Ngày 14/7, TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Phùng Quốc Ân (SN 1977, trú ở phố Đức Giang, quận Long Biên, TP Hà Nội) - cựu cán bộ địa chính phường Ngọc Lâm (Long Biên, Hà Nội) ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo cáo trạng tuy tố, năm 2010, do có nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh nên Công ty CP Gỗ Cầu Đuống giao cho Tổng giám đốc Trần Tiến Quang tìm mặt bằng xây dựng nhà xưởng. Sau đó ông Quang thông qua một số người, trong đó có một Phó chủ tịch UBND phường Đức Giang (Long Biên, Hà Nội) quen biết Phùng Quốc Ân.
Bị cáo Ân, nguyên cán bộ địa chính tại phiên tòa xét xử
Tại thời điểm trên, Ân đang là cán bộ địa chính xã Dương Hà (huyện Gia Lâm, Hà Nội). Nắm được nhu cầu của Công ty Gỗ Cầu Đuống, Ân đã “nổ” với ông Quang rằng mình có mối quan hệ rộng và từng xin được nhiều dự án bất động sản cho nhiều doanh nghiệp.
Tin lời Phùng Quốc Ân nói là thật, ông Quang liền nhờ Ân tìm và xin giúp doanh nghiệp một diện tích đất phù hợp. Nhận lời, Ân nhờ Phùng Văn Thúy- cựu cán bộ địa chính xã Yên Thường, Gia Lâm (hiện đang phải chấp hành án tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”) giúp sức.
Một thời gian ngắn sau đó, Thúy giới thiệu khu đất nông nghiệp 15.000m2 ở xã Yên Thường cho Ân. Là cán bộ địa chính, Ân biết rõ khu đất đồng nghiệp giới thiệu nằm trong quy hoạch của huyện Gia Lâm và đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt nhưng vẫn bảo Thúy đưa đến gặp lãnh đạo xã Yên Thường.
Thực hiện hành vi lừa đảo, Ân nói với ông Quang là sẽ xin cho Công ty Gỗ Cầu Đuống 15.000m2 đất nêu trên với giá 1,7 triệu đồng/m2. Kèm theo đó Ân đưa cho ông Quang xem bản “Kế hoạch thực hiện” với phần liệt kê đã có hàng loạt sở, ngành của thành phố cho ý kiến.
Bên cạnh đó, cựu địa chính xã này cũng nêu ra từng bước, từng việc làm và từng giai đoạn rất cụ thể trong việc xin đất triển khai dự án cho Công ty Gỗ Cầu Đuống. Gắn với từng việc, từng bước trong kế hoạch là những khoản tiền chi phí giao động từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng.
Tin tưởng Ân, trong các ngày 1/4 và 22/4/2010, ông Quang đã 2 lần đưa cho Ân tổng số 1,1 tỷ đồng.
Thời gian sau đó, từ tháng 7 - tháng 9/2010, ông Quang 7 lần đưa thêm tiền cho Ân. Tổng số tiền giao cho Ân lên đến 4,2 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2010, Ân cũng đã sử dụng nhiều văn bản, giấy tờ của Công ty Gỗ Cầu Đuống đi “gõ cửa” nhiều ban, ngành của thành phố.
Văn phòng UBND TP Hà Nội sau đó có văn bản đề nghị Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Sở TN&MT về việc doanh nghiệp xin đất làm dự án mở rộng sản xuất.
Với yêu cầu trên, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã ra thông báo với nội dung, phần lớn diện tích đất Công ty Gỗ Cầu Đuống xin làm dự án đều nằm trong quy hoạch mở rộng đường QL1, QL3 và ga đường sắt. Từ đó, không đồng ý với việc cấp đất cho doanh nghiệp.
Lo dự án không thành, cựu cán bộ địa chính xã Phùng Quốc Ân quay ra ký các giấy tờ nhận nợ và hứa hẹn sẽ trả lại tiền cho ông Quang. Tuy nhiên, Ân mới trả lại được 80 triệu đồng cho bị hại, số tiền còn lại Ân đã ăn tiêu cá nhân hết.
Cuối năm 2012, Công ty Gỗ Cầu Đuống có đơn tố cáo cán bộ địa chính tới cơ quan công an. Sau đó, doanh nghiệp lại có đơn xin rút lại đơn tố cáo để tự thương lượng, giải quyết. Tuy nhiên do việc thương lương không thành, nên tháng 3/2016, Công ty Gỗ Cầu Đuống lại có đơn tố giác tội phạm đối với cựu cán bộ địa chính này.
Sau khi nghị án, căn cứ vào toàn bộ hồ sơ vụ án, các tình tiết liên quan cũng như diễn biến tại phiên tòa, HĐXX cho rằng, tại phiên tòa bị cáo không thưa nhận hành vì phạm tội của mình nhưng căn cứ vào hồ sơ vụ án, lời khai của người làm chứng nên có đủ cơ sở kết luận bị cáo Ân phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo đó, HĐXX TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt bị cáo Phùng Quốc Ân 14 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và buộc bị cáo này phải bồi thường toàn bộ số tiền còn chiếm đoạt cho bị hại.