Cao Bằng: Hoàn thổ sau khai thác khoáng sản còn nan giải

congly.com.vn| 13/04/2012 11:06
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hoàn thổ là nghĩa vụ bắt buộc của các doanh nghiệp sau khi kết thúc hoạt động khai thác khoáng sản. Tuy nhiên tại Cao Bằng, nhiều điểm mỏ sau khi doanh nghiệp khai thác quặng đã rút đi, nhưng khu mỏ vẫn nham nhở những hầm, hố sâu hút, gây nguy hiểm cho người, vật nuôi và để lại những ảnh hưởng xấu về môi trường.


Khi lời hứa… gió bay


Có mặt tại mỏ sắt Kéo Mơ, xã Duyệt Chung, thị xã Cao Bằng, phóng viên chứng kiến quang cảnh công trường khai thác đã bỏ hoang. Giữa một thung lũng nhỏ, cả một vạt đồi đã bị đào khoét nham nhở thành những hầm, hố sâu hun hút. Dưới hố, nước đọng lại thành những cái ao rộng đến cả trăm m2, nước xanh nhìn không thấy đáy. Xung quanh những hố này không có hàng rào chắn hay biển báo nguy hiểm nào. Phía trên ta luy cao đến vài chục mét là nhiều hang quặng khoét sâu vào lòng đất như những cái hầm ếch. Người dân nơi đây cho biết, đây là khu mỏ trước đây do Công ty Cổ phần cơ khí Cao Bằng khai thác. Thế nhưng đến nay, Công ty đã rút hết nhân công, máy móc nhưng khu mỏ vẫn chưa được hoàn thổ.


Còn tại mỏ quặng Tả Than - Hiếu Lễ, xã Lăng Hiếu, huyện Trùng Khánh, khu mỏ tuy đã được hoàn thổ nhưng người dân vẫn không thể canh tác được. Hiện trường còn lại là những hố sâu, bùn lầy và những đất sỏi được moi lên từ sâu dưới lòng đất. Theo những người dân địa phương, khu mỏ này được Doanh nghiệp Hồng Ánh khai thác từ năm 2002, sau đó có một số Công ty khác cũng có giấy phép vào khai thác quặng mangan. Có giấy phép khai thác, lợi dụng sự kém hiểu biết của người dân, một số doanh nghiệp đã thỏa thuận thuê đất của dân với giá rẻ mạt để khai thác quặng và hứa hẹn chắc như đinh đóng cột rằng sẽ hoàn thổ đầy đủ, trả lại nguyên trạng đất để người dân canh tác như xưa. Lúc đầu, giá thuê đất là 5.000đ/m2, hai tháng sau giá tăng lên 7.000 đồng, rồi 15.000 đồng… đến 2005 là 200.000đ/m2.

Một điểm khai thác quặng chưa hoàn thổ

Hứa hẹn là vậy, thế nhưng sau khi khai thác thì sao? Ông Đàm Văn Cần, trước đây từng nhiều năm làm Trưởng xóm Hiếu Lễ, xã Lăng Hiếu, cho biết: “Các doanh nghiệp khai thác hứa hẹn sau khi khai thác 3 năm sẽ hoàn thổ, nhưng đến nay, đơn vị khai thác đã rút đi được hơn 5 năm rồi, chưa thấy ai về hoàn thổ cho chúng tôi cả. Nhà tôi cho thuê 8.500m2 đất rẫy. Hiện tại, chỗ diện tích ấy loang lổ, lồi lõm không canh tác được. Còn rất nhiều diện tích của gia đình khác hiện chưa làm gì (hoàn thổ) hết sau khai thác, để lại bãi hoang tàn. Doanh nghiệp họ lặng lẽ rút đi. Dân hỏi công việc hoàn thổ của các anh như thế nào? Họ bảo, công việc này đã được bàn giao cho đơn vị khai thác là Công ty Cổ phần mangan Cao Bằng, họ nói đã giao tiền cho đơn vị đang khai thác hoàn thổ, nhưng họ có giao tiền hay không chúng tôi không biết. Trong khi đó người dân đang thiếu đất canh tác”.


