Phản ánh đến Báo Công lý, doanh nghiệp cho rằng Chi Cục quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão - Sở NN&PTNT tỉnh Hưng Yên tổ chức đấu thầu dự án đê tả sông Hồng không đúng quy định của pháp luật.
Điều chỉnh gói thầu sai luật
Gói thầu số 06 “Thi công xây dựng các hạng mục công trình (đoạn từ K120+600 đến K127+000 đê tả sông Hồng và đoạn từ K18+00 đến K20+700 đê tả sông Luộc) thuộc dự án Đầu tư xây dựng nâng cấp đê tả sông Luộc kéo dài (đoạn từ K120+600 đê tả sông Hồng đến K20+700 đê tả sông Luộc) tỉnh Hưng Yên”.
Ngày 6/6/2019, ông Hồ Trọng Khải – Chi Cục trưởng Chi Cục quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên) đã ký Quyết định số 38/QĐ-ĐĐ-QLDA phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Theo đó, đơn vị trúng thầu là Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư Thịnh Phát - Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Gia Lâm. Giá trúng thầu là 164.719.138.000 đồng (một trăm sáu mươi tư tỷ bảy trăm mười chín triệu một trăm ba tám nghìn đồng), hợp đồng trọn gói, thời gian thực hiện là 240 ngày.
Quyết định số 38/QĐ-ĐĐ-QLDA ngày 6/6/2019 của Chi Cục quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão
Trước đó, ngày 3/5/2019 Chi Cục quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão đã có Quyết định số 26/QĐ-ĐĐ-BQLDA phê duyệt danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của gói thầu. Ngày 24/5/2019 Cục quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão có Quyết định số 32/QĐ-ĐĐ-QLDA phê duyệt điều chỉnh dự toán giá một số gói thầu.
Theo thông tin tìm hiểu, cũng trong ngày 24/5, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành văn bản số 1209/UBND-KT1 ngày 24/5, do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hưng Yên ông Đặng Ngọc Quỳnh – đã ký thay Chủ tịch trong đó đồng ý về nguyên tắc cho phép chủ đầu tư được điều chỉnh lại giá gói thầu trước thời điểm mở túi hồ sơ đề xuất tài chính của nhà thầu để thay thế giá gói thầu đã duyệt.
Cụ thể, xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Báo cáo số 765/BC-SKHĐT ngày 20/5/2019 về việc tổ chức đấu thầu gói thầu thi công xây dựng các hạng mục công trình (đoạn từ K120+600 đến K127+000 đê tả Sông Hồng và đoạn từ K18+000 đến K20+700 đê tả Sông Luộc) thuộc Dự án đầu tư xây dựng nâng cấp đê tả Sông Luộc kéo dài (đoạn từ K120+600 đê tả sông Hồng đến K20+700 đê tả Sông Luộc), UBND tỉnh có ý kiến như sau:
“Đồng ý về nguyên tắc cho phép chủ đầu tư được điều chỉnh lại giá gói thầu trước thời điểm mở túi hồ sơ đề xuất tài chính của nhà thầu theo quy định để thay thế giá gói thầu đã duyệt, đảm bảo thấp hơn giá gói thầu được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 405/QĐ-UBND ngày 30/01/2019 để làm cơ sở xác định giá đánh giá và giá trúng thầu trong kết quả lựa chọn nhà thầu, đồng thời đảm bảo thời gian trong quá trình lựa chọn nhà thầu và trình tự, thủ tục các bước thực hiện việc lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật đấu thầu.
Quyết định số 405/QĐ-UBND ngày 30/01/2019
Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn Chi cục Quản lý để điều và Phòng chống lụt bão tỉnh điều chỉnh lại giá gói thầu trước thời điểm mở túi hồ sơ đề xuất tài chính của nhà thầu theo quy định đảm bảo thời gian trong quá trình lựa chọn nhà thầu và trình tự, thủ tục các bước thực hiện việc lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật đấu thầu”.
Như vậy, việc điều chỉnh gói thầu chỉ diễn ra trước việc phê duyệt lựa chọn nhà thầu có 6 ngày.
Đấu thầu theo kiểu …“đặt chỗ”
Theo Quyết định số 38/QĐ-ĐĐ-QLDA ngày 6/6/2019 của Chi Cục quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên): “Chỉ được phép thực hiện gói thầu sau khi được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu chấp thuận phân bổ cho dự án giai đoạn 1 theo lý trình mới hoặc được cấp quyết định đầu tư cho phép; trường hợp chưa được đồng ý về nguồn vốn phân bổ cho giai đoạn 1 theo lý trình mới sẽ không được triển khai thực hiện và kết quả lựa chọn nhà thầu không có giá trị, nhà thầu phải cam kết hoàn toàn chịu trách nhiệm về các chi phí trong quá trình lựa chọn nhà thầu và không có khiếu nại, kiến nghị. Ngoài ra, căn cứ vào nguồn vốn, chủ đầu tư sẽ giao mặt bằng thi công tương ứng với nguồn vốn được bố trí cho gói thầu.”
Đồng nghĩa với việc tại thời điểm phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nguồn vốn phân bổ cho giai đoạn 1 theo lý trình mới phê duyệt điều chỉnh chưa được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chấp thuận.
Trong khi đó, theo khoản 9 Điều 89 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ban hành ngày 26/11/2013 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2014 về các hành vi bị cấm trong đấu thầu nêu rõ: Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn tới tình trạng nợ đọng vốn của nhà thầu.
Do đâu cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên lại vội vàng tổ chức đấu thầu, phê duyệt lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho dự án chưa được xác định? Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin.