G20 nhất trí thành lập Quỹ phòng chống đại dịch

Nhật Minh| 12/11/2022 08:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tổng thư ký Bộ Y tế Indonesia, ông Kunta Wibawa Dasa Nugraha, ngày 11/11 cho biết, Bộ trưởng Y tế các nước thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã nhất trí thành lập Quỹ phòng chống đại dịch.

kunta-wibawa-dasa-nugraha.jpg
Tổng thư ký Bộ Y tế Indonesia, ông Kunta Wibawa Dasa Nugraha

Theo ông Kunta Wibawa Dasa Nugraha thỏa thuận trên là kết quả của Hội nghị Bộ trưởng Y tế G20 lần thứ 2 vào tháng 10 vừa qua.

Hiện Quỹ đã nhận được các cam kết tài trợ lên tới 1,4 tỷ USD từ 20 quốc gia (trong đó có Australia, Canada, Pháp, Đức, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Na Uy, Nam Phi, Singapore, Anh, Tây Ban Nha, Mỹ, Các tiểu vương quốc Arập Thống nhất) và 3 tổ chức từ thiện (gồm Quỹ Bill & Melinda Gates, Quỹ Rockefeller và Wellcome Trust).

Ông Kunta Wibawa Dasa Nugraha cho rằng, thỏa thuận này là sự khởi đầu rất hứa hẹn. “Chỉ trong vài tháng đã đạt được mức tài trợ đó. Các cam kết sẽ được đưa vào chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới ở Bali”, quan chức Bộ Y tế Indonesia nhấn mạnh.

Ông Kunta Wibawa Dasa Nugraha cho rằng đại dịch COVID-19 đã khiến mọi quốc gia trên thế giới nhận ra tầm quan trọng của việc cải tổ cấu trúc y tế toàn cầu. Đây cũng là một trong những vấn đề ưu tiên của G20 bên cạnh chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi kỹ thuật số và các vấn đề kinh tế.

Theo ông Kunta Wibawa Dasa Nugraha, Quỹ phòng chống đại dịch có thể hỗ trợ 6 nội dung quan trọng trong chương trình nghị sự về y tế của G20, trong đó có tăng cường giám sát bộ gen, khuyến khích huy động nguồn lực y tế, mở rộng mạng lưới nghiên cứu, sản xuất vaccine, liệu pháp và chẩn đoán (VTD).

g20_summit_311021.jpg
Các thành viên G20 nhất trí thành lập Quỹ phòng chống đại dịch

Trước đó, ngày 10/11, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết, Diễn đàn y tế các nước thành viên G20 đã nhất trí thiết lập Cơ quan hợp tác toàn cầu tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19 (ACT-A) để tích hợp hợp tác giữa các bên liên quan nhằm ứng phó với các đại dịch trong tương lai.

ACT-A quy tụ một số cơ quan và tổ chức quốc tế, trong đó có Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Quỹ Bill and Melinda Gates, Liên minh Đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI), Liên minh vaccine và tiêm chủng toàn cầu (GAVI), Quỹ Toàn cầu, WHO và các cơ quan liên quan khác.

Bộ trưởng Y tế Indonesia cho rằng ACT-A là một tổ chức toàn diện và đã thành công trong việc khắc phục các vấn đề của thế giới, đồng thời bày tỏ lạc quan rằng cơ quan này sẽ giúp tăng cường hợp tác toàn cầu giữa các chính phủ, nhà khoa học, nhà sản xuất, doanh nghiệp, xã hội dân sự, các tổ chức y tế và từ thiện toàn cầu nhằm tăng tốc phát triển, sản xuất và tiếp cận công bằng với xét nghiệm, điều trị và tiêm chủng ngừa COVID-19.

Trước đó, hoạt động ngoại giao thành lập ACT-A đã được thảo luận tại Nhóm công tác y tế (HWG) lần thứ ba của G20 diễn ra vào ngày 22 - 23/8 tại Bali. Cuộc họp đã đạt được một số thỏa thuận và cam kết hỗ trợ của các tổ chức quốc tế - yếu tố được coi là quan trọng đối với việc tăng năng lực nghiên cứu và sản xuất trong thời kỳ đại dịch.

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại Bali, Indonesia trong các ngày 15 và 16/11.

Dự kiến hội nghị thượng đỉnh này sẽ thảo luận một số vấn đề ưu tiên như an ninh lương thực và năng lượng, cấu trúc y tế toàn cầu và chuyển đổi kỹ thuật số.

Theo AFP, ngày 10/11, Đại sứ quán Nga tại Indonesia xác nhận Tổng thống Putin sẽ không đến Bali dự hội nghị thượng đỉnh G20, nhưng có thể ông Putin sẽ dự trực tuyến từ xa. Ngoại trưởng Lavrov sẽ dẫn đầu phái đoàn Nga tới dự hội nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
G20 nhất trí thành lập Quỹ phòng chống đại dịch