Đến nay, các vấn đề liên quan thuốc lá mới dù được nhiều bộ ngành tham gia và đóng góp ý kiến, nhưng kết luận về chính sách kiểm soát các sản phẩm này đến nay vẫn chưa có quyết định cuối cùng.
Thuốc lá mới: Chưa có tiếng nói chung
Hội nghị các bên lần thứ 10 về kiểm soát thuốc lá giữa các quốc gia trên toàn cầu (COP 10) sẽ khai mạc tại Panama vào ngày 20/11 tới đây. Tinh thần của cuộc họp và các cuộc thảo luận từ chính phủ các nước sẽ hướng đến mục tiêu cùng hợp tác để tìm kiếm giải pháp nâng cao chất lượng sống cho xã hội nói chung, người hút thuốc nói riêng.
Hội nghị COP là một diễn đàn diễn đàn quốc tế được tổ chức vào mỗi 2 năm với 183 quốc gia tham gia Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC).
Theo đó, đại diện chính phủ của các nước thành viên sẽ cùng bàn thảo các giải pháp kiểm soát thuốc lá toàn diện, từ chính sách thuế, quy định dán nhãn cảnh báo, đến kiểm soát buôn lậu, phân phối, quảng cáo…
Nhằm đóng góp cho chiến lược chung, trong các kỳ hội nghị đã diễn ra, theo nghị trình các Bộ, ngành của Việt Nam sẽ nêu tổng kết báo cáo về các giải pháp phòng chống tác hại thuốc lá trong các năm qua, đồng thời thể hiện quan điểm quốc gia với các sản phẩm thuốc lá nói chung, cũng như thuốc lá mới nói riêng.
Từ COP6, Bộ Y tế được Chính phủ Việt Nam chỉ đạo làm Trưởng đoàn tại Hội nghị, cùng với sự tham gia trọng yếu của Bộ chủ quản ngành thuốc lá là Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan như Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ… Sự tham gia liên bộ sẽ giúp cho chiến lược quốc gia về kiểm soát thuốc lá toàn diện, đa chiều, cân đối giữa khuyến nghị của quốc tế và tình hình trong nước.
Thuốc lá mới đã xuất hiện trên thế giới từ vài thập kỷ trước và đã được nhiều quốc gia chính thức quản lý, cấp phép kinh doanh trong bối cảnh sản phẩm ngày càng gia tăng, phổ biến và thay đổi liên tục. Song tại Việt Nam, qua nhiều năm các sản phẩm này cho vẫn còn nằm ngoài vòng pháp luật, dẫn đến bùng nổ trên thị trường chợ đen trong thời gian qua. Để giải quyết câu chuyện này, các Bộ ngành tham mưu cho Chính phủ đã đưa ra nhiều quan điểm khác nhau. Xuyên suốt giai đoạn "nóng" 2021-2023, nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo đã được tổ chức để các bên liên quan để thống nhất giải pháp chung đối với việc quản lý thuốc lá mới.
Thế nhưng cho đến nay, các cơ quan ban ngành vẫn chưa thống nhất được phương thức ứng xử phù hợp để có thể giải quyết tình trạng buôn lậu, đáp ứng nhu cầu cấp thiết hiện nay của xã hội, bảo vệ cộng đồng và giới trẻ, cũng như hài hòa lợi ích tất cả các bên.
Quan điểm từ đại diện các cơ quan trực thuộc Quốc hội
Bên cạnh vai trò của liên bộ, đặc biệt là các Bộ liên quan trực tiếp tham mưu cho Chính phủ, các vấn đề liên quan đến thuốc lá mới cũng là mối quan tâm của nhiều Đại biểu Quốc hội.
Đại diện cho đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Quảng Nam, tại tọa đàm do báo Đại Biểu Nhân Dân tổ chức cuối năm 2022, Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục (UB VH-GD) của Quốc hội cho biết: "Cần khẳng định, thuốc lá điện tử, thuốc lá mới là những sản phẩm mới, và vì là sản phẩm mới nên chưa được định danh trong danh mục những mặt hàng cấm. Trong khi Hiến pháp đã qui định rõ, người dân có quyền kinh doanh những gì pháp luật không cấm".
