Phóng sự - Ghi chép

Đắm say vũ khúc đại ngàn

T.Thành 23/06/2023 15:38

Trên mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ, có biết bao điều huyền diệu. Dẫu chỉ giản đơn là một tiếng gió về qua nóc nhà Rông, tiếng thác Đăm ri ồn ào đưa nước bạc hay một tiếng Tơ rưng, một nhịp đàn đá, một bước voi đi uy lẫm giữa đại ngàn, thì đó chính là những thanh âm riêng có của đất trời Tây Nguyên hội tụ. Có đi hết, có hòa mình vào các đêm cồng chiêng hay những điệu dân ca, dân vũ mới thấy hết vẻ đẹp tiềm ẩn của cộng đồng các dân tộc sinh sống giữa đại ngàn.

anh-bai-dam-say-vu-khuc-dai-ngan-3-cover.png

Cuốn hút hát kể sử thi

Theo ước tính, hiện khu vực Tây Nguyên quy tụ trên 20 sắc dân với nhiều hệ ngôn ngữ khác nhau. Vùng đất bazan này trải mấy nghìn năm đã là nơi nương náu an toàn cho người dân bản địa và các bộ tộc thiên di từ phương Nam cũng như phương Bắc. Núi liền núi, sông liền sông, đồng liền đồng, các dân tộc đã chung sống hòa bình, nương tựa vào nhau để tạo dựng làng bản, buôn sóc, khắc chế thiên tai địch họa, duy trì giống nòi và truyền thống văn hóa dân tộc…

Chính những sắc dân này đã tạo nên những nếp sống và nền văn hóa hết sức đặc thù và đa dạng. Chả thế mà mỗi lần nhắc đến Tây Nguyên đều gợi cho người ta biết bao suy tưởng về một miền không gian đầy huyền thoại. Bởi đời sống tinh thần và kho tàng văn hóa truyền thống phong phú của người dân vùng đất tràn ngập nắng gió này luôn khơi tạo cảm hứng cũng như thúc giục lòng người. Trong đó đặc biệt nhất phải kể đến những lễ hội cồng chiêng, hay những làn điệu dân ca dân vũ và hàng trăm bài hát kể sử thi vừa sống động, vừa quyến rũ.

Theo dòng sông Auna hiền hòa, thơ mộng chảy giữa cao nguyên, sẽ tuyệt với biết bao nếu được nghe các nghệ nhân người Ba Na, Jarai, Ê Đê... rỉ rả những bản trường ca, sử thi của đất trời Tây Nguyên từ đầu đêm cho đến sớm mai. Nghe để rồi nhận ra tâm hồn người Tây Nguyên lúc thì gầm gào, đầy sức mạnh, khi thì trầm lắng êm ả hòa theo bài Kdor đối đáp dưới dạng đồng ca, xướng xô, kể câu chuyện về các dân tộc đến với đất nước này từ ngàn năm trước. 

Chỉ cần giọng của các nghệ nhân hát kể sử thi cất lên, người nghe như thấy tiếng nước reo, lửa cháy, tiếng sấm rền trong những cơn giông đầu hạ, tiếng hổ gầm trong vách núi, và còn có cả tiếng chim hót, tiếng cười đùa của những cô gái Ba Na, Ê Đê... bên dòng suối. Đặc biệt những trường ca Giông, Giở qua lời hát kể của các nghệ nhân này đã hoàn thành sứ mạng của mình là nối liền quá khứ nghìn năm và hiện tại một cách đầy sinh động.

Nếu như người Ê Đê có sử thi Khan “Đăm San”, “Đăm Di”, “Khinh Dú”, “Đăm Đơ roăn”, “Y Pơrao”, “Mơ Hiêng”..., thì người Ba Na có “Đăm Noi”, “Giông nghèo tám vợ”, “Tre vắt ghen gét Giông”, “Dyông Wiwin”, “Xing Chi Ôn”. Người Jarai tự hào về sử thi “Chilơkôk”, thì người Raglai có “Uđai Ujà”, người Mơ Nông có “Cây nêu thần”, “Mùa rẫy bon Tiăng” hay “Đi cướp lại bộ cồng từ Sơm, Sơ” để người già kể cho con cháu mỗi đêm...

Còn dưới chân đỉnh núi Chư Mom Ray hùng vĩ, vào những đêm trăng lên, bên đống lửa đốt trước sân nhà rông, người Rơ Măm thường được nghe người già hát. Lời hát như tiếng gió qua khe lá ấy là một câu chuyện kể về người anh hùng Rơ Măm một mình mang cung nỏ, giáo mác ngược lên đỉnh Chư Mom Ray đánh lại người xứ Yàng bảy ngày bảy đêm…; kể về một thời hoàng kim của tộc người Rơ Măm ưu tú, giỏi giang đã dám chống lại mọi kẻ thù hung bạo nhất. 

