Phóng sự - Ghi chép

Cuộc đấu trí trong “trò chơi gián điệp”

T.Thành 30/04/2024 - 18:37

Vào đầu những năm 60 của thế kỷ trước, nhằm tiếp tay cho chính quyền Sài Gòn, Mỹ lập kế hoạch mở rộng chiến tranh ra miền Bắc mà mở đầu là phát động cuộc chiến tranh gián điệp biệt kích với âm mưu cơ bản là phá rối tình hình an ninh, chính trị hòng ngăn chặn nguồn chi viện của miền Bắc cho miền Nam. Mục tiêu của chúng là phá hoại các cơ sở quân sự, kinh tế làm cho miền Bắc ngày càng suy yếu.

anh-bai-cuoc-dau-tri-trong-tro-choi-gian-diep-1(1).jpg
Lò Văn Piếng - Toán phó kiêm điện đài của Toán “Castor” bị bắt

Xây dựng kế hoạch đón lõng

Trước năm 1954, cơ quan tình báo Pháp đã xây dựng mạng lưới cơ sở ở các tỉnh miền núi. Trước khi rút quân khỏi nước ta, chúng đã huấn luyện và cài lại hàng nghìn tên biệt kích ở các tỉnh vùng núi phía bắc, hòng biến số này thành lực lượng nòng cốt cho các tổ chức phỉ. Vì thế, khi Mỹ - Ngụy phát động chiến tranh gián điệp, biệt kích (GÐBK) ra miền Bắc thật sự là một đòn ác hiểm, đe dọa trực tiếp đến an ninh chính trị ở miền Bắc.

Ngay sau khi Hiệp định Genève được ký kết vào tháng 7-1954, Trung ương Ðảng đã mở Hội nghị bất thường, kết luận: “Pháp đang ráo riết huấn luyện và cài GÐBK để hỗ trợ cho hoạt động phỉ; Mỹ sẽ tăng cường tung gián điệp vào các tỉnh miền núi để móc nối cơ sở, thực hiện âm mưu đánh sau lưng ta”. Từ đó, Ðảng đề ra chủ trương: “Khoanh vùng trấn phản”, “Truy bắt GÐBK, đồng thời với tiễu Phỉ”, xóa bỏ cơ sở xã hội mà kẻ địch có thể lợi dụng.

Với quyết tâm đánh bại âm mưu chiến lược của kẻ thù, Trung ương Ðảng đề ra đường lối, các phương châm, nguyên tắc đấu tranh, thông qua Chỉ thị số 20-CT/T.Ư và Chỉ thị số 66-CT/T.Ư: “Phòng phải đi đôi với chống; vai trò của cấp xã là hết sức quan trọng, có vị trí chiến lược. Công tác phòng chống biệt kích là một bộ phận của cuộc đấu tranh chống phản cách mạng và ngành Công an phải là nòng cốt giúp cấp ủy trong công tác này”.

Quán triệt đường lối đó, Khu ủy khu Tây Bắc chủ động tổ chức lực lượng phòng, chống GÐBK với ba nội dung cơ bản. Từ nhận thức muốn phòng, chống tốt thì phải dựa vào phong trào bảo vệ trị an vững chắc, lực lượng Công an nhân dân khẩn trương triển khai công tác điều tra cơ bản, thuyết phục, giáo dục cơ sở xã hội mà kẻ địch có thể lợi dụng thành tâm cộng tác với chính quyền. Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân và Quân đội nhân dân đóng trên địa bàn đã trực tiếp hướng dẫn đồng bào các dân tộc cách nhận biết tiếng động cơ máy bay, nhận diện người khả nghi, dấu vết và cách thức liên lạc khi phát hiện nghi vấn...

anh-bai-cuoc-dau-tri-trong-tro-choi-gian-diep-2(1).jpg
Bắt giữ Trịnh Kỳ Thiệu

Những cuộc diễn tập truy lùng GÐBK xâm nhập được huấn luyện đều đặn và thuần thục, tinh thần cảnh giác trong các tầng lớp nhân dân được nâng cao. Ðến giữa năm 1961, công tác chuẩn bị chiến trường phòng, chống GÐBK của Mỹ ngụy trên địa bàn Tây Bắc và phụ cận đã hoàn tất, sẵn sàng chờ giặc tới, đúng như phương châm chỉ đạo của Ðảng: “Quét sạch nhà để đón khách không mời mà đến”.

Chuyên án PY 27

22h5 ngày 27/5/1961, toán gián điệp biệt kích Mỹ - Nguỵ đầu tiên mang mật danh “Castor” nhảy dù xuống điểm cao 828 thuộc bản Hỳ, xã Phiềng Ban, châu Phù Yên, tỉnh Sơn La. Âm mưu của chúng là thu thập tình báo, gây cơ sở, lập “mật khu” hoạt động lâu dài ở miền Bắc.

