Xuất nhập khẩu giữ nhịp tăng trưởng

Trang Nhi| 08/03/2022 16:32
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mặc dù có số ngày nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, song 2 tháng đầu năm nay, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn giữ nhịp tăng trưởng ở mức hai con số.

Cán cân thương mại duy trì đà tăng trưởng

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 2/2022 ước đạt 48,2 tỷ USD, giảm 20% so với tháng trước, nhưng so với cùng kỳ năm trước tăng 17,6%. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 108,52 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 10,2% và nhập khẩu tăng 15,9%.

xnk-1.jpg
Xuất nhập khẩu giữ nhịp tăng trưởng

Cụ thể, trong tháng 2/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 22,95 tỷ USD, giảm 25,6% so với tháng trước, nhưng so với cùng kỳ năm trước tăng 13,2%.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 53,79 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: khu vực kinh tế trong nước đạt 14,29 tỷ USD, tăng 24,1%, chiếm 26,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 39,5 tỷ USD, tăng 5,9%, chiếm 73,4%.

Trong 2 tháng đầu năm 2022 có 9 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 71,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 4 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 52%).

Từ chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 2/2022 ước đạt 25,28 tỷ USD, giảm 14,2% so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước tăng 21,9%.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 54,73 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: khu vực kinh tế trong nước đạt 18,25 tỷ USD, tăng 16,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 36,48 tỷ USD, tăng 15,4%.

Trong 2 tháng đầu năm 2022 có 13 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 71,6% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 2 ước tính nhập siêu 2,33 tỷ USD. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính nhập siêu 937 triệu USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,6 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 3,96 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 3,02 tỷ USD.

Kết quả của tháng 2 và hai tháng đầu năm 2022 sẽ là tiền đề quan trọng để để xuất khẩu tăng tốc những tháng tới.

Vượt khó để đảm bảo tăng trưởng

Dẫu vậy, con đường phía trước vẫn đầy thách thức và khó khăn, bởi theo nhận định của một số bộ, ngành cũng như các chuyên gia, quá trình phục hồi kinh tế thế giới năm 2022 tiếp tục đứng trước nhiều rủi ro như: diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh COVID-19; nguy cơ bất ổn tài chính - tiền tệ gia tăng; giảm tốc tăng trưởng tại các nền kinh tế lớn tác động tiêu cực đến các nước đối tác đang phát triển.

xnk-2.jpg
Các doanh nghiệp đã chủ động ứng phó, thích ứng linh hoạt nhằm duy trì đà tăng trưởng.

Đáng ngại hơn, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đang phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu sẽ phải chịu tác động của việc giá cả hàng hóa cơ bản, nguyên, nhiên, vật liệu thế giới tăng, giá cước vận tải chưa có dấu hiệu giảm,… khiến chi phí đầu vào tăng. Những vấn đề về nguồn cung tiếp tục cản trở tăng trưởng sản lượng. Thời gian giao hàng của nhà cung cấp tiếp tục kéo dài do khan hiếm nguyên vật liệu và thiếu nhân viên, cộng với những khó khăn của khâu vận chuyển quốc tế.

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng thông tin về gói hỗ trợ phát triển kinh tế với quy mô lên tới 350 nghìn tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ 2% lãi suất vay vốn và giảm 2% thuế VAT đã được nhiều doanh nghiệp đánh giá cao bởi với họ đây là sự hỗ trợ tích cực cho sự phục hồi. 

Bên cạnh đó, những nỗ lực từ sự chủ động ứng phó, thích ứng linh hoạt đã và đang đem đến những triển vọng cho sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

"Thật sự đáng khen ngợi về những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong quản lý đại dịch và giữ cho bánh xe thương mại quay vòng. Chính nhờ những nỗ lực tập thể đó đã giúp doanh nghiệp tiếp tục hoạt động. Chúng tôi đã trao đổi với một số công ty của Australia tại Việt Nam để điều chính hoạt động kinh doanh, thích ứng nhanh hơn nhằm đảm bảo ổn định các chuỗi vận chuyển, cung ứng", bà Rebecca Ball - Tham tán Thương mại cấp cao, Trưởng Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia tại TP Hồ Chí Minh cho hay.

Ngoài ra, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phục hồi sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị đứt gãy, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường xuất, nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế.

Cùng với đó, tập trung điều chỉnh mô hình tăng trưởng công nghiệp từ chủ yếu dựa trên số lượng sang dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả, đẩy mạnh phát triển các ngành và sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn; gắn kết sản xuất với phát triển dịch vụ công nghiệp. Đặc biệt, tăng cường áp dụng hệ thống tổ chức sản xuất tiên tiến và ứng dụng công nghệ cao; sử dụng tài nguyên và năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong sản xuất công nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuất nhập khẩu giữ nhịp tăng trưởng