BLHS năm 2015: Nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng trong “Phần chung”

Đỗ Văn Chỉnh| 08/01/2016 07:57
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

BLHS được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2015 đã sửa đổi, bổ sung 349 Điều trong BLHS năm 1999, trong đó có nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng trong “Phần chung”.

Những quy định chung này là những căn cứ pháp lý để cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng một vụ án hình sự giải quyết đúng pháp luật.

Về phân loại tội phạm, Điều 8 BLHS 2015 qui định 4 loại tội phạm, đó là tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Căn cứ phân biệt các tội phạm này là mức hình phạt cao nhất đối với tội phạm đó. 4 loại tội phạm tương ứng với các mức án cao nhất là 3 năm tù giam, 7 năm từ giam, 15 năm tù giam và tù chung thân hoặc tử hình.

Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, Điều 51 BLHS 2015 đã sửa đổi bổ sung một số tình tiết như người phạm tội là người già, nay sửa là “người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên”. Có ba tình tiết giảm nhẹ được bổ sung. Đó là “phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội”; “phạm tội trong trường hợp bị khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra”; và “người phạm tội là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ, người có công với cách mạng”.

Về thời hiệu thi hành bản án, Điều 60 BLHS năm 2015 đã bổ sung các nội dung sau: “20 năm đối với các trường hợp xử phạt tù chung thân hoặc tử hình. Thời hiệu thi hành bản án hình sự đối với pháp nhân thương mại là 05 năm”.

BLHS năm 2015: Nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng trong “Phần chung”

Hội đồng xét xử trong một phiên tòa hình sự

Về đương nhiên được xóa án tích, Bộ luật sửa đổi theo hướng mở rộng. Điều 70 qui định điều kiện đương nhiên xóa án tích như sau: “nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây: 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo; 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm; 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm; 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.

Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung”.

Đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội Xâm phạm an ninh quốc gia (Chương XIII) và các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh (Chương XXVI).

Về nhiệm vụ của BLHS cũng sửa đổi theo hướng cụ thể và đầy đủ hơn. Điều 1. Nhiệm vụ của Bộ luật hình sự qui định: “Bộ luật hình sự có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật, chống mọi hành vi phạm tội; giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.”

Về cơ sở của trách nhiệm hình sự, được bổ sung nội dung mới: “Chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội được qui định tại Điều 76 của Bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự”. ( Điểu 2).

Về nguyên tắc xử lý, được sửa đổi bổ sung như sau: Phân chia hai đối tượng phạm tội để qui định nguyên tắc xử lý đối với từng đối tượng. Đối tượng thứ nhất là “Đối với người phạm tội”, nguyên tắc giữ nguyên như qui định tại BLHS 1999. Đối tượng thứ hai “Đối với pháp nhân thương mại phạm tội”, nội dung này mới được bổ sung. Tại khoản 2 Điều 3 qui định: “Mọi hành vi phạm tội do pháp nhân thương mại thực hiện phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật; Mọi pháp nhân thương mại phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế; Nghiêm trị pháp nhân thương mại phạm tội dùng thủ đoạn tinh vi, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; Khoan hồng đối với pháp nhân thương mại tích cực hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra, chủ động ngăn chặn hoặc khắc phục hậu quả xảy ra”.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
BLHS năm 2015: Nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng trong “Phần chung”