Ngay sau khi phát hiện địch xâm nhập, cấp uỷ địa phương đã nhanh chóng huy động lực lượng công an vũ trang và dân quân triển khai đội hình đón lõng. Khi những chiếc dù trắng còn đang lơ lửng trên bầu trời thì dưới đất hàng trăm người với những bó đuốc sáng rực cùng khí giới tỏa ra khắp rừng.

Sau 4 ngày truy lùng, quân dân Phù Yên đã bắt gọn toàn bộ 4 tên trong toán biệt kích là Hà Văn Chấp - Toán trưởng, Lò Văn Piếng - Toán phó kiêm điện đài, Đinh Văn Anh và Quản Thục là nhân viên phá hoại, thu 4 tiểu liên, 2 súng ngắn và điện đài.

anh-bai-cuoc-dau-tri-trong-tro-choi-gian-diep-3(1).jpg
Một số vũ khí, trang bị của gián điệp, biệt kích

Qua đấu tranh khai thác thấy xuất hiện điều kiện và khả năng “dùng địch đánh địch”, Bộ Công an quyết định mở Chuyên án gián điệp biệt kích mang bí số PY 27 để tìm hiểu sâu về âm mưu, phương thức và thủ đoạn hoạt động gián điệp mới của Mỹ - Nguỵ. Mở đầu chuyên án, đúng 12h trưa ngày 9/6/1961, ta điều khiển và giám sát chặt chẽ tên hiệu thính viên toán “Castor” thực hiện phiên liên lạc đầu tiên, truyền bức điện về Trung tâm của chúng ở Sài Gòn với nội dung báo tin đã đến đúng mục tiêu, đang sẵn sàng chờ lệnh và cần tiếp tế.

Nhận được điện báo của “Castor”, bốn ngày sau, chúng đã hẹn tiếp tế. Theo đúng kế hoạch, ta chuẩn bị cho cuộc đón tiếp này hết sức kỹ lưỡng. Trước giờ hẹn 20 phút, theo đúng quy ước, ta cho đốt hỏa châu và điều khiển Toán trưởng Hà Văn Chấp liên lạc với tên phi cơ trưởng chuyến bay. Mọi việc thông suốt, chỉ còn ít phút nữa máy bay đến điểm hẹn thì đột nhiên liên lạc bị mất. Tình hình lúc này trở nên phức tạp. Toàn đội nhận lệnh sẵn sàng chiến đấu.

Vài giờ sau, ban chỉ huy chuyên án đã nhận được thông báo của Bộ. Chiếc máy bay Dacota C47 của địch đến địa phận Ninh Bình đã bị tai nạn rơi xuống vùng đầm lầy gần nông trường Bình Minh, huyện Kim Sơn: 2 tên bị chết, 8 tên sống sót, trong đó tên phi cơ trưởng đã bị Công an vũ trang Đồn số 41 và dân quân địa phương bắt giữ.

Thời gian sau đó, nhằm tránh sự nghi ngờ của địch, ta chủ động bố trí một kế hoạch giả để hợp lý hoá hoạt động từng ngày của “Castor” bằng cách cung cấp nhiều tin tức và mục tiêu tình báo giả hoặc không còn giá trị. Những tin tức đó có tác dụng vừa thỏa mãn được yêu cầu của địch, vừa tạo lòng tin để đưa chúng vào cái bẫy trong “trò chơi gián điệp”.

Khi Chuyên án bắt đầu tiến triển thuận lợi, thông qua“Castor”, ta từng bước dụ địch tung thêm các toán gián điệp biệt kích bổ sung và tiến hành chặn bắt. Đến ngày 23/12/1966, sau hơn 5 năm đấu tranh, Chuyên án PY27 đã kết thúc thắng lợi khi đã câu nhử và tổ chức đón nhận 18 lần tiếp tế của địch, thu hàng tấn vũ khí, chất nổ, đạn rocket 3,5 và nhiều loại máy móc hiện đại như máy đo chấn động, máy nghe trộm điện thoại, máy phóng đẩy truyền đơn...

Các loại chất nổ, vũ khí thu được qua các chuyên án gián điệp biệt kích được kịp thời gửi vào miền Nam cho lực lượng vũ trang của ta đánh địch. Các trận đánh sân bay Biên Hoà, Tân Sơn Nhất, khách sạn Dạ Hương, Vichtoria... đã làm tan xác hàng trăm tên sĩ quan Mỹ – Nguỵ bằng chính những chất nổ cực mạnh của chúng.

Phá tan âm mưu “nội công, ngoại kích”

Sau khi nhận được tin địch nhảy dù xuống Tây Bắc, một Hội nghị về bảo vệ trị an và toàn dân bắt biệt kích đã được tổ chức với sự tham gia của chính quyền và nhân dân các tỉnh có biên giới, bờ biển. Sau hội nghị này, phong trào bảo vệ trị an và chống biệt kích phát triển mạnh mẽ ở khắp mọi nơi.

