Sức Khỏe

Hút thuốc lá điện tử, cô gái phải nhập viện vì rối loạn tâm thần

Chí Tâm 22/08/2023 - 10:44

N.T.X. (27 tuổi, tại Hà Nội) được gia đình đưa tới Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) trong tình trạng loạn thần, dễ cáu gắt, mặt đờ đẫn, nói nhiều câu không tự chủ.

Bác sĩ Vũ Văn Hoài - Phòng sử dụng chất và y học hành vi, Viện Sức khỏe Tâm thần cho biết, cô gái trẻ khi nhập viện được chẩn đoán loạn thần do nghiện thuốc lá điện tử.

rhuoc-ka.jpeg
Nhiều hệ lụy nguy hiểm khi sử dụng thuốc lá điện tử. Ảnh minh họa

Theo lời kể, chị X. bắt đầu sử dụng thuốc lá khoảng 8 năm nay. Lúc đầu, sử dụng do tò mò khi đi chơi cùng các bạn lúc đó là sinh viên đại học. Sau này khi ra trường kinh doanh buôn bán, do áp lực công việc nên chị X. bắt đầu sử dụng thuốc lá thường xuyên hơn.

Ban đầu cô gái trẻ chỉ dùng thuốc lá điếu, nhưng sau đó chuyển sang sử dụng thuốc lá điện tử.

"Khoảng một năm trở lại đây, sau khi chia tay bạn trai, chị X. sử dụng thuốc lá điện tử thường xuyên hơn, dùng số lượng nhiều, mỗi ngày hết khoảng một pod chill.

Bệnh nhân chia sẻ khi hút thuốc lá điện tử cảm thấy rằng việc sử dụng thuốc lá điện tử giúp mình có thể thoải mái hơn, cơ thể dễ thư giãn, tăng sự tập trung và dễ đi vào giấc ngủ.

Sau đó, bệnh nhân dùng ngày càng nhiều hơn, vài tháng trở lại đây bệnh nhân thường xuyên hút thuốc lá điện tử liên tục cả ngày, mỗi ngày dùng 2-3 pod chill. Bệnh nhân luôn trong trạng thái mơ màng, đờ đẫn, mệt mỏi", bác sĩ Hoài thông tin.

Khi bố mẹ cấm hút thuốc, X. vật vã, cáu gắt, có nhiều hành vi bất thường và lén lút đặt hàng trên mạng về hút trộm. X. ngày càng hút nhiều hơn, cơ thể trong trạng thái mơ màng, mệt mỏi, đờ đẫn. Bệnh nhân thường xuyên bỏ bữa, đặt nhiều đồ trên mạng về rồi lại vứt đi, nhốt mình trong phòng riêng, nằm hút thuốc.

Mẹ của X. phát hiện con gái hay nói chuyện không liên quan, lướt điện thoại trong vô thức. Khi mọi người gọi hay nói chuyện, cô đều không tập trung hoặc trả lời chậm. Gia đình đã đưa bệnh nhân đi khám.

Qua hỏi bệnh và thăm khám, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có hội chứng nghiện thuốc lá, cảm xúc hành vi rối loạn (cảm xúc không ổn định, dễ cáu gắt), rối loạn giấc ngủ, giảm hoạt động làm việc, giảm hoạt động thể chất, chỉ nằm tại giường hút thuốc lá điện tử nhiều; hành vi tác phong rối loạn, ăn, ngủ kém, giảm tập trung chú ý.

Bệnh nhân được chẩn đoán rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng thuốc lá.

Tại bệnh viện, sau đợt điều trị hóa dược, hiện bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc được, cảm xúc hành vi phù hợp, tư duy phù hợp, hết cảm giác bồn chồn, bứt rứt và hết cảm giác thèm thuốc lá và ăn, ngủ tốt.

Theo TS.BS Lê Thị Thu Hà - Trưởng phòng sử dụng chất và y học hành vi, Viện Sức khỏe tâm thần, trường hợp cô gái loạn thần vì thuốc lá điện tử không phải cá biệt. Gần đây, Viện liên tục tiếp nhận bệnh nhân đến khám vì liên quan đến thuốc lá điện tử.

"Có nhiều trường hợp chỉ 13-14 tuổi đã có thời gian dài sử dụng thuốc lá điện tử. Đáng nói, nhiều bạn trẻ nhầm tưởng thuốc lá điện tử là an toàn, không độc hại", TS Hà nói.

Trong khi đó, trong thuốc lá điện tử cũng chứa nicotine như thuốc lá truyền thống. Đây là một chất gây nghiện khiến người hút ngày càng lệ thuộc vào thuốc lá.

TS Hà nhấn mạnh, nếu trẻ hút thuốc lá điện tử khi 10 - 15 tuổi, não chưa hoàn thiện, khó kiểm soát cảm xúc. Vùng não tổn thương sẽ khiến người hút khó từ chối các chất gây nghiện khác. Nghiện thuốc lá điện tử là đường vào của các chất gây nghiện khác.

Khi trò chuyện tại các trường học, TS Hà được biết, nhiều học sinh lớp 4 - 5 đã hút thuốc lá điện tử. "Vì vậy, cha mẹ cần quan tâm sát sao hơn với trẻ, khi con sử dụng thuốc lá điện tử cần ngăn chặn. Nếu ở mức độ trẻ bứt rứt, khó chịu, hành vi bất thường cần đưa đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn", bác sĩ Hà khuyến cáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hút thuốc lá điện tử, cô gái phải nhập viện vì rối loạn tâm thần