Bài hát ấy còn kể rằng, ngày xưa, xưa lắm, cả trăm năm về trước, người Rơ Măm đông hơn bây giờ nhiều, có tới 12 làng sống biệt lập ở những nơi cao nhất so với các dân tộc khác. Nhưng rồi một trận dịch khủng khiếp cách đây hơn 70 năm đã xóa sạch các làng, chỉ để lại một làng duy nhất là làng Le hôm nay...

Nghệ nhân A Jar (người dân tộc Xơ Đăng, ở thôn Plêi Đôn, phường Quang Trung, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) bảo, hầu như mỗi tộc người sinh sống trên mảnh đất bazan đều có cho mình những bài hát kể sử thi để tự hào. Hàng trăm tác phẩm đó đã tạo nên mọt kho tàng sử thi đồ sộ, kể về cuộc đời nhiều thế hệ anh hùng của các dân tộc Tây Nguyên đã có công lập buôn làng, chiến đấu bảo vệ quê hương và xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Ngoài các bài hát kể sử thi, các tộc người sống trên mảnh đất bazan có một kho tàng đồ sộ về các điệu dân ca dân vũ và các loại nhạc cụ truyền thống. Thật khó để có thể thống kê hết được các loại nhạc cụ cùng những tính năng chuyên biệt của chúng. Điểm tương đồng dễ nhận thấy là đa phần các nhạc cụ đều được chế tác từ tre nứa và thân cây rừng, nhưng không vì thế mà làm giảm đi nhạc cảm của những người được thưởng thức. 

anh-bai-dam-say-vu-khuc-dai-ngan-1.jpg
Nghệ nhân A Jar: “Các dân tộc trên Tây Nguyên có rất nhiều trường ca, sử thi”

Bằng bàn tay khéo léo và tài hoa của mình, các nghệ nhân đã ghép những ống nứa dài ngắn khác nhau để tạo nên dàn nhạc đinh tút (thổi vào đầu miệng ống), klôngpút (vỗ bằng tay lùa hơi vào ống), đinh jơi, Ciên (bè ống nứa tròn), goong (đàn dây), hay T’rưng (nhạc gõ)… Mỗi dân tộc một màu sắc, một âm điệu đã khiến cho bài ca của núi rừng thể hiện mọi trạng huống cảm xúc của con người trước thiên nhiên và cuộc sống. 

Quyến rũ cồng chiêng

Song, điều kì diệu nhất mà các sắc dân trên mảnh đất bazan mang lại cho kho tàng văn hóa và âm nhạc nước nhà, theo nghệ nhân A Biu (SN 1958, người dân tộc Ba Na, ở làng Plei Klech, xã Ngọk Bay, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) thì chính là sự hùng tráng, quyến rũ bất tận của cồng chiêng. 

Và quả thật, chỉ cần một lần được tham dự Liên hoan văn hóa cồng chiêng các dân tộc Tây Nguyên, chứng kiến lẫn trong ánh lửa bập bùng, lời khấn mời “Hỡi thần sông, thần suối, thần rừng, hãy về đây chứng giám...” của những già làng Ba Na, Ê Đê, B’râu như thả thêm vào đêm non cao, người ta mới thấy vùng đất bazan này quyến rũ đến cỡ nào.

Bởi mỗi khi có lễ hội cồng chiêng, khắp đất trời Tây Nguyên như nghiêng ngả. Lúc ngọn lửa bập bùng được tấu lên, cũng là lúc lễ hội chính thức được bắt đầu. Các điệu nhảy, các màn múa chiêng, múa trống được các nghệ nhân, vũ công trình diễn một cách đắm say, nguyên thủy và hoang sơ nhất. 

Chỉ cần tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng hò hú cất lên, ta nghe như tiếng thác đổ ầm ào dội vào từ ghềnh đá, như tiếng mưa thống thiết ngoài thung, nhưng cũng có lúc mơ màng như tiếng chong chóng quay ngoài cao nguyên lộng gió với biền biệt hoa cúc quỳ nở rộ.