"Theo tôi, các cơ quan tham mưu của Chính phủ cần rà soát lại hệ thống pháp luật, thể chế để xem pháp luật đang qui định những gì liên quan đến thuốc lá để thực hiện cho nghiêm", ông Hạ tham vấn về vấn đề pháp lý.
Ngoài ra, vị Phó Chủ nhiệm UB VH-GD của Quốc hội cũng góp ý thêm dưới góc độ khoa học: "Chúng ta cần một bộ thông tin chính xác về mặt khoa học với sự khẳng định về nguyên liệu, nguồn gốc, cách thức sử dụng… Và đây cũng là thuốc lá nên cần đánh giá tác động của thuốc lá mới đến người sử dụng trực tiếp, đến môi trường, cộng đồng, đến kinh tế xã hội… hay kinh nghiệm quốc tế ra sao? Tất cả cần được cân nhắc một cách cẩn trọng trước khi đưa ra quyết định đối với loại hàng hóa đặc thù như thuốc lá mới".
Cùng thời điểm cuối năm 2022, lãnh đạo của Vụ Các vấn đề xã hội, Văn phòng Quốc hội cũng đã có nhiều tham vấn cho các bộ, ngành tại Hội thảo “Tháo gỡ quan ngại để quản lý thuốc lá thế hệ mới” do báo Pháp luật Việt Nam tổ chức. Trong khuôn khổ sự kiện này, ông Nguyễn Hồng Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội, Văn phòng Quốc hội đã nhắc lại điều khoản mà Luật Phòng chống tác hại thuốc lá 2012 vốn là cơ sở pháp lý có sẵn để kiểm soát ngay một số loại thuốc lá mới hiện nay.
Ông Ngọc đặc biệt làm rõ, thị trường Việt Nam đang tồn tại 2 loại thuốc lá mới phổ biến là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Theo nhiều chuyên gia, nhà quản lý, vì thuốc lá làm nóng có chứa nguyên liệu thuốc lá nên được xem là thuốc lá. Do đó, không có rào cản pháp lý để kiểm soát loại thuốc lá mới hàng này.
Phó Vụ trưởng Nguyễn Hồng Ngọc cũng kêu gọi các bộ ngành đẩy nhanh tiến độ vì đến nay thuốc lá thế hệ mới vẫn chưa có biện pháp quản lý phù hợp. Theo đó, việc tăng cường quản lý Nhà nước về thuốc lá mới là hết sức cần thiết.
Đến nay Việt Nam vẫn chưa thống nhất được quan điểm về phương án quản lý thuốc lá mới, dù đã có nhiều chuyên gia, các bên liên quan nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cần sớm có khung pháp lý cho các sản phẩm này thông qua các cuộc hội thảo giữa Bộ ban ngành.
Với bối cảnh này, rất có khả năng Việt Nam vẫn sẽ mang đến một kết luận "mở" đối với thuốc lá mới khi tham dự COP 10.
Về mặt thực tiễn, Việt Nam vẫn cần thu thập thêm dữ liệu đời thực, xem xét các sở cứ và nghiên cứu khoa học trong nước cũng như trên thế giới về tác động lên sản phẩm, rà soát lại hệ thống pháp lý của luật hiện hành.
COP 10 cũng sẽ là cơ hội để các chuyên gia quản lý Việt Nam tham khảo các khuyến nghị được công bố, và các dữ liệu đời thực từ những quốc gia đi trước. Bên cạnh đó, đoàn Việt Nam cũng có thể kêu gọi WHO và Ban Thư ký FCTC hỗ trợ cung cấp thêm các dữ liệu khoa học cập nhật, bổ sung về các sản phẩm này, từ đó đưa ra chính sách kiểm soát thuốc lá mới phù hợp hơn với bối cảnh của quốc gia.