Ngày hôm nay (30/6), mưa lớn diện rộng tiếp tục xảy ra tại các tỉnh vùng núi và khu Đông Bắc Bắc Bộ. Trong khi đó lũ trên các sông vẫn đang lên.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục đi qua Bắc Bộ kết hợp với hội tụ gió trên cao nên trong ngày và đêm qua (tính đến 01 giờ ngày 30/6) ở Bắc Bộ có mưa rào và dông, một số nơi có mưa vừa, mưa to như Lào Cai 35mm, Phú Hộ (Việt Trì) 42mm, Móng Cái (Quảng Ninh) 40mm, Bái Cháy (Quảng Ninh) 53mm, Sơn Tây (Hà Nội) 43mm,…
Dự báo, ngày và đêm hôm nay (30/6) ở Bắc Bộ tiếp tục có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to; vùng núi phía Bắc và khu Đông Bắc có mưa vừa, mưa to và dông; trong cơn dông có khả năng xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1. Tại khu vực Hà Nội, trong chiều tối và đêm nay có mưa rào và dông.
Tổng lượng mưa dự báo đến hết ngày 30/6 ở vùng núi, trung du Bắc Bộ phổ biến 50-120mm; một số nơi ở các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Quảng Ninh có mưa trên 200mm.
Các tỉnh vùng núi và khu Đông Bắc Bắc Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to
Theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, mưa lớn những ngày qua đã gây lũ quét, sạt lở nghiêm trọng tại các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên.
Trong đó, tại Hà Giang có 1 trường hợp mất tích do lũ cuốn là anh Giàng Mí Nô, 40 tuổi, ngụ thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc và có 4 trường hợp bị thương do sét đánh, trong đó có 3 mẹ con cùng 1 nhà. Tại huyện Phù Yên (Sơn La) có 1 trường hợp tử vong do lũ cuốn trôi (chưa rõ danh tính) vào sáng 28/6.
Mưa lũ cũng đã khiến ngập và sạt lở hơn 500 ngôi nhà; gần 2.000 ha lúa và hoa màu bị hư hỏng; nhiều cột điện, cây xanh gãy đổ; gia súc, gia cầm bị cuốn trôi.
Trung tâm cũng đưa ra cảnh báo, sáng ngày hôm nay, mực nước trên sông Lô tại Tuyên Quang sẽ lên mức 21,5m, dưới BĐ 1: 0,5m sau đó xuống chậm; lưu lượng trên sông Gâm đến hồ Tuyên Quang tiếp tục giảm xuống mức 1400 m3/s.
Lũ quét trên các sông suối nhỏ và sạt lở đất có khả năng xảy ra tại các tỉnh ở vùng núi phía Bắc, đặc biệt một số tỉnh như: Hà Giang (nguy cơ đặc biệt cao tại các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, Đồng Văn, Bắc Mê), Tuyên Quang (nguy cơ đặc biệt cao tại các huyện Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa và Hàm Yên).
Lào Cai (nguy cơ đặc biệt cao tại huyện Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương, Bảo Thắng), Yên Bái (nguy cơ cao xảy ra tại các huyện Trạm Tấu), Lai Châu (nguy cơ đặc biệt cao tại các huyện Mường Tè, Phong Thổ, Sìn Hồ), Cao Bằng (nguy cơ đặc biệt cao tại các huyện Bảo Lạc, Hà Quảng, Trùng Khánh, Thông Nông).
Thái Nguyên (nguy cơ đặc biệt cao tại các huyện Định Hóa, Võ Nhai), Bắc Cạn (nguy cơ đặc biệt cao tại các huyện Ba Bể, Ngân Sơn, Pắc Nặm, Bạch Thông, Chợ Đồn, Chợ Mới và Na Rì). Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.
Để chủ động ứng phó với mưa, lũ, lũ quét và sạt lở đất, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT&TKCN đã có công điện đến các tỉnh Bắc Bộ theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ.
Thông báo đến các cấp chính quyền và người dân nhất là ở vùng sâu, vùng xa, chủ các phương tiện giao thông thủy, chủ đầu tư các công trình đang thi công đặc biệt là những công trình trên sông, suối và chủ các hồ chứa nước, hầm, lò khai thác khoáng sản biết diễn biến mưa lũ để chủ động các biện pháp phòng, tránh.
Đồng thời, tổ chức kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất, các hộ dân sống ven sông, suối để chủ động di dời, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.