Trong mỗi màn múa, trong mỗi điệu xoang, hàng trăm cánh tay nắm vào nhau nối rộng dài ra mãi. Không hề mang nặng tính biểu diễn, không điệu đà, từ tiếng hát, tiếng hò hú đến những bước nhảy giản dị, lặp đi lặp lại vài động tác, nhưng “những diễn viên không chuyên” ấy, bằng sự hồn nhiên trong trẻo của mình, đã biến đêm hội cồng chiêng trở nên lung linh, huyền ảo và đắm say hơn bao giờ hết.

Những người đàn ông hôm qua còn còng lưng làm đất, chăm sóc cây rừng thì hôm nay, lúc này, trong nhịp chiêng xoang, họ là những diễn viên thực thụ. Những người phụ nữ hôm qua còn cặm cụi hái măng, tra lúa, người đầm đìa mồ hôi thì giờ đây cồng chiêng đã phủ lên họ một thứ ánh sáng rộn ràng, mê hoặc khác. 

Người già nghe chiêng thì hồi tưởng lại quãng đời oanh liệt đã qua. Trung niên vui múa, vui hát cho thỏa chí tang bồng. Còn trai gái nhờ tiếng chiêng, cần rượu mà thầm thì hẹn ước...

Những chàng trai Ê Đê, những cô gái Ba Na, họ cứ nhảy, họ cứ múa và họ cứ hát, những bài hát của dân tộc mình được cha ông truyền lại từ nghìn đời trước, bất chấp ngoài kia đô hội, bất chấp ngoài kia tiếng điện thoại, tiếng còi xe vẫn mải miết rúc lên. Tiếng hát của họ khi thì rì rầm như nước suối, lúc ồn ào, rầm rập như bước chân voi, chân ngựa, nhưng cũng có lúc chấp chới như cánh bướm ngoài rừng. 

Tiếng cồng, tiếng chiêng, tiếng nổ lép bép từ củi lửa dường như có một sức mạnh ma mị, vô hình nào đấy đã ngăn đẩy những xô bồ phố thị, không cho chúng chạm vào cái khối nguyên chất, hoang sơ, cổ xưa, thô nhám trong mỗi “diễn viên”, mỗi “vũ công” đang say mê trình diễn các “vũ điệu của núi rừng”. Họ cứ nhảy, họ cứ múa, và họ cứ hát...

anh-bai-dam-say-vu-khuc-dai-ngan-2.jpg
Nghệ nhân A Biu: “Cồng chiêng có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào Tây Nguyên”

Dường như tiếng cồng, chiêng, tiếng réo rắt của các nhạc cụ truyền thống của vùng đất cao nguyên này đã thổi đẩy những nghệ sỹ quê mùa, lam lũ kia bay đi khắp nhân gian, phủ lên họ một thứ ánh sáng rộn ràng khác, khiến ta không còn nhận ra họ nữa. Song, chính lúc đó, họ mới đích thị là họ nhất. Lúc đó, họ tài hoa và hào hoa như vốn có. Lúc đó, họ giống như những đứa con kiêu hãnh của núi rừng.

Nghệ nhân A Biu bảo, từ bao đời nay, cồng chiêng đã gắn bó mật thiết với cuộc sống của người dân Tây Nguyên. Nó là máu thịt, là tiếng nói tâm linh, là nơi truyền tải niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động và sinh hoạt hàng ngày của họ. 

Chính vì thế mà dường như không có sinh hoạt văn hóa nào của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên mà lại thiếu đi tiếng cồng chiêng. Nó ngân nga trong lễ mời ông bà đi gieo hạt, lễ ăn cơm mới, lễ bỏ mả hay những ngày hội mừng bản làng, mừng đất nước đổi mới. 

Giờ, đi khắp Tây Nguyên, ngang qua biết bao tượng đài, đền miếu tưởng niệm, được nghe nhiều câu chuyện về đồng bào các dân tộc nơi đây đã kề vai sát cánh chiến đấu giải phòng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, sẽ càng thấy được quyết tâm của các dân tộc đã kiên gan gìn giữ nét văn hóa của cộng đồng mình dù trải qua chiến tranh, li loạn hay những thiếu khó, cam khổ nơi xa xôi, khắc nghiệt.

Có chứng kiến một đêm nhảy múa quanh đống lửa bên nhà rông – nơi trước đây từng là hố bom cày - trong tiếng ngân vang cồng chiêng mới thấy hết được các sinh hoạt văn hóa cổ truyền có vai trò quan trọng như thế nào trong đời sống tinh thần của đồng bào. Nó tựa như là hơi thở, tựa như là máu huyết của mỗi người dân sống trên mảnh đất bazan đỏ đất, đỏ nắng này. 

Thực hiện. T.Thành

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắm say vũ khúc đại ngàn