chứng kiến giờ phút lịch sử khi những người lính Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội. “16 giờ 30 chiều 9/10/1954, toán lính cuối cùng của Pháp rời khỏi cầu Long Biên sang Gia Lâm. Hà Nội bừng lên không khí náo nhiệt, khác hẳn, cờ hoa khẩu hiệu tất cả mọi nơi đều trang hoàng được xây dựng các cổng chào từ các ngõ ngách chứ không phải chỉ ở phố lớn”, ông Hàm chia sẻ.
Còn ông Lê Văn Tính, nguyên chiến sỹ liên lạc Trung đoàn Thủ đô kể, lúc đó đoàn quân trở về với tư thế của người chiến thắng, tuy vậy với tinh thần cảnh giác cao độ, nhiều chiến sỹ vẫn chuẩn bị sẵn tâm thế sẵn sàng chiến đấu. Nhưng thực dân Pháp đã rút lui trong im lặng. Vì vậy ngày trở về đã vỡ òa niềm vui trọn vẹn, người dân Thủ đô náo nức đón đoàn quân như đón con em mình. Nhiệm vụ đầu tiên của Trung đoàn thời điểm đó là bảo vệ thành quả cách mạng, ổn định đời sống, sản xuất, tuyên truyền tránh để nhân dân bị lôi kéo, xúi giục…
Chói lọi mốc son lịch sử
Dù 64 năm đã trôi qua, nhưng đối với bà Nguyễn Thị Lụa (85 tuổi, ở Văn Võ, Chương Mỹ, Hà Nội), một cựu nữ dân quân du kích, thì ký ức về “những ngày tháng 10 hào hùng” đó không thể nào phai. Bà Lụa chia sẻ: “Từ khi đoàn quân giải phóng trở về, nhà nhà mở cửa, người người náo nức đón chào, khắp nơi đều treo rợp cờ hoa và khẩu hiệu. Niềm vui sướng nhất của tôi là được tham dự lễ chào cờ lịch sử, diễn ra vào chiều 10/10/1954. Nhìn lá cờ chiến thắng của Tổ quốc tung bay trên đỉnh Cột Cờ Hà Nội, tôi đã không cầm được nước mắt”.
Sân vận động Cột Cờ chiều 10/10/1954
Cũng theo bà Lụa thì từ trước đó không khí hân hoan, rộn ràng đã tràn ngập khắp Thủ đô. Đó là những ngày chờ đoàn quân trở về. Bởi người dân Hà Nội đã trong ách kìm kẹp của thực dân Pháp suốt 80 năm, tư thế của người mất nước và những lệnh giới nghiêm khiến bao năm Hà Nội lặng lẽ, phố xá buồn bã, nhà nhà đóng cửa. Nhưng khi liên tiếp đón nhận tin chiến thắng từ chiến trường Điện Biên Phủ, từ bàn ngoại giao, không khí trong lòng Thủ đô đã náo nức niềm tin, hy vọng, mong chờ ngày những người con anh hùng của Hà Nội, của đất nước trở về tháo bỏ gông xiềng ách thực dân.
Đúng 15h ngày 10/10/1954, từ Nhà hát Lớn thành phố nổi lên một hồi còi, lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại sân vận động Cột Cờ với sự tham gia của các đơn vị quân đội và hàng vạn nhân dân Hà Nội được bắt đầu. Các đơn vị tham dự lễ chào cờ tập hợp thành khối vuông nghiêm chỉnh. Hàng đầu là đội hình bộ binh, đứng sau là đội hình cơ giới và pháo binh xếp hàng ngang thẳng tắp, xe pháo nghiêm chỉnh, pháo thủ và bộ binh cơ giới đứng nghiêm trên xe. Xung quanh sân vận động, nhân dân các khu phố kéo đến đông nghịt đứng vòng trong, vòng ngoài chật ních cả đường Hoàng Diệu và đường Cột Cờ (nay là đường Điện Biên Phủ). Ai cũng muốn có mặt trong thời khắc lịch sử. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên đỉnh Cột Cờ cổ kính. Cả Hà Nội tưng bừng hân hoan trong niềm vui giải phóng.
Bà Nguyễn Thị Lụa: “Ngày Giải phóng Thủ đô mãi là ngày vui sướng nhất trong cuộc đời tôi”
Sau lễ chào cờ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ trân trọng đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng. Trong thư gửi đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Tám năm qua, Chính phủ đã phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhưng lòng Chính phủ luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay, do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ ta lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết”.
“Hình ảnh thủ đô ngày 10/10/1954 đã trở thành những hình ảnh đẹp nhất, hào hùng nhất và có lẽ không bao giờ phai trong tâm trí của tôi. Suốt những ngày tháng sau đó, tôi luôn sống trong tâm trạng lâng lâng khó tả. Cũng bởi từ lúc sinh ra cho đến khi lớn lên rồi đi theo cách mạng, tôi phải chứng kiến quá nhiều đau thương mất mát của người dân vì chiến tranh. Có những gia đình bị “xóa sổ” chỉ vì bom rơi đạn lạc, có những xóm làng không còn một ai chỉ sau một trận càn, thế nên giành được độc lập, tự do, được sống trong hòa bình là khát vọng của mỗi người dân”, bà Lụa tâm sự.
Việc Hà Nội được giải phóng không chỉ là niềm vui mừng của người dân Thủ đô, mà còn là một sự kiện lịch sử, một ngày hội lớn của nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Các nước trong phe xã hội chủ nghĩa và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới cũng phấn khởi, cùng chia vui, các báo, đài đưa tin và giới thiệu về sự kiện lịch sử này. Ngày 10/10/1954 cũng trở thành một mốc son trong lịch sử xây dựng và phát triển của Thủ đô và đất nước, đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa to lớn, mở ra thời kỳ phát triển mới hết sức vẻ vang trong lịch sử Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Thủ đô Hà Nội hoàn toàn thoát khỏi ách thống trị của thực dân, nhân dân lao động làm chủ vận mệnh của mình, phấn khởi bắt tay vào xây dựng xã hội mới - xã hội chủ nghĩa.