Những người không may “dính” phải căn bệnh thể kỷ HIV thường bị người đời xa lánh, kỳ thị. Thế nhưng, với những kiến thức, hiểu biết và đặc biệt là tấm lòng nhân hậu của mình, nữ Bí thư Chi bộ ở một bản làng xa xôi của tỉnh Nghệ An đã gần gũi, động viên và giúp đỡ những con người không may mắn ấy vượt lên định mệnh để luôn lạc quan, sống vui, sống khỏe, sống có ích cho đời.
Căn bệnh thế kỷ ghé bản nghèo
Từ cầu Hoa Hải bắc qua sông Hiếu, phải đi vòng vèo, quanh co mãi chúng tôi mới vào được bản Kẻ Nính, xã Châu Hạnh, huyện vùng cao Quỳ Châu (Nghệ An) - những căn nhà san sát nằm hai bên đường trải nhựa trông thật yên bình. Nơi bản làng nhìn qua có vẻ bình yên này, nếu không được giới thiệu tỉ mỉ thì không ai nghĩ là nơi từng có “cơn bão” ma túy lẫn sự càn quét của căn bệnh thế kỷ HIV khoảng gần hai chục năm về trước.
Dù đã có hẹn từ trước tại Nhà văn hóa bản Kẻ Nính, thế nhưng khi tới nơi chúng tôi vẫn phải rất khó khăn mới liên lạc lại được với bà Lim Thị Tường - Bí thư Chi bộ bản Kẻ Nính, xã Châu Hạnh vì bà đang mắc kẹt trong trang trại của gia đình do mấy hôm nay trời mưa to quá.
Sau khoảng thời gian ngắn chờ đợi, bà Kim Thị Tường hớt hải về đến Nhà văn hóa bản Kẻ Nính. Nhìn dáng người nhỏ nhắn, hơi gầy nhưng rất nhanh nhẹn, hoạt bát, không ai nghĩ bà Tường năm nay đã chuẩn bị bước sang tuổi 66. Không để chúng tôi đợi lâu, bà lật dở quyển sổ tay dày cộp ra bàn rồi bắt đầu kể chuyện…
Kẻ Nính là tên gọi chung trước khi chia tách của 4 bản: Pà Cọ, Tà Cồ, Đình Tiến và Kẻ Nính (xã Châu Hạnh, Quỳ Châu, Nghệ An). Vào những năm thuộc thập niên 80, 90 của thế kỉ trước, ở đây xuất hiện những người lạ về làm chủ các bãi vàng, đá đỏ, khai thác gỗ quý trong rừng. Đàn ông, thanh niên trong bản kéo nhau đi làm thuê, vì thiếu hiểu biết nên thấy những người đó cho dùng thuốc để đi rừng, kéo gỗ cho khỏe thì dùng, chứ không biết đó chính là ma túy.
Anh Vi Văn Tài (SN 1982), lúc đó đang đi làm gỗ thuê cũng không may dính vào ma túy, chích hút rồi dính phải căn bệnh thế kỷ HIV, kể với chúng tôi rằng: “Thời đó, gỗ lạt trong rừng đang còn nhiều lắm. Những tay đầu nậu dưới miền xuôi lên thuê dân bản đi chặt gỗ trái phép và được trả công vài trăm nghìn đồng một ngày, số tiền công đó lúc bấy giờ là mức thu nhập rất cao đối với người dân nơi đây.
Khi vào chặt gỗ trong rừng, lúc đầu họ cho hút thứ thuốc gọi là để có sức khỏe, ai ngờ đó là ma túy. Sau một vài lần thành nghiện luôn. Lúc đầu còn đủ tiền để hút, sau không đủ nữa thì chuyển sang chích. Hết người này đến người khác “dính”. Thế rồi cả bản chẳng mấy chốc đã có hàng chục người bị nghiện ma túy, nhiễm HIV…”.
Người nhiễm HIV đã tìm thấy “ánh sáng cuối đường hầm”
Bà Lim Thị Tường là giáo viên tiểu học tại xã Châu Hạnh. Đến năm 2009, bà Tường nghỉ hưu và vềở trong bản Kẻ Nính.
“Tôi nghỉ hưu năm 2009, khi đó vừa trúng kỳ Đại hội Chi bộ Bản. Tôi được tín nhiệm giới thiệu rồi các đồng chí bầu tôi làm Bí thư Chi bộ bản Kẻ Nính. Cũng chính năm 2009, có lớp tập huấn về công tác phòng chống HIV, tôi đã xung phong đi tham gia lớp tập huấn này…” – bà Tường kể lại.
Theo bà Tường, trong giai đoạn những năm 2008, 2009, 2010, cứ khoảng hai đến ba ngày ở tron Bản lại có một người chết vì sốc ma túy hoặc chết vì bệnh HIV. Khi đó, cả Bản buồn bã, lo lắng, hoang mang tột cùng.
“Tôi thầm nghĩ, dù sao những người bị bệnh họ cũng lỡ rồi nên mình phải tìm cách giúp đỡ họ. Vì thế, tôi đã rất quyết tâm để “làm gì đó”…” – vẫn lời bà Tường chia sẻ.
Sau hơn 10 ngày tập huấn vào năm 2009, bà Tường đã trang bị được cho mình những kiến thức cơ bản rồi sau đó tự tìm hiểu thêm kiến thức chuyên sâu về những người nghiện, người nhiễm HIV. Từng là giáo viên nên bà có cách nói chuyện riêng cũng như cách tư vấn mềm dẻo, dễ thuyết phục nhằm tiếp cận nhiều nhất với những người nhiễm HIV trong Bản.
