Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động, sự cố mất an toàn lao động tại nhiều dự án, công trình xây dựng, nhất là những công trình đang thi công gần với khu dân cư, đường giao thông...
Lỗi từ nhiều phía
Theo báo cáo của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, từ năm 2005 đến năm 2014, trên địa bàn cả nước xảy ra 58.399 vụ tai nạn lao động, làm 61.315 người bị thương, trong đó có 5.232 vụ chết người, làm chết 5.791 người và 14.298 người bị thương nặng.
Theo thống kê, ngành xảy ra nhiều tai nạn lao động nghiêm trọng là ngành xây dựng, xây lắp công trình dân dụng và công nghiệp; ngành có tỷ lệ tai nạn lao động cao nhất là xây dựng, khai khoáng và hoá chất. Theo kêt quả tổng hợp năm 2014, tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng cao chiếm 3,1% tổng số vụ và 33,9% tổng số người chết. Nguyên nhân chính là sự tuân thủ quy định của pháp luật trong hoạt động đầu tư xây dựng; chất lượng khảo sát, thiết kế và thi công xây dựng công trình; vi phạm các quy đinh về an toàn lao động.
Công trường xây dựng trên cao tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn
Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý an toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, từ những tháng cuối năm 2014 đến 5 tháng đầu năm 2015, đã có nhiều vụ tai nạn lao động, xảy ra sự cố công trình, thiết bị thi công gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như vụ sập giàn giáo tại cảng Sơn Dương – dự án Formosa, khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh làm 13 người chết và 29 người bị thương; vụ cần cẩu bị đứt cáp làm 3 người dân đi đường tử vong tại chỗ ngày 5/5 tại thị xã Hồng aNgự, Đồng Tháp; hoặc các vụ tai nạn trên công trường thi công tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) làm 1 người đi đường chết tại chỗ, nhiều người bị thương (và lặp lại một sự cố khác tương tự vào ngày 12/5 làm 2 người tham gia giao thông bị thương) cùng nhiều sự cố nghiêm trọng khác tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Lâm Đồng...
Tình trạng tai nạn lao động ngày càng có chiều hướng gia tăng và các sự cố ngày càng trở nên đặc biệt nghiêm trọng, thực sự đang là nỗi lo của nhiều người dân và người lao động. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho rằng, những năm trước đây mỗi khi triển khai tháng hành động vì an toàn vệ sinh lao động, chúng ta thường chỉ nêu ra thống kê bao nhiêu phần trăm tai nạn là do nguyên nhân từ chủ sử dụng lao động, doanh nghiệp và bao nhiêu phần trăm từ người lao động... nhưng trong các nguyên nhân thì có cả lỗi thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và các quy chuẩn có liên quan tới yêu cầu bảo đảm an toàn lao động, đặc biệt là sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tăng cường thanh tra, kiểm tra hồ sơ dự án, chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thi công, kiểm định thiết bị, bảo hộ lao động...
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cũng cho rằng, vai trò của thanh tra lao động còn chưa tốt, chưa thể hiện rõ năng lực, chưa tổ chức thanh tra trọng tâm trọng điểm, nhất là tại các khu vực – địa phương có nhiều sự cố. Chẳng hạn như tại Vũng Áng có tới 80 nhà thầu tại đó, nhưng kiểm tra được bao nhiêu.
Phòng ngừa tai nạn lao động phải đặt lên hàng đầu
Tại diễn đàn Quốc hội, vấn đề an toàn lao động đã được nhiều đại biểu quan tâm khi thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật An toàn, vệ sinh lao động. Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, nội dung dự án Luật An toàn, vệ sinh lao động được tiếp thu, chỉnh lý và trình Quốc hội lần này đã làm sâu sắc quan điểm: Công tác phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải được đặt lên hàng đầu. Điều này càng có tính thời sự khi cuối năm ngoái và đầu năm nay trên cả nước đã xảy ra những vụ tai nạn lao động rất thương tâm gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cho rằng, dự Luật cần làm rõ hơn trách nhiệm, thời gian thông báo về sự cố an toàn lao động, tránh tình trạng giấu nhẹm hoặc thông báo chậm trễ, hạn chế hiệu quả xử lý tai nạn lao động...
Đại biểu Trần Thanh Hải (TP. Hồ Chí Minh) đánh giá cao dự thảo Luật đã đặt lên hàng đầu nguyên tắc ưu tiên các biện pháp phòng ngừa, loại trừ, kiểm soát tai nạn lao động. Đại biểu Trần Thanh Hải đề nghị, Quốc hội xem xét bổ sung nhiệm vụ tại khoản 2, Điều 9 đề nghị người lao động thực hiện đúng quy định an toàn vệ sinh lao động, đồng thời, phải xử lý đúng mức, kịp thời và nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân, người gây ra tai nạn nghiêm trọng; thanh tra an toàn vệ sinh lao động cần đầu tư thêm đơn vị cấp huyện mà có công nghiệp phát triển.
Ông Nguyễn Văn Dần, Phó Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng, (Bộ Xây dựng) cho rằng, các bộ, ngành cần kiên quyết xử lý vi phạm của các nhà thầu để xảy ra tai nạn; đề ra các biện pháp mạnh để ngăn ngừa, hạn chế tai nạn lao động, làm tốt hơn công tác an toàn lao động; tăng cường tần suất kiểm tra các công trình xây dựng; bổ sung các văn bản pháp luật quy định về an toàn lao động đối với các lĩnh vực dể xảy ra tai nạn. Các bộ, ngành cũng tăng cường công tác thanh, kiểm tra, điều tra sự cố mất an toàn lao động.
Để kịp thời chấn chỉnh công tác an toàn, vệ sinh lao động trong lĩnh vực có nhiều nguy cơ tai nạn lao động và an toàn trên công trình xây dựng, ngày 10/6/2015, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành Chỉ thị số 01/CT - LĐTBXH về việc tăng cường quản lý, chấn chỉnh công tác an toàn, vệ sinh lao động trong lĩnh vực có nhiều nguy cơ tai nạn lao động và an toàn trên công trình xây dựng tiếp giáp với khu dân cư, đường giao thông.