Xét xử phúc thẩm "đại án” Huỳnh Thị Huyền Như: Bị cáo lập lệnh chi giả để chiếm đoạt tiền

Văn Vũ| 17/12/2014 19:12
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Các tài khoản của công ty bị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản là thật hay giả, do Ngân hàng VietinBank cấp số tài khoản cho khách hàng hay bị cáo Như tự tạo ra những số tài khoản đó rồi cung cấp cho khách hàng?”…

Đó là câu hỏi mà Thẩm phán Quảng Đức Tuyên, Chủ tọa phiên tòa đặt ra. 

Chiều nay 17/12, phiên tòa xét xử phúc thẩm “đại án” Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm tiếp tục làm việc. Các luật sư tiếp tục thẩm vấn đại diện Công ty An Lộc về số tiền gửi vào tài khoản của Ngân hàng VietinBank và lãi suất vượt trần.

Luật sư bảo vệ cho Công ty An Lộc đặt câu hỏi đối với đại diện VietinBank xung quanh các trình tự, thủ tục trong việc chuyển tiền từ tài khoản thanh toán sang tài khoản tiền gửi có kỳ hạn đối với số tiền của Công ty An Lộc là đúng quy định hay không? Đại diện VietinBank cho biết, đây là quy trình chuẩn của VietinBank.

Khi thẩm vấn bị cáo Như và đại diện VietinBank, một lần nữa, Thẩm phán Quảng Đức Tuyên, Chủ tọa phiên tòa đặt vấn đề về tính pháp lý đối với tài khoản của các công ty khi mở tài khoản tại VietinBank. Các tài khoản này là thật hay giả, do VietinBank cấp số tài khoản cho khách hàng hay bị cáo Như tự tạo ra những số tài khoản đó rồi cung cấp cho khách hàng.

HĐXX cũng làm rõ hành vi chiếm đoạt 380 tỷ đồng của Công ty CP chứng khoán Phương Đông (gọi tắt Công ty Phương Đông). Đại diện Công ty Phương Đông giữ nguyên nội dung kháng cáo, đề nghị VietinBank trả 380 tỷ tiền gốc và hơn 126 tỷ đồng tiền lãi.

Xét xử phúc thẩm

Bị cáo Huyền Như tại phiên tòa

Liên quan đến số tiền chiếm đoạt này, Huyền Như khai rằng, bị cáo tự trích chuyển 380 tỷ đồng từ tài khoản thanh toán của Công ty Phương Đông cho Công ty Đức Minh Quang 100 tỷ đồng, Công ty Thịnh Phát 150 tỷ đồng, Công ty Phúc Vinh 130 tỷ đồng để trả nợ.

HĐXX, đại diện VKS tập trung thẩm vấn Huyền Như và đại diện VietinBank về tính pháp lý của tài khoản, về dòng tiền, trong đó có 380 tỷ đồng Huyền Như chiếm đoạt của tài khoản Công ty Phương Đông tại VietinBank luân chuyển như thế nào? Việc bị cáo Như tự thao tác trên máy tính của hệ thống ngân hàng trích số tiền này chuyển vào các tài khoản khác thì VietinBank có biết không? Bị cáo Như huy động vốn của Công ty Phương Đông, lãnh đạo VietinBank có ý kiến như thế nào?

Về vấn đề trên, bị cáo Như khai rằng, bị cáo đã mạo danh và khách hàng gửi tiền vào thì lập lệnh chi giả để giải chi.

Một số luật sư đặt vấn đề về việc mặc dù khách hàng không yêu cầu, hồ sơ giải chi cũng không có chữ ký của khách hàng nhưng Giao dịch viên của Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ Chi nhánh VietinBank Tp. Hồ Chí Minh vẫn thực hiện lệnh chi. Việc này có đúng quy định không? Đại diện VietinBank thừa nhận rằng, nếu nhân viên trong hệ thống ngân hàng cố tình làm sai thì có thể chuyển được tiền trong tài khoản của hệ thống.

HĐXX tiếp tục thẩm vấn hành vi lừa đảo chiếm đoạt 165 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Quốc tế (gọi tắt là VIB). Tại phiên tòa, đại diện VIB vẫn giữ nguyên kháng cáo, buộc bị cáo Như và 11 người liên quan có trách nhiệm trả lại số tiền này cho VIB.

HĐXX đã thẩm vấn bị cáo Như về hành vi chiếm đoạt 165 tỷ của VIB. Bị cáo Như khai rằng, bị cáo đã làm giả 40 hợp đồng tiền gửi với Chi nhánh VietinBank Nhà Bè, số tiền ghi trên từng hợp đồng từ 16,8 tỷ đồng đến 24,3 tỷ đồng. Bị cáo nhờ bạn bè, người thân đứng tên gồm: Bùi Minh Hải, Dương Thanh Tâm, Hùng Vạn Đức, Nguyễn Thanh Nhã, Trần Thị Tố Quyên, Nguyễn Đình Út, Âu Thanh Hà, Đào Thị Tuyết Dung, Nguyễn Thị Thủy, Hùng Mỹ Hạnh, Nguyễn Thị Lành, Đỗ Quốc Thái.

Tiếp đó, Như sử dụng 40 hợp đồng tiền gửi giả này làm tài sản thế chấp, nhờ 12 người trên đứng tên ký 40 hợp đồng cầm cố vay của VIB tại Chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh tổng số tiền 480,3 tỷ đồng. Như đã tất toán 28 hợp đồng với tổng số tiền gốc là 300,3 tỷ đồng. Còn 12 hợp đồng với số tiền 165 tỷ đồng Như đã chiếm đoạt. 

Tại phiên tòa, khi HĐXX thẩm vấn các bị cáo đồng phạm giúp sức cho bị cáo Như chiếm đoạt 165 tỷ của VIB đều cho rằng, không hề biết hợp đồng tiền gửi mà Như đưa ký là hợp đồng giả. Đồng thời, một số bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

HĐXX cũng xem xét nội dung đơn kháng cáo của bị hại Giã Thị Mai Hiên mà bị cáo Như đã chiếm đoạt gần 275 tỷ đồng.

Sáng mai 17/12, HĐXX tiếp tục làm việc.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xét xử phúc thẩm "đại án” Huỳnh Thị Huyền Như: Bị cáo lập lệnh chi giả để chiếm đoạt tiền