Trước tình hình dịch bệnh tay chân miệng diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành, với số người mắc tăng đột biến so với cùng kỳ năm ngoái, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa có công điện gửi tới Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị phối hợp tăng cường phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này, bảo vệ sức khỏe trẻ em.
Theo đó, Bộ trưởng đề nghị đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng; yêu cầu đài phát thanh, truyền hình tỉnh, thành phố phát thường xuyên các thông điệp phòng chống bệnh tay chân miệng vào giờ cao điểm và liên tục trong ngày; chỉ đạo các cơ quan báo chí mở chuyên mục phòng, chống bệnh tay chân miệng. In áp phích phòng chống tay chân miệng và áp phích hướng dẫn rửa tay đúng cách cho tất cả các hộ dân có các cháu dưới 3 tuổi.
Theo Bộ Y tế, tính từ đầu năm tới nay, cả nước đã ghi nhận 12.442 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 60/63 tỉnh, thành phố, trong đó có 11 trường hợp tử vong, số mắc tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2011. Các trường hợp mắc và tử vong tập trung chủ yếu ở trẻ dưới 3 tuổi và có nguy cơ tiếp tục gia tăng số mắc và tử vong trong thời gian tới. |
Đặc biệt, đẩy mạnh công tác truyền thông trực tiếp tại cộng đồng thông qua đội ngũ y tế thôn bản, cán bộ phụ nữ, đoàn thanh niên, cựu chiến binh, giao trách nhiệm cho trạm y tế xã, phường, nhân viên y tế thôn bản phụ trách các hộ dân có trẻ dưới 3 tuổi, hướng dẫn cho gia đình các cháu thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng; tổ chức phát động chiến dịch phòng, chống dịch tay chân miệng đến tận xã, phường.
Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải thực hiện các biện pháp nhằm giảm tối đa tử vong do dịch bệnh tay chân miệng như chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn chuẩn bị tốt cơ sở điệu trị, tập huấn cán bộ, bảo đảm đủ cơ số thuốc phục vụ công tác điều trị; sẵn sàng có gama globulin (một loại dịch để truyền) phục vụ cho điều trị bệnh nhân
Bệnh viện Nhi Trung ương mỗi ngày tiếp nhận khám, điều trị khoảng 100 ca bệnh tay chân miệng (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)
Các địa phương cần giao trách nhiệm cho Thủ trưởng các đơn vị y tế chịu trách nhiệm về điều trị và trong trường hợp có tử vong tại cơ sở; tổ chức tập huấn về phác đồ điều trị cấp cứu bệnh nhân tay chân miệng cho các bác sỹ và điều dưỡng tại bệnh viện các tuyến; chuẩn bị đầy đủ thuốc, dịch truyền, monitor, máy thở phục vụ điều trị, cấp cứu bệnh nhân.
Riêng đối với công tác dập dịch, tăng cường việc giám sát phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch; tiến hành các biện pháp xử lý ổ dịch, sử dụng hóa chất diệt khuẩn theo quy định và báo cáo trong ngày về diễn biến dịch; chuẩn bị đầy đủ hóa chất khử trùng, xử lý ổ dịch.
UBND tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm đầu tư kinh phí phòng chống dịch khẩn cấp, tăng chi cho công tác truyền thông, giám sát phòng chống dịch tay chân miệng; hỗ trợ mua các trang thiết bị, dụng cụ, thuốc men dùng trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhân; hỗ trợ mua vật tư, hóa chất, xà phòng phòng chống dịch đến tận hộ gia đình trong ổ dịch. Đồng thời, phân công các đơn vị theo dõi, triển khai công tác phòng, chống dịch tại các quận, huyện.
Bộ Y tế sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành về công tác phòng chống dịch tay chân miệng và thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành có sự tham gia của chính quyền để đôn đốc công tác phòng, chống dịch; kiểm tra công tác phòng bệnh tại các nhà trẻ nhất là các nhà trẻ tư nhân, các hộ trông trẻ tại gia đình.
Thu Phương