Phóng sự - Ghi chép

Chuyện về những “thương binh tàn nhưng không phế”

Tuấn Lê 30/07/2023 - 10:49

Với tinh thần “thương binh tàn nhưng không phế”, những người lính năm xưa không chỉ vượt khó vươn lên lo phát triển kinh tế gia đình mà còn tham gia công tác xã hội, làm đẹp thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ.

Thu hàng trăm triệu mỗi năm từ VAC

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”, trong những năm qua, Hội cựu chiến binh (CCB) tỉnh Lai Châu đã phát huy bản lĩnh, tinh thần “Bộ đội Cụ Hồ”, tiên phong, gương mẫu thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua.

Thực hiện phong trào “CCB gương mẫu”, các cấp Hội CCB trong tỉnh đã khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, tình đồng chí, đồng đội, đoàn kết, giúp nhau vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của hội viên CCB, vận động nhân dân thuộc diện di dân tái định cư Thủy điện Sơn La, Lai Châu tích cực lao động sản xuất, vươn lên xóa đói giảm nghèo.

anh-bai-chuyen-ve-nhung-thuong-binh-tan-nhung-khong-phe-1.jpg
CCB Khoàng Văn Ngó bên ao cá của gia đình.

Đã có nhiều hội viên CCB gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế để nhân dân học theo. Tiêu biểu như CCB Khoàng Văn Ngó (bản Phiêng Pá Kéo, thị trấn Nậm Nhùn, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu) xây dựng mô hình trang trại vườn ao chuồng (VAC), mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng…

Vào thập niên 70 của thế kỷ trước, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông Khoàng Văn Ngó (bản Phiêng Pá Kéo, thị trấn Nậm Nhùn, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu) lên đường nhập ngũ. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông trở về địa phương, bắt tay vào phát triển kinh tế gia đình.

Những ngày đầu xây dựng kinh tế, ông gặp không ít khó khăn khi cả gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, cùng diện tích đất đồi canh tác lâu năm đã bạc màu. Dù vợ chồng ông vất vả làm lụng cũng chỉ đủ đắp đậy miếng ăn. Những suy nghĩ về việc lựa chọn hướng phát triển phù hợp để đưa kinh tế gia đình đi lên luôn khiến ông Ngó trăn trở mỗi đêm.

Với tinh thần “Bộ đội Cụ Hồ”, không cam chịu đói nghèo, ông đến nhiều nơi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình. Năm 2009, ông mạnh dạn chuyển đổi 3.000m2 ruộng sang đào ao thả cá; đầu tư con giống, xây chuồng trại chăn nuôi. Phần đất đồi xung quanh khu vực ao cá, ông trồng thêm hơn 200 gốc cây ăn quả các loại và hoa màu để phục vụ chăn nuôi.

Những ngày đầu bắt tay vào làm kinh tế, do thiếu kinh nghiệm, gặp nhiều khó khăn, đã có lúc ông tưởng phải bỏ cuộc giữa chừng. Nhưng ý chí và nghị lực của người lính đã giúp ông vượt qua khó khăn. Ông tự mày mò học hỏi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế.

Sau nhiều năm kiên trì, đến nay, mô hình kinh tế của gia đình ông đã cho thu nhập ổn định. Ông Ngó cho biết: “Do gia đình chủ yếu nuôi cá, gia cầm bằng thức ăn tự nhiên nên thịt rất thơm ngon, được khách hàng ưa chuộng. Trang trại của gia đình tôi ở gần trung tâm huyện, thương lái thường tìm đến tận nơi để thu mua. Các sản phẩm chăn nuôi của gia đình tôi hầu như không đủ để phục vụ khách hàng”.

Hiện nay, gia đình ông có 3.000m2 ao cá chủ yếu thả các loại: trắm, chép, rô phi, trê phi và ếch, mỗi năm xuất bán ra thị trường 2 lứa các loại; nuôi gần 300 con gia cầm, 6 con trâu; chăm sóc hơn 200 gốc xoài, nhãn ghép bắt đầu cho quả. Từ mô hình kinh tế tổng hợp, gia đình ông thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

Không chỉ sản xuất giỏi, ông Ngó còn là đảng viên gương mẫu, đi đầu trong các phong trào của địa phương. Là người có uy tín trong cộng đồng, ông luôn lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân kết hợp tuyên truyền, vận động bà con xây dựng đời sống văn hóa, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ gia đình khó khăn trong bản từng bước phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống.

Ông Lò Văn Nhất - Chủ tịch Hội CCB thị trấn Nậm Nhùn cho biết: “Phát huy phẩm chất người lính Cụ Hồ, không cam chịu đói nghèo, CCB Khoàng Văn Ngó đã nỗ lực vượt khó phát triển kinh tế và trở thành hội viên CCB điển hình, xứng đáng là tấm gương để các hội viên khác học tập, noi theo”.

Trách nhiệm với cộng đồng

Cũng giống như ở Lai Châu, từ nhiều năm nay, phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” đã khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, tình cảm đồng chí, đồng đội, đoàn kết, giúp đỡ nhau vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng của những CCB ở Điện Biên. Trong đó có rất nhiều CCB không chỉ làm giàu cho bản thân, cho gia đình mà còn có nhiều hành động, việc làm thiết thực, ý nghĩa, làm sáng lên tinh thần “Bộ đội Cụ Hồ”.  

anh-bai-chuyen-ve-nhung-thuong-binh-tan-nhung-khong-phe-2.jpg
Cựu chiến binh Lò Ngọc Ánh, một gương điển hình về làm ăn kinh tế ở Mường Luân.