“Những người nhiễm bệnh ở bản Kẻ Nính khi đó hầu hết cuộc sống đều rất khó khăn, nên công việc của tôi vất vả bội phần. Thế nhưng, có vất vả thì mình càng phải cố gắng. Nếu lơ là một ngày thì rất nguy hiểm vì địa phương là "điểm nóng" về người nhiễm HIV, lúc cao điểm có đến gần cả trăm người bị bệnh, có đến mấy chục người chết vì căn bệnh thế kỷ này”, bà Tường nhớ lại.
Bà Tường tâm sự thêm rằng, nhiều người rất sợ bệnh HIV cũng như sợ người khác biết mình mắc bệnh, nên họ ngại đến các cơ sở y tế. Bởi vậy, khi đến gặp những người nghi nhiễm, chúng tôi thường có cách tiếp cận riêng. Quan trọng nhất là có được lòng tin của những người này, đây cũng là kỹ năng rất quan trọng.
“Hồi đó, có trường hợp anh Hà Văn Q. khi tôi đến vận động đi khám bệnh thì cứ khăng khăng là mình không bị nhiễm và còn to tiếng đuổi tôi đi. Thế nhưng, bằng sự chân thành, quan tâm cũng như giải thích tỉ mỉ, anh Q. sau đó cũng đã đồng ý đi khám…” – bà Tường kể lại một số trở ngại ban đầu.
Qua câu chuyện, chúng tôi được biết, từ đó đến nay, bà Tường đã giúp đỡ tất cả những gia đình có chồng, con, người thân hoặc bản thân nhiễm HIV/AIDS tự tin trong cuộc sống. Qua đó, đã thay đổi hành vi, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng, tạo sân chơi lành mạnh, chống phân biệt kỳ thị đối với người có HIV/AIDS.
Đặc biệt, thông qua bà Tường cũng như sự giúp đỡ của CLB phòng chống HIV/AIDS của Bản, hầu hết những người nhiễm HIV trong Bản đã được giúp đỡ để tiếp cận nguồn vốn vay cũng như giúp đỡ trên nhiều phương diện để vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống.
Anh Lim Văn Vân (SN 1975), nhớ lại quãng thời gian cuối những năm 2003, 2004, anh đi làm gỗ thuê cho người dưới xuôi lên rồi “dính” vào ma túy lúc nào không hay. Khi tỉnh ngộ ra thì đã muộn, bản thân đã bị nhiễm HIV.
“Lúc đầu mới phát hiện mình bị nhiễm căn bệnh thế kỷ cũng suy sụp lắm chứ, đôi lúc tiêu cực, chán nản muốn buông xuôi. Thế nhưng, nhờ có bà Tường, nhờ có Câu lạc bộ tuyên truyền, động viên nên tôi “bừng tỉnh” rồi quyết tâm cai nghiện ma túy và điều trị bệnh. Sức khỏe cũng nhờ thế ổn định và lao động sản xuất được nên cuộc sống gia đình giờ đã khấm khá hơn nhiều”, anh Vân, vui vẻ nói.
Bà Tường cười tươi tiếp lời anh Vân, rằng: “Nhà anh Vân hiện bán hàng tạp hóa trong Bản, trong trang trại thì trồng cây keo, đào ao nuôi cá, chăn nuôi gà vịt nên cuộc sống đã đỡ khổ hơn nhiều. Anh cũng cất được căn nhà rất khang trang, 2 đứa con thì đi du học và lao động bên Nhật”.
Còn anh Vi Văn Tài (SN 1982), người không may mắn dính phải căn bệnh thế kỷ khoảng hơn 10 năm nay, cũng phấn khởi tâm sự: “Nhờ có bà Tường tuyên truyền, động viên, gần gũi mà tôi đã tự tin trong cuộc sống. Nhiều năm nay tôi tu chí làm ăn, nuôi 10 con bò, trồng hơn chục héc ta keo nên cũng có thu nhập. Mới đây, tôi còn được vay và hỗ trợ làm nhà mới đến 90 triệu đồng…”.
Đó chỉ là hai trong số những người không may bị nhiễm HIV vượt lên bệnh tật để tu chí làm ăn, phát triển kinh tế trên địa bàn bản Kẻ Nính, xã Châu Hạnh, Quỳ Châu, Nghệ An. Đã từ nhiều năm nay, địa phương gần như không phát sinh người mắc mới bệnh. Tình hình an ninh trật tự tại địa phương vì thế cũng ổn định trở lại, bản làng đã bình yên trong sự vui mừng, phấn khởi của người dân Kẻ Nính. Có được những điều đó là nhờ công lớn của bà Tường, của CLB phòng chống HIV/AIDS.
Từ năm 2012, xã Châu Hạnh đã thành lập CLB phòng chống HIV/AIDS bản Kẻ Nính – Định Tiến. Khi mới được thành lập có 54 hội viên ở độ tuổi từ 12 - 46, thuộc 4 bản Định Tiến, Tà Cộ, Kẻ Nính và bản Pà Cọ (nay đã sáp nhập thành hai bản Kẻ Nính và Định Tiến). Theo số liệu mới nhất năm 2023, toàn xã Châu Hạnh hiện có 136 người nhiễm HIV/AIDS có danh sách đăng ký quản lý, trong đó có 111 nam và 25 nữ. Gần như số lượng người nhiễm bệnh mới đã không còn phát sinh từ nhiều năm nay.