Chính trị

Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa: Vui sao nước mắt lại trào!

Nhật Minh 30/04/2024 - 20:52

Những ngày tháng Tư, trong không khí tưng bừng của cả nước hướng về ngày kỷ niệm Chiến thắng 30/4, thống nhất đất nước, giữa đất trời Thủ đô, chúng tôi may mắn được gặp gỡ và trò chuyện với bà Trương Mỹ Hoa - nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Quỹ Học bổng Vừ A Dính, Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu”. Bà không chỉ là chứng nhân của một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, mà còn là một cựu chiến sĩ biệt động Sài Gòn.

Sinh ra vào đêm trước của cuộc cách mạng

Chào đời đúng vào thời điểm đói khổ nhất của dân tộc (18/8/1945), nhưng với bà Trương Mỹ Hoa, cái đói không phải là nỗi ám ảnh trong cuộc đời bà. Với một người chiến sĩ Cộng sản, khí thế cách mạng, ý chí quật cường của dân tộc trong hoàn cảnh đói khổ mới là điều bà khắc cốt ghi tâm, như dòng máu nóng luôn cuộn trào trong huyết mạch.

Tháng 11/1960, ở cái tuổi 15 đẹp nhất của một người con gái căng tràn nhựa sống, Trương Mỹ Hoa bắt đầu tham gia phong trào thanh niên, sinh viên, học sinh khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Tháng 5/1961, bà tham gia Đoàn Thanh niên. Đến tháng 5/1962, khi chưa đầy 17 tuổi, bà được kết nạp vào Đảng Nhân dân Cách mạng Việt Nam, hoạt động trong Hội Liên hiệp Thanh niên Học sinh sinh viên khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định với phong trào phản đối bắt lính, biến miền Nam thành trại lính khổng lồ.

co-truong-my-hoa.jpg
Bà Trương Mỹ Hoa - nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Quỹ Học bổng Vừ A Dính, Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu”.

19 tuổi, tháng 4/1964, bà Trương Mỹ Hoa bị địch bắt. Trong 11 năm, bà là nữ tù chính trị, bà có hai lần gần 4 năm bị đày ra Côn Đảo, giam giữ nơi Chuồng Cọp vì bị liệt vào những đối tượng “bất trị, cứng đầu”. Dù kẻ thù dùng nhiều biện pháp từ tra tấn thể xác đến đánh đòn tâm lý, nhưng bà không hề bị lung lay lập trường cách mạng, một lòng trung thành với Đảng, Bác Hồ và dân tộc.

Đối với bà, những ngày tháng tù đày có hai việc phải làm, một là chống, hai là xây: Chống đối đến cùng mọi âm mưu nhằm giết chết sinh mạng chính trị, lý tưởng cách mạng của người tù; và xây dựng bản thân, tập thể vững mạnh, can trường để vượt qua, chiến thắng những âm mưu, thủ đoạn đó. Nhà tù là nơi giam giữ thể xác nhưng không thể kìm hãm ý chí đấu tranh, tư tưởng của những người cộng sản. Với bà, đó là một trường đại học giúp bà và đồng đội trưởng thành hơn về tư tưởng, trách nhiệm, quan điểm chính trị, bản lĩnh... Những ngày ấy, bà cùng đồng đội sẵn sàng chấp nhận sự hi sinh cao nhất vì luôn tin rằng Cách mạng nhất định chiến thắng.

“Có thể nói, cuộc đời của tôi, những dấu ấn đậm nhất vẫn là quãng thời gian ở tù, bởi 11 năm ở trong tù chính là thời gian dài. 11 năm tuổi thanh xuân chôn chặt trong nhà lao. Nhiều phóng viên nước ngoài từng hỏi tôi rằng, hết tuổi thanh xuân trong tù, tôi có hối tiếc điều gì không? Tôi cho rằng tôi không có gì phải hối tiếc, vì nhà tù là nơi trui rèn cho mỗi người chiến sĩ cách mạng. 11 năm trong tù chính là sự thử thách lòng dũng cảm, hi sinh của mình đối với Đảng, Nhà nước, dân tộc, đây là sự thử thách rèn luyện để mình trưởng thành, lớn lên”, bà Trương Mỹ Hoa xúc động chia sẻ.

Vui sao nước mắt lại trào!

Ngày 07/3/1975, bà Trương Mỹ Hoa được trả tự do vô điều kiện (không chịu chào cờ, không chịu chấp nhận bất cứ điều kiện gì mà địch đưa ra) từ Nhà lao Tân Hiệp (Biên Hòa, Đồng Nai). “Lúc ấy, cả nước đang vào chiến dịch Hồ Chí Minh, cả nước đang rầm rập xuống đường, tôi cũng được quyết định đi trong đoàn quân ấy”, bà Trương Mỹ Hoa nhớ lại. Để yên tâm tham gia chiến dịch, bà xin tổ chức cho kiểm điểm, vì bà nghĩ, nếu có hi sinh trong chiến dịch này, bà cũng thấy nhẹ lòng vì đã được tổ chức đánh giá đúng những ưu, khuyết điểm trong thời gian mình ở tù. Nguyện vọng được chấp thuận, bà xuống đường, lòng phơi phới nhẹ nhàng.

