Trong vụ cháy chung cư Carina ngày 23/03, chủ đầu tư - Công ty Hùng Thanh, Công ty CP Dịch vụ địa ốc Sài Gòn (SEJCO) - quản lý, vận hành và Công ty bảo vệ Gia Khang cùng chịu trách nhiệm liên quan.
Sau khi vụ cháy xảy ra, cả 3 đơn vị cùng chịu trách nhiệm liên đới để khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, suốt thời gian dài chỉ mình chủ đầu tư là Công ty Hùng Thanh giải quyết hậu quả vụ cháy, còn các bên liên quan phớt lờ trách nhiệm.
Trách nhiệm có mà không khắc phục hậu quả?
Trước đó, chủ đầu tư Công ty Hùng Thanh thuê Công ty SEJCO quản lý, vận hành tòa nhà chung cư Carina, bao gồm cả dịch vụ giữ xe. Công ty Gia Khang là đơn vị do SEJCO thuê để thực hiện công tác giữ xe tại tầng hầm tòa nhà nơi xảy ra vụ cháy.
Như vậy, từ mối quan hệ này khi xảy ra sự cố SEJCO phải có trách nhiệm phối hợp, xử lý sự cố, khắc phục thiệt hại. Trong quá trình xác định thiệt hại, giám định hậu quả và đàm phán về việc bồi thường cho cư dân thì SEJCO cũng phải tham gia. Tuy nhiên kể từ khi xảy ra sự cố vụ cháy, SEJCO không hợp tác với Công ty Hùng Thanh để xác định trách nhiệm của các bên liên quan cũng như hỗ trợ để khắc phục hậu quả cho cư dân Carina. Phía SEJCO viện dẫn chờ cơ quan điều tra làm rõ và xét xử, xác định thiệt hại đến đâu, tỉ lệ trách nhiệm bao nhiêu thì mới tham gia bồi thường.
Cảnh sát PCCC đang kiểm tra lại hệ thống thoát khói tại tầng hầm nơi xảy ra vụ cháy
Trong suốt thời gian dài kể từ lúc xảy ra vụ cháy, SEJCO không hề cử nhân sự tham gia phối hợp để xử lý sự cố, khắc phục thiệt hại. Công ty này cũng không phối hợp trong các cuộc họp, buổi làm việc, giám định với các bên liên quan trong quá trình xác định cũng như bồi thường thiệt hại.
Công ty Hùng Thanh đã gửi rất nhiều công văn thông báo và đề nghị SEJCO phối hợp xử lý hậu quả sự cố, nhưng vẫn không nhận được sự hợp tác. Đại diện Công ty Hùng Thanh cho rằng: "Nếu phía SEJCO vẫn không tham gia quá trình này thì Hùng Thanh hiểu rằng SEJCO thiếu thiện chí, bất hợp tác và SEJCO sẽ phải chịu trách nhiệm đối với nghĩa vụ phát sinh do sự thiếu thiện chí này".
Đại diện Công ty Hùng Thanh chia sẻ thêm, nếu sau này kết luận của cơ quan chức năng xác định trách nhiệm rõ ràng, rành mạch giữa các bên và các đơn vị bảo hiểm phải bồi thường thì Hùng Thanh có quyền truy đòi SEJCO. Lúc đó, SEJCO không có quyền phản đối với bất kỳ những gì mà Hùng Thanh đã tiến hành thực hiện liên quan đến việc bồi thường và xử lý hậu quả sự cố.
Trong công văn số 181, SEJCO phản hồi rằng các hợp đồng 38 và 37 là hợp đồng gói nhân sự theo mức giá và chi phí tiền lương nhân công trực tiếp, gián tiếp ấn định hàng tháng của chủ đầu tư (CĐT) ký với SEJCO. Các nguồn thu từ chung cư đều là thu hộ CĐT. Do đó, SEJCO không có bất kỳ nguồn thu nào khác từ các hợp đồng này và chưa có khoản kinh phí nào để tạm ứng bồi thường cho cư dân.
