Vụ ngăn chặn tài sản của Công ty Hồng Phát: Chấp hành viên làm trái chỉ đạo

An Dương| 04/04/2019 09:14
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bất chấp việc Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) nêu rõ không có căn cứ để ngăn chặn tài sản của Công ty Cổ phần địa ốc Hồng Phát (Cty Hồng Phát), Chấp hành viên Cục THADS tỉnh Long An vẫn làm ngược lại.

Trung ương nói một đường...

Như Báo Công lý thông tin, ngày 18/12/2018, ông Đặng Hoàng Yên, Chấp hành viên Cục THADS tỉnh Long An ký Quyết định số 07/QĐ-CTHADS, “tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản” 13 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) của Cty Hồng Phát để doanh nghiệp này và Công ty China Policy Limited (viết tắt CPL) thi hành Phán quyết trọng tài (hai bên lập công ty liên doanh để thực hiện dự án khu dân cư cao cấp và trường đua ngựa tại Đức Hòa, Long An - PV). Cty Hồng Phát khiếu nại vì quyết định trên trái với các văn bản của Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS. Mới đây, ngày 6/3/2019, ông Bùi Phú Hưng, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Long An lại ký quyết định số 06/QĐ-CTHADS bác toàn bộ khiếu nại của Cty Hồng Phát, giữ y Quyết định số 07/QĐ-CTHADS.

Đối chiếu với nhiều văn bản của các cơ quan Trung ương cho thấy, việc Chấp hành viên Cục THADS tỉnh Long An ra quyết định ngăn chặn là không có cơ sở. Cụ thể, ngày 4/6/2018, Bộ Tư pháp có Văn bản số 123/BC-BTP nêu rõ “không có cơ sở để áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản theo Điều 71 Luật THADS”. Trước đó, ngày 6/3/2018, VKSNDTC có văn bản xác định: Trường hợp các bên không thỏa thuận được việc thành lập công ty liên doanh thì việc tiếp tục duy trì biện pháp ngăn chặn không còn nữa.

Vụ ngăn chặn tài sản của Công ty Hồng Phát: Chấp hành viên làm trái chỉ đạo

Dự án bị ngưng trệ ảnh hưởng đến kinh tế địa phương

Theo quan điểm của Bộ Tư pháp, việc thực hiện phán quyết trọng tài, hiện nay pháp luật quy định chưa chặt chẽ, rõ ràng nên rất khó để tổ chức thi hành. Theo Luật Đầu tư và các quy định pháp luật khác có liên quan, việc lập công ty liên doanh phải do ý chí tự nguyện của các bên đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không thể thực hiện thay. Khi đã thành lập được công ty liên doanh mà Cty Hồng Phát không đưa 13 GCNQSDĐ góp vào liên doanh thì Bộ Tư pháp sẽ chỉ đạo cơ quan THADS tổ chức cưỡng chế theo quy định của pháp luật THADS. Trường hợp thỏa thuận không có kết quả thì Tổng cục THADS yêu cầu Cục THADS tỉnh Long An giải quyết việc thi hành án theo đúng quy định của pháp luật. Do đó, không có cơ sở để áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản.

 Ngày 31/8/2018, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 8248/ VPCP-V.I truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình: “Đồng ý về nguyên tắc hướng giải quyết của Bộ Tư pháp tại văn bản 123/BC-BTP ngày 4-6- 2018”. 

Địa phương làm một nẻo?

Quan điểm của lãnh đạo Chính phủ, Bộ ngành Trung ương về việc THA đã rất cụ thể, cần được các cơ quan cấp dưới tuân thủ và thực hiện đúng. Thế nhưng, Chấp hành viên Đặng Hoàng Yên ký Quyết định số 07 ngày 18/12/2018  lại “chỏi” với các hướng dẫn về vận dụng pháp luật của cấp trên. Khi bị Cty Hồng Phát khiếu nại, chiều 7/1/2019, ông Bùi Phú Hưng, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Long An chủ trì cuộc họp giải quyết việc THA cho biết sẽ có báo cáo Tổng cục THADS để “xin ý kiến nghiệp vụ”. Đến ngày 6/3/2019, ông Hưng ký quyết định số 06 “giữ y” quyết định của chấp hành viên Yên, bác khiếu nại của Cty Hồng Phát.

Việc ban hành Quyết định số 06 của Cục trưởng Bùi Phú Hưng vừa mâu thuẫn với quan điểm trước đó của chính ông Hưng và trái với “hướng dẫn nghiệp vụ” của Tổng cục THADS. Bản thân ông Hưng từng ký văn bản số 458/CV-CTHADS ngày 5/10/2018 thừa nhận: “Đến nay, Cục THADS tỉnh Long An không có căn cứ cưỡng chế kê biên tài sản đối với 13 GCNQSDĐ theo quy định tại khoản 4, Điều 69, Điều 71, Luật THADS”.

Nghiêm trọng hơn, ông Hưng có dấu hiệu “phớt lờ”Văn bản số 4341/TCTHADS-NV1 hướng dẫn nghiệp vụ ngày 26/11/2018 của ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS. Theo đó, pháp luật quy định việc thành lập Công ty liên doanh phải do ý chí tự nguyện của Cty Hồng Phát và Cty China Policy; cơ quan, tổ chức khác không thể làm thay. Đến nay không thành lập được Công ty liên doanh, do đó, “căn cứ theo quy định tại khoản 4, Điều 69, Điều 71, Luật THADS, Cơ quan THADS không có căn cứ để cưỡng chế kê biên đối với 13 GCNQSDĐ của Cty Hồng Phát”. Điều đó thể hiện rõ quan điểm của Tổng cục THADS. Hơn ai hết, Chấp hành viên Đặng Hoàng Yên và Cục trưởng Hưng phải tuân thủ và thực hiện nghiêm túc.

Theo Văn phòng UBND tỉnh Long An, việc ngăn chặn 13 GCNQSDĐ của Cty Hồng Phát sẽ thiệt hại đến doanh nghiệp cũng như việc phát triển kinh tế của tỉnh và quyền lợi của nhân dân tại địa phương. Do đó, Cty Hồng Phát kêu cứu, yêu cầu hủy bỏ các quyết định trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, đi ngược với các văn bản của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS.

Vụ việc cần sớm được lãnh đạo Tổng cục THADS, VKSNDTC làm rõ và xử lý, chấm dứt việc thực thi pháp luật một cách chồng chéo, mâu thuẫn.

Xác minh thông tin, phóng viên Báo Công lý đã liên hệ làm việc tại Cục THADS tỉnh Long An vào ngày 4/1/2019. Ông Lê Văn Chuộng, Trưởng phòng Kiểm tra và giải quyết khiếu nại tố cáo cho biết ông Bùi Phú Hưng, Cục trưởng Cục THADS tỉnh không có mặt ở cơ quan để trả lời báo chí. Ông Chuộng ghi nhận vấn đề báo chí phản ánh và báo cáo với lãnh đạo Cục trả lời báo chí. Tuy nhiên nhiều tháng trôi qua, báo Công lý vẫn chưa nhận được hồi âm từ phía Cục THADS tỉnh Long An.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ ngăn chặn tài sản của Công ty Hồng Phát: Chấp hành viên làm trái chỉ đạo