Hoạt động giám sát của QH nói chung đối với các ngành, các lĩnh vực hiện nay có vai trò hết sức quan trọng, đây cũng là vấn đề mà cử tri rất quan tâm. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ĐBQH Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH xung quanh vấn đề này.
PV: Thưa bà, Quốc hội thực hiện các hoạt động giám sát nhiều mặt, lĩnh vực, bà có đánh giá như thế nào về hoạt động này trong thời gian qua?
ĐBQH Nguyễn Thanh Hải: Hoạt động giám sát thể hiện nhiều mặt như hoạt động chất vấn, hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, việc giám sát của UBTVQH về các chuyên đề. Thời gian qua, việc giám sát này đã đạt được nhiều kết quả tích cực và cử tri hết sức quan tâm. Ngay cả việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, việc lấy phiếu tín nhiệm bầu các chức danh cấp cơ sở cũng là một trong những hình thức giám sát của QH đã tạo nên hiệu ứng thu hút sự quan tâm của nhiều cử tri. Việc đẩy mạnh đa dạng hóa các loại hình giám sát đã được đề cập tới trong Luật Giám sát của ĐBQH và HĐND đang trình QH cho ý kiến trong kỳ họp này. Tôi tin rằng trong thời gian tới Luật sẽ có tác dụng thúc đẩy các hoạt động giám sát của QH, đáp ứng lòng mong mỏi của các cử tri.
ĐBQH Nguyễn Thanh Hải
PV: Bà đánh giá thế nào về hiệu quả giám sát của các cơ quan dân cử ở địa phương?
ĐBQH Nguyễn Thanh Hải: Cơ quan dân cử ở địa phương là nơi gần người dân nhất, có điều kiện để phát huy vai trò giám sát của mình; có thể lắng nghe ý kiến của người dân nhanh, kịp thời. Tuy nhiên thời gian vừa qua, qua các cơ quan dân cử cho thấy hiệu quả hoạt động ở địa phương vẫn còn chưa được như mong muốn. Theo đánh giá của các ĐB có thể là do điều kiện về cơ sở vật chất, thiếu về con người và nhiều người kiêm nhiệm quá; cơ chế hoạt động và quy chế phối kết hợp với các đơn vị liên quan chưa được rõ ràng.
Nghị quyết Trung ương cũng đã khẳng định rõ cơ quan dân cử ở đơn vị cơ sở là hết sức quan trọng và ở đâu mà có chính quyền thì ở đó sẽ có cơ quan dân cử để giám sát từ cấp cơ sở. Bởi vậy, điều kiện hoạt động của cơ quan dân cử trong thời gian tới cần phải quan tâm hơn về mọi mặt để hoạt động này có hiệu quả hơn.
PV: Sắp tới Quốc hội sẽ dành hơn hai ngày cho hoạt động chất vấn các vị tư lệnh ngành, vậy bà có thể cho biết thông tin cụ thể về hoạt động chất vấn này không?
ĐB Nguyễn Thanh Hải: Hoạt động chất vấn được công bố rất rộng rãi và căn cứ vào số liệu câu hỏi gửi đến sẽ có 04 Bộ trưởng được chọn và lấy ý kiến rộng rãi. Tôi nghĩ rằng họat động chất vấn thường gây chú ý và thu hút sự quan tâm của cử tri và nhân dân cả nước vì tại đây nhiều vấn đề “nóng” sẽ được đặt lên bàn của Quốc hội, những vấn đề được ĐB và cử tri quan tâm, từ đó cũng sẽ có sự giải đáp, sự chia sẻ của các vị tư lệnh ngành. Qua chất vấn các ĐBQH cũng sẽ có nhiều thông tin để có sự chia sẻ, phối hợp với cơ quan hành pháp, từ đó tuyên truyền vận động trong nhân dân để nắm được những khúc mắc, bất cập và cũng cần thời gian, tiến độ, nguồn lực hợp lý để giải quyết. Hi vọng, chúng ta sẽ có một phiên chất vấn sôi động và kết quả của phiên chất vấn sẽ thúc đẩy cho xã hội phát triển tích cực trong thời gian tới.
PV: Hiện các ĐBQH thường quan tâm chất vấn xong rồi việc triển khai cam kết đó lại bị “bỏ ngỏ”. Bà có đánh giá gì về về việc này không?
ĐBQH Nguyễn Thanh Hải: Việc chất vấn là nêu vấn đề và các vị tư lệnh ngành có thể giải quyết vấn đề ngay trong kỳ họp, nếu đó là vấn đề dễ giải quyết hoặc không mang tính chất trên phạm vi sâu rộng. Cái mà tôi và các ĐB khác rất quan tâm đó là việc hậu giám sát. ĐB chúng tôi có quyền chất vấn quanh năm, bản thân tôi cũng có nhiều chất vấn đã gửi đến các vị tư lệnh ngành và đã được giải đáp. Tuy nhiên, không phải vấn đề gì cũng giải đáp được ngay, bởi cũng còn có cái nằm trong phạm vi liên ngành.
Bởi vậy, tôi cho rằng vai trò cá nhân của ĐBQH, tức là cá nhân người đưa ra vấn đề chất vấn cũng phải hết sức quan tâm và theo đuổi đến cùng những ý kiến mà mình chất vấn, tâm huyết với vấn đề chất vấn đó thì mới đạt kết quả.
PV: Xin cảm ơn bà!