Chỉ mình đầu tư gồng gánh là thiếu công bằng
Hiện nay, Công ty Hùng thanh thực hiện tạm ứng các khoản chi lớn lên tới ngoài 70 tỷ đồng cho việc khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, câu chuyện vẫn còn phải thực hiện lâu dài, đòi hỏi nhiều công sức và tiền bạc. SEJCO cần hợp tác, góp sức tích cực để giải quyết. Còn phía SEJCO vẫn chờ cơ quan chức năng để có thể phân định rõ ràng trách nhiệm liên quan mới tham gia khắc phục hậu quả. SEJCO cho rằng, vấn đề xác định thiệt hại, đàm phán bồi thường, chi trả tạm tiền bồi thường thiệt hại cho cư dân, phối hợp với cơ quan nhà nước trong quá trình điều tra... không thuộc thẩm quyền của BQL chung cư.
Công ty Hùng Thanh yêu cầu SEJCO cung cấp văn bản phân công trách nhiệm, quyền hạn, thẩm quyền của BQL chung cư và nhân sự trong ban quản lý này mà SEJCO đã ban hành khi thành lập BQL chung cư Carina.
Thực tế cho thấy trong thời gian qua, giải quyết hậu quả của sự cố cháy là rất phức tạp, rất nhiều công việc cần xử lý nhanh, kịp thời cấp tốc, lại phải có sự phối hợp với nhiều bên liên quan. Vì thế cần có người để ứng phó, phối hợp, xử lý ngay lập tức khi cần, chứ không thể chờ theo thủ tục: Công ty Hùng Thanh nhiều lần mời SEJCO sang giải quyết, để xử lý kịp công việc mang tính cấp bách. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này vẫn chỉ mình chủ đầu tư chịu trách nhiệm chính trong việc bồi thường hỗ trợ cư dân khắc phục hậu quả.
Các lực lượng chức năng kiểm tra công tác khắc phục, sữa chữa sau vụ cháy
Theo phản hồi từ phía Công ty Hùng Thanh, thì SEJCO vẫn thiếu sự phối hợp tích cực, đặc biệt là công tác bồi thường cho cư dân. Bởi theo các hợp đồng, Công ty Hùng Thanh xác định công tác bảo vệ tòa nhà chung cư Carina Plaza là do SEJCO thực hiện và quy định tại hợp đồng dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư số 38/HĐDVQLVH-DVĐO ngày 15/12/2016.
Như vậy, SEJCO có quyền lựa chọn, ký kết hợp đồng dịch vụ với nhà thầu nào mà SEJCO cho rằng có năng lực, uy tín để cung cấp dịch vụ bảo vệ cho tòa nhà chung cư Carina. Công ty Hùng Thanh không can thiệp vào việc lựa chọn, ký kết hợp đồng của SEJCO. Việc lựa chọn, ký kết của SEJCO phải phù hợp với các quy định mà SEJCO đã xác lập cùng với Công ty Hùng Thanh trong hợp đồng số 38/HĐDVQLVH-DVĐO.
SEJCO với tư cách là đơn vị thực hiện dịch vụ quản lý, vận hành tòa nhà Carina Plaza theo hợp đồng với công ty Hùng Thanh, nay sự cố xảy ra, thiệt hại của Cư dân đã rõ ràng nên SEJCO phải có trách nhiệm hợp tác trong việc bồi thường, khắc phục hậu quả thiệt hại xảy ra một cách nhanh chóng kịp thời, đúng pháp luật, hỗ trợ cho cư dân sớm ổn định cuộc sống.
Tại công văn số 173/CV-DVĐO ngày 13/04/2018 của SEJCO phúc đáp công văn số 42/TB-HT của công ty Hùng Thanh, SEJCO không hề có một động thái nào đề cập đến nội dung về khoản kinh phí tạm ứng để bồi thường cho cư dân.
Thiết nghĩ, đôi bên cần thống nhất quan điểm giải quyết khắc phục hậu quả của vụ cháy về thiệt hại của cư dân. Trong thời gian chờ cơ quan chức năng xác định lỗi của các bên, xác định trách nhiệm của từng đơn vị, hoàn toàn không được lơ là, chậm chạp thiếu trách nhiệm trong công tác khắc phục hậu quả. Đây còn là vấn đề đạo đức kinh doanh.