Vào thời kỳ đó, Quảng Ninh là một trong những trọng điểm để Mỹ tung các toán gián điệp, biệt kích xâm nhập nhằm thu thập tin tức tình báo, phá hoại, ngăn chặn sự chi viện cho chiến trường miền Nam. Trước tình hình trên, lực lượng Công an nhân dân vũ trang tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng cùng đứng chân trên địa bàn triển khai nhiều phương án, kế hoạch nghiệp vụ đón bắt nhiều toán gián điệp, biệt kích, trong đó có toán biệt kích do tên Trịnh Kỳ Thiệu, Thiếu tá đặc vụ của Tưởng Giới Thạch chỉ huy. Đây là toán được trang bị hiện đại và tổ chức rất chặt chẽ so với các toán gián điệp, biệt kích đã từng xâm nhập bờ biển miền Bắc.

anh-bai-cuoc-dau-tri-trong-tro-choi-gian-diep-4(1).jpg
Lần theo dấu vết biệt kích nhảy dù xuống Tây Bắc

Năm 1963, toán biệt kích này bắt đầu xâm nhập vào vùng giáp biên giới Quảng Ninh với mục đích điều tra, thu thập tin tức tình báo, phá hoại các trục đường giao thông chiến lược ở vùng Đông Bắc và lập căn cứ ở biên giới chống phá cách mạng hai nước Việt - Trung. Đặc biệt, lần xâm nhập này có sự phối hợp chặt chẽ giữa CIA, tình báo Tưởng Giới Thạch ở Đài Loan và tình báo chính quyền Sài Gòn.

Đêm 28/7/1963, hai chiếc tàu chở toán biệt kích tiến vào vùng biển tỉnh Quảng Ninh. Khi cách đảo Cô Tô khoảng 13 hải lý, chúng chia quân làm 3 Chi đội, di chuyển bằng 3 xuồng máy đến khu vực đảo Vĩnh Thực.

Mặc dù đã ghép 3 xuồng làm một để giảm tiếng ồn khi đổ bộ, nhưng chúng vẫn bị Đội tuần tra của Đồn Công an nhân dân vũ trang Cửa Đài (năm 1979, đồn Cửa Đài di chuyển về bến Vạn Gia, nay là Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Vạn Gia) phát hiện.

Các chiến sĩ chạy về đồn báo cáo tình hình thì xuồng máy của địch đã đi qua hơn 1km. Cùng lúc đó, 2 chiếc thuyền đánh cá của dân quân thôn Phú Hải (nay là xã Phú Hải, huyện Hải Hà) thấy xuồng máy của địch lướt qua liền đuổi theo nhưng không kịp, phải bắn 3 phát súng cảnh cáo, địch bắn trả rồi chạy về hướng núi Miều.

Đúng lúc địch đang tìm đường rút thì ca nô của cơ quan thủy sản do 2 chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang và 1 chiến sĩ cảnh sát ập đến. Ta và địch giao tranh khoảng 15 phút, sau đó chúng chạy về núi Lim rồi hướng ra cửa Tiểu định tẩu thoát.

Đến 4 giờ ngày 29/7/1963, các tàu của ta đuổi kịp, áp sát xuồng địch, các chiến sĩ và dân quân nhanh chóng bắt sống 7 tên biệt kích, 1 tên ngoan cố chống cự liền bị tiêu diệt tại chỗ. Đây là toán biệt kích thuộc Chi đội 202.

Cùng thời gian đó, chiếc xuồng chở Chi đội 201 gồm 9 tên lọt vào lạch Hà Cối (thị trấn Quảng Hà, huyện Hải Hà ngày nay), bị dân quân đang trên đường đi tuần phát hiện, ra tín hiệu cho chúng đầu hàng nhưng địch vẫn ngoan cố bắn trả, buộc lòng ta phải nổ súng tiêu diệt 2 tên. 7 tên còn lại chạy lên bờ theo hướng Bắc qua Cún Rình (Mã Tế Nùng). Chúng men theo mương nước chạy dọc theo đường số 4, một tên lạc vào phố Cún Rình, bị dân quân diệt.

Các tổ công an nhân dân vũ trang tiếp tục truy lùng dấu vết những tên còn lại. Đến chiều 10/8/1963, tên cuối cùng của toán biệt kích bị bắt. Vậy là sau 13 ngày đêm truy lùng bao vây, ta đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ 26 tên biệt kích Mỹ - Tưởng...

Có thể nói, trong cuộc chiến gián điệp, biệt kích, địch đã thất bại thảm hại khi hầu hết các toán chúng tung ra phá hoại miền Bắc đều bị quân và dân ta bắt gọn. Riêng ngành công an tiến hành 19 Chuyên án, câu nhử, bắt sống và tiêu diệt tổng số 121 tên, góp phần phá tan âm mưu “nội công, ngoại kích” của kẻ thù.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc đấu trí trong “trò chơi gián điệp”