Theo số liệu Điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm do Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) phối hợp với WHO thực hiện thì nguy cơ các bệnh không lây nhiễm đang gia tăng ở Việt Nam và tỷ lệ tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm 73%.
Trong các bệnh không lây nhiễm, tỷ lệ tử vong đứng đầu là do bệnh tim mạch, sau đó là các bệnh ung thư, đái tháo đường và bệnh đường hô hấp mạn tính…
Dưới đây là các nguyên nhân cụ thể dẫn nguy cơ tới tăng vọt bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam.
Sử dụng rượu bia
77,3% số nam giới và 11,0% nữ giới hiện tại đang sử dụng rượu bia (tức là có uống trong vòng 30 ngày qua), tỷ lệ chung cho cả hai giới là 43,8% và có xu hướng tăng theo thời gian.
44,2% số nam giới và 1,2% nữ giới uống rượu bia ở mức nguy hại (trong 30 ngày qua có ít nhất 1 lần uống từ 6 đơn vị cồn trở lên).
Trong 30 ngày qua, gần một nửa (45%) trong số người đang sử dụng rượu bia đã điều khiển phương tiện cơ giới sau khi uống.
Ăn thiếu rau và trái cây
57,2% dân số trưởng thành ăn thiếu rau/trái cây so với khuyến cáo của WHO (400g/ngày) và tỷ lệ này cao hơn ở nam giới so với nữ giới (63,1% so với 51,4%). So với kết quả điều tra STEPS 2010, tỷ lệ ăn thiếu rau và trái cây giảm nhưng vẫn ở mức rất cao.
Tiêu thụ muối
Trung bình một người tiêu thụ 9,4 gam muối trong một ngày, cao gần gấp đôi so với khuyến cáo của WHO (dưới 5 gam muối/người/ngày). Đây là lần đầu tiên Việt Nam có số liệu quốc gia về tiêu thụ muối quần thể.
Thiếu hoạt động thể lực
Gần 1/3 dân số (28,1%) thiếu hoạt động thể lực so với khuyến cáo của WHO (có hoạt động thể lực cường độ trung bình ít nhất 150 phút/tuần hoặc tương đương). Tỷ lệ thiếu hoạt động thể lực ở nam (20,2%) thấp hơn so với nữ (35,7%). Tỷ lệ thiếu hoạt động thể lực năm 2015 có giảm so với năm 2010, nhưng chỉ trong nhóm nam giới.
Thừa cân béo phì
15,6% số người dân Việt Nam hiện tại bị thừa cân béo phì (BMI≥25) và không có sự khác biệt giữa nam và nữ, tuy nhiên tỷ lệ này cao hơn ở thành thị (21,3%) so với nông thôn (12,6%). Tỷ lệ thừa cân béo phì có xu hướng tăng nhanh theo thời gian.
Tăng huyết áp
Tỷ lệ hiện mắc tăng huyết áp (huyết áp tâm thu≥140 và/hoặc huyết áp tâm trương ≥90 hoặc đang dùng thuốc) là 18,9%; tỷ lệ này cao hơn ở nam giới (23,1%) so với nữ (14,9%).
Tăng đường huyết
Tỷ lệ có rối loạn đường huyết lúc đói là 3,6% và tỷ lệ tăng đường huyết (chỉ số đường huyết cao hoặc đang dùng thuốc điều trị đái tháo đường) là 4,1%; không có sự khác biệt giữa nam và nữ. Các tỷ lệ này có xu hướng tăng nhanh theo thời gian.
Tăng cholesterol máu
30,2% số người trưởng thành có tăng cholesterol máu (có tổng lượng cholesterol máu ≥5,0 mmol/L hoặc hiện đang dùng thuốc điều trị tăng mỡ máu). Không có sự thay đổi tỷ lệ này so với điều tra STEPS 2010.
Phần lớn dân số (67,0% nam giới và 72,0% nữ giới) có mức HDL thấp (HDL là một loại cholesterol tốt cho sức khỏe, được coi là thấp khi nam giới có HDL<1,03mmol/L hoặc nữ giới có HDL<1,29mmol/L).
Phát hiện và quản lý bệnh không lây nhiễm
Chỉ có 43,1% số người mắc tăng huyết áp và 31,1% số người tăng đường huyết từng được phát hiện bệnh (tương đương với 56,9% người tăng huyết áp và 68,9% người tăng đường huyết chưa được phát hiện).
Chỉ có 13,6% số người mắc tăng huyết áp và 28,9% số người tăng đường huyết/đái tháo đường được quản lý tại cơ sở y tế.
Dưới 1/3 (28,9%) số người có nguy cơ tim mạch cao được điều trị/tư vấn dự phòng đột quỵ và nhồi máu cơ tim.
Khoảng 1/4 (24,9%) số phụ nữ tuổi 18-69 và 1/3 (31,5%) số phụ nữ tuổi 30-49 từng được sàng lọc ung thư cổ tử cung. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có số liệu quốc gia về tỷ lệ này.
Cũng theo số liệu Điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm cho thấy ở độ tuổi từ 18-69, hầu hết các yếu tố nguy cơ đều có tỷ lệ cao. Ngoại trừ tỷ lệ ăn thiếu rau/trái cây ở cả hai giới và tỷ lệ thiếu hoạt động thể lực ở nam giới giảm, còn lại các yếu tố nguy cơ khác đều không giảm hoặc tăng cao hơn một cách đáng kể so với kết quả điều tra năm 2010.
Một số yếu tố nguy cơ có tỷ lệ cao hơn ở nam giới so với nữ giới gồm: sử dụng rượu bia, ăn thiếu rau/trái cây và tăng huyết áp. Tỷ lệ người được phát hiện, quản lý điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường và sàng lọc ung thư cổ tử cung còn rất thấp.
Vị đại diện WHO tại Việt Nam, cho hay bệnh không lây nhiễm không chỉ là vấn đề ở Việt Nam, mà còn là gánh nặng trên toàn cầu. Trên thế giới, mỗi năm có khoảng 16.000 người ở lứa tuổi từ 30 đến 70 tử vong vì bệnh không lây nhiễm.