11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ của quân giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai ở miền Nam Việt Nam. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, non sông Việt Nam thống nhất. Là một người con của Nam Bộ, một chiến sĩ cách mạng, niềm vui khi nhìn thấy quê hương được giải phóng đối với bà Trương Mỹ Hoa có lẽ không có gì bằng.

Bà đã kịp về trong ngày chiến thắng! Với một tử tù luôn xác định “ngày chiến thắng chưa chắc đã có mặt mình”, luôn sẵn sàng hi sinh mạng sống, luôn đấu tranh với kẻ thù trong tù để giữ gìn khí tiết cách mạng và không làm điều gì tổn hại cho thanh danh của cách mạng, niềm vui này khôn tả xiết.

Chiến thắng lịch sử 30/4/1975 có ý nghĩa to lớn, cao cả, trọng đại và thiêng liêng đối với cả dân tộc Việt Nam. Mục tiêu đấu tranh thống nhất đất nước của cả dân tộc đã đạt được. Đất nước sẽ không còn bom đạn, chia cắt, không còn hi sinh chết chóc. Hạnh phúc và những giọt nước mắt xúc động trước đoàn tụ của cả dân tộc, trong đó có gia đình bà, không thể nào phai nhạt cho đến tận ngày hôm nay.

nha-tu-hoa-lo.jpg
Bà Trương Mỹ Hoa (Nguyễn Thị Tâm, số tù DT/PAN 094) trong thời gian bị giam tại Nhà tù Côn Đảo. Ảnh tư liệu: Di tích nhà tù Hỏa Lò.

Bà xúc động, năm nào cũng vậy, cứ đến ngày này, cảm xúc vừa vui mừng, vừa bùi ngùi đan xen lẫn lộn. Bà nhớ về những người đồng chí, đồng đội, rất nhiều người đã hi sinh trong tù khi tuổi vừa mười chín đôi mươi, không còn sống để chứng kiến chiến thắng và thành quả của cách mạng.

Trong suốt cuộc trò chuyện, nhiều lần bà rơm rớm, hai mắt đỏ hoe; đôi bàn tay nắm chặt vào nhau như cố ngăn niềm xúc động trào dâng, nhất là khi kể về đồng đội, những người bạn đồng cam cộng khổ chốn lao tù. “Dù chúng tôi đến từ nhiều nơi khác nhau, nhưng chúng tôi đã gắn bó, yêu thương nhau, đoàn kết để cùng chiến đấu với kẻ thù trong cuộc chiến không cân sức. Trong tù, chúng tôi nhường nhau từ miếng cơm, miếng nước, manh áo, từ viên thuốc, chỗ nằm, từ bóng nắng xuyên qua tấm tôn bị lủng, đến từng hơi thở trong xà lim… Chỉ có một thứ duy nhất mà chúng tôi giành nhau, đó là giành phần khó, giành gian khổ về mình. Ấy là những người trẻ chạy ra ngoài để giành đòn roi về mình, để che chắn cho những người lớn tuổi và những người bệnh”.

Bà cho biết, những cựu tù chính trị hiện vẫn cố gắng để sống xứng đáng với những người đồng đội đã nằm xuống. Dù chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm, nhưng với tinh thần của người chiến sĩ cách mạng kiên cường, bà Trương Mỹ Hoa cũng như những cựu tù chính trị đã vượt qua khó khăn, khắc phục những hạn chế về sức khỏe để tích cực tham gia các phong trào hành động cách mạng, phong trào thi đua yêu nước, đem tâm huyết và công sức của mình đóng góp vào công cuộc cách mạng, vì dân vì nước như xưa trong điều kiện mới.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa mong rằng, những thành tựu mà các thế hệ đi trước gây dựng cần tiếp tục được phát triển, nhằm mang đến sự ổn định và phồn vinh cho dân tộc. “Cuộc sống trong tù tuy gian khổ nhưng rất đẹp, mang đậm đà ý nghĩa tình người, tình đồng chí. Tôi nghĩ rằng khi đất nước chúng ta hội nhập càng rộng, càng sâu với thế giới thì tình đồng chí, tình đồng đội, tình con người Việt Nam vẫn phải luôn gìn giữ, đó là sự đoàn kết gắn bó keo sơn. Đối với thế hệ trẻ, dù đất nước phát triển đi lên, chúng ta vẫn phải cố gắng học tập, rèn luyện, giữ gìn đạo đức, vì đất nước, vì dân tộc. Chúng ta phải vượt qua những thử thách trong cuộc sống, trong công việc, để trở thành những con người Việt Nam chân chính, vì Tổ quốc, vì đồng bào và tiếp tục làm cho đất nước ngày càng phát triển, công bằng, văn minh và thực hiện mong ước làm cho một đất nước Việt Nam hùng cường, xã hội chủ nghĩa theo con đường mà Bác Hồ đã chọn”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa: Vui sao nước mắt lại trào!