Dân khổ, chính quyền bất lực


Ông Hứa Văn Kiếm, người có hơn 6.000m2 đất vẫn chưa được hoàn thổ nói “Ai ngờ họ chỉ hứa hão, lấy hết quặng rồi bỏ đi. Điều dở là chúng tôi không làm giấy tờ gì hết. Bây giờ không biết kêu ai…!".


Không riêng gì gia đình ông Cần, ông Kiếm, mà nhiều hộ gia đình khác nữa cũng đang trong tình trạng "khóc dở, mếu dở" vì thiếu đất canh tác. Cả xóm có hơn 90 hộ thì trên 30 hộ dân bị doanh nghiệp cho thuê đất để khai thác. Những người dân này đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền, yêu cầu thúc giục doanh nghiệp về hoàn thổ. Thế nhưng, càng chờ, doanh nghiệp càng bặt tăm. Tổng diện tích của khu mỏ khoảng 7ha, một phần diện tích đã được hoàn thổ nhưng người dân vẫn chưa thể canh tác được, còn một phần diện tích đang được Công ty Cổ phần mangan Cao Bằng khai thác. Trong các cuộc tiếp xúc với HĐND, Đại biểu Quốc hội, cử tri đã nhiều lần kiến nghị về hoàn thổ, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.


Ông Nguyễn Xuân Tiếp, Phó Trưởng phòng Tài nguyên khoáng sản và địa chất - Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cao Bằng cho biết, đối với các doanh nghiệp được cấp phép, có thể quản lý được, việc hoàn thổ sau khai thác được thực hiện khá tốt, nhưng đối với các điểm khai thác tự do, khai thác “thổ phỉ” thì chính quyền gần như bất lực. Cũng có tình trạng doanh nghiệp A có giấy phép, nhưng lại thuê doanh nghiệp B khai thác và ông B cứ đi thỏa thuận với người dân, đó là thủ thuật của các doanh nghiệp. Điều đó là không được phép. Còn một số điểm mỏ được doanh nghiệp khai thác xong, nhưng chưa hoàn thổ là do doanh nghiệp đã hết thời hạn được khai thác, nên đành phải tạm dừng, đóng cửa mỏ. Ở một số điểm mỏ, chính quyền địa phương phải trích ngân sách Nhà nước để đóng cửa mỏ như mỏ vàng Khau Xiểm, xã Quang Trọng, huyện Thạch An, phải bỏ kinh phí cho công binh đánh sập các hầm lò khai thác vàng và hoàn thổ lại đất.


Trong khi vấn đề trách nhiệm hoàn thổ còn đang được bàn cãi thì những hầm, hố khai thác đang gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Mới đây, một vụ đuối nước thương tâm đã xảy ra với một học sinh tại xã Thể Dục, huyện Nguyên Bình. Nguyên nhân là do các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép đã để lại nhiều hố sâu nguy hiểm khiến học sinh này sa xuống hố nước, chết đuối.


Theo Quyết định số 71/2008/QĐ-TTg ngày 29-5-2008 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản, những tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản phải có Dự án cải tạo, phục hồi môi trường. Hoạt động cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản phải đảm bảo đưa môi trường tự nhiên như đất, nước, thảm thực vật, cảnh quan của toàn bộ hay từng phần khu vực mỏ sau khai thác đạt các yêu cầu cải tạo, phục hồi môi trường và theo đúng Dự án cải tạo, phục hồi môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.


Quy định rõ ràng là thế, nhưng buồn thay ở Cao Bằng, hình như hiệu lực của văn bản pháp luật này vẫn chỉ nằm trên giấy.

Quốc Đạt

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cao Bằng: Hoàn thổ sau khai thác khoáng sản còn nan giải