Từng là bộ đội quân tình nguyện Việt Nam tham gia chiến đấu tại nước bạn Lào, khi trở về địa phương, ông Lò Ngọc Ánh (xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) đã phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, luôn tích cực tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và giúp người dân địa phương cùng chung tay xây dựng quê hương.

Năm 1985, sau khi xuất ngũ trở về địa phương, ông Lò Ngọc Ánh tham gia công tác tại xã Mường Luân với các vị trí Xã đội trưởng, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã. Ông tích cực phát triển kinh tế gia đình bằng việc khai hoang ruộng nước và chăn nuôi gia súc. Đến năm 1999, từ nguồn vốn 40 triệu đồng vay Ngân hàng Chính sách xã hội, ông Ánh đã mua được 22 con trâu, bò giống và 8 con dê giống để phát triển chăn nuôi gia súc, mở đầu cho ước mơ phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo.

Không dừng lại ở đó, khi bắt đầu mô hình chăn nuôi gia súc, nhận thấy nhiều gia đình trên địa bàn xã còn rất khó khăn, đói nghèo, ông Ánh đã chia đàn gia súc của mình giao cho các hộ nghèo nhận nuôi. Nhờ vậy, các hộ nghèo vừa có thể tận dụng sức kéo của trâu, bò để làm nông nghiệp, mà đến khi gia súc sinh sản, cứ hai con, hộ nhận nuôi sẽ được hưởng một con để phát triển đàn gia súc cho riêng mình. Khi các hộ nhận nuôi trâu, bò, dê để thoát nghèo và đã có đàn gia súc của riêng mình, ông lại chuyển những con gia súc đó cho hộ nghèo khác.

Từ đó, nhiều hộ nghèo, hội viên CCB có hoàn cảnh khó khăn trong xã tìm đến ông Ánh để xin nhận nuôi gia súc. Có thời điểm, đàn gia súc của ông giao cho các hộ nghèo chăn nuôi lên đến hơn 100 con trâu, bò và hơn 400 con dê. Hộ nhận nuôi nhiều nhất có thời điểm lên đến 24 con trâu, bò.

CCB Lò Ngọc Ánh chia sẻ: "Bản thân gia đình tôi cũng xuất phát là hộ nghèo, mình làm ăn kinh tế thoát được cái nghèo cũng phải nghĩ cách nào đó giúp bà con trong bản, trong xã thoát được nghèo. Có thoát nghèo, xã mới phát triển được, mới xây dựng được nông thôn mới để thay đổi bộ mặt của xã".

Nhờ việc nhận nuôi gia súc của ông Lò Ngọc Ánh, nhiều hộ nghèo, gia đình cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Mường Luân đã thoát được nghèo, như: gia đình ông Lò Văn Khánh ở bản Pá Vạt 2; gia đình ông Lò Văn Phúng ở bản Tạng Áng; gia đình cựu chiến binh Lò Văn Thiết ở bản Mường Luân 2...

Thời điểm hiện tại, gia đình CCB Lò Ngọc Ánh có hơn 50 con trâu, bò được giao cho 6 hộ nghèo trên địa bàn xã chăn nuôi. Bình quân mỗi năm đàn trâu, bò đẻ từ 13 - 14 con, mang lại nguồn thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng/năm.

Ngoài việc giao đàn gia súc cho các hộ nghèo nhận nuôi, gia đình ông đang nuôi thêm đàn lợn 15 con, mỗi năm mang lại nguồn thu nhập khoảng 50 triệu đồng. Ông trồng thêm 1 ha rừng và gần 2 ha cây ăn quả gồm: cam, vải thiều, thanh long, chuối… mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Để các loại cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông tích cực đi đến các vùng trồng cây ăn quả lớn như Hòa Bình, Sơn La, thậm chí sang cả Lào để mua cây giống. Hiện tại, ông là hộ đầu tiên ở bản phát triển kinh doanh buôn bán các mặt hàng tạp hóa và thu mua nông sản cho người dân. Ước tính tổng thu nhập bình quân của gia đình ông sau khi trừ chi phí còn khoảng 250 - 300 triệu đồng/năm.

Ngoài ra, CCB Lò Ngọc Ánh còn tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới của địa phương. Kể từ khi xã Mường Luân được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới của huyện, ông Ánh đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên CCB và bà con hiến kế, hiến công, hiến đất để làm đường, trường, trạm. Gia đình ông đã hiến gần 3.000 m2 đất để xây dựng trường học và nhà văn hóa.

anh-bai-chuyen-ve-nhung-thuong-binh-tan-nhung-khong-phe-3.jpg
Có thời điểm, đàn trâu của gia đình ông Ánh lên đến hàng trăm con.

Bên cạnh đó, ông còn đầu tư máy móc, thành lập hợp tác xã, cùng nhân dân thôn bản thực hiện các công trình xây dựng nông thôn mới trong xã. Hàng năm, gia đình ông tạo việc làm thường xuyên cho 12 - 15 người là con em CCB trong xã.

Nói về CCB Lò Ngọc Ánh, ông Trần Hải Đăng - Bí thư Đảng ủy xã Mường Luân cho biết: Là một CCB và là cán bộ xã về hưu, ông Lò Ngọc Ánh đã tích cực đóng góp cho địa phương trong công tác phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Từ việc giao đàn gia súc cho các hộ nghèo trong xã nhận nuôi, CCB Lò Ngọc Ánh đã giúp nhiều hộ dân thoát khỏi đói nghèo. Đặc biệt, trong phong trào xây dựng nông thôn mới, ông đã rất tích cực hiến đất cho xã và tham gia trực tiếp vào xây dựng các công trình trên địa bàn xã, tạo việc làm cho bà con.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện về những “thương binh tàn nhưng không phế”