Trong giai đoạn 2021-2025, toàn ngành Lâm nghiệp phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt từ 5- 5,5%/năm; giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt 18 - 20 tỷ USD.
Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)) vừa ban hành Quyết định số 60/QL-TCLN-KHTC phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành lâm nghiệp theo chuỗi và nâng cao giá trị gia tăng giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, ngành lâm nghiệp hướng đến mục tiêu tiếp tục huy động tối đa các nguồn lực xã hội, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại nhằm phát huy tối đa các tiềm năng, vai trò và tác dụng của rừng, phát triển bền vững ngành lâm nghiệp. Qua đó, đóng góp ngày càng tăng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, an ninh nguồn nước, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó chủ động và hiệu quả với biến đổi khí hậu, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2025, toàn ngành phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 5- 5,5%/năm; giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt 18 - 20 tỷ USD; tiêu thụ lâm sản thị trường trong nước đạt 5 tỷ USD vào năm 2025. Đồng thời, nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng; sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tập trung đạt 35 triệu m3/năm vào năm 2025, đáp ứng cơ bản nhu cầu nguyên liệu cho chế biến gỗ và lâm sản.
Cùng với đó, phát triển dịch vụ hệ sinh thái, dịch vụ môi trường rừng, đa dạng hóa và mở rộng các nguồn thu. Phấn đấu tổng thu tiền dịch vụ môi trường rừng hàng năm tăng 5%. Nâng cao chất lượng rừng nhiên, hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học và năng lực phòng hộ của rừng; tỷ lệ che phủ rừng được duy trì ổn định ở mức 42%,…
Đáng chú ý, trong giai đoạn 2021-2025, ngành Lâm nghiệp xác định những điểm nổi bật để định hướng cơ cấu lại ngành. Trong đó, với sản phẩm chủ lực quốc gia, sẽ tập trung đầu tư, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, gắn với công nghiệp chế biến nông sản theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững. Ưu tiên nguồn lực đầu tư để thúc đẩy cơ giới hóa đồng bộ, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng các chuỗi giá trị gắn với hệ thống quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và phát triển thương hiệu quốc gia.
Riêng đối với gỗ và sản phẩm từ gỗ, tập trung phát triển rừng gỗ lớn, lâm sản ngoài gỗ. Phát triển các khu công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản công nghệ cao gắn với các vùng trồng rừng tập trung; tăng tỷ trọng các sản phẩm chế biến sâu; tập trung phát triển các mặt hàng sản phẩm có ưu thế cạnh tranh cao và bền vững.
Đối với sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, theo Tổng cục Lâm nghiệp, các địa phương căn cứ lợi thế, điều kiện cụ thể và nhu cầu thị trường để có cơ chế chính sách và ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển các sản phẩm lâm nghiệp chủ lực cấp tỉnh, đảm bảo sản phẩm có chất lượng, giá trị cao; có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Ngoài ra, trong giai đoạn 2021-2025, ngành Lâm nghiệp sẽ tập trung cơ cấu lại sản xuất theo chuỗi và nâng cao giá trị gia tăng. Trong đó, phát triển và nâng cao năng suất, chất lượng rừng; đẩy mạnh nghiên cứu, chọn, tạo giống cây trồng lâm nghiệp năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh hại, thích ứng với điều kiện bất lợi của môi trường, ưu tiên phát triển giống được sản xuất từ cây mô, hom để trồng rừng sản xuất. Phấn đấu ít nhất 90% diện tích rừng được trồng từ giống cây lâm nghiệp đã được công nhận; năng suất rừng trồng thâm canh giống mới đạt trung bình 20m3/ha/năm vào năm 2025.
Bên cạnh đó, nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm lâm nghiệp thông qua chế biến. Trong đó, có cơ chế, chính sách để hạn chế khai thác, sử dụng gỗ non từ rừng trồng còn ít tuổi, đang trong thời kỳ sinh trưởng mạnh, khuyến khích trồng rừng gỗ lớn cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Phấn đấu sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tập trung đạt 35 triệu m3 /năm vào năm 2025; sử dụng hiệu quả nguồn gỗ cây cao su, cây phân tán; đáp ứng tối thiểu 80% nhu cầu nguyên liệu cho chế biến gỗ và lâm sản.