Tạo việc làm cho người khuyết tật: Cần sự chung tay của toàn xã hội

Lan Hương| 17/04/2015 08:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việt Nam có hơn 6,7 triệu người khuyết tật từ 5 tuổi trở lên, trong đó có khoảng 1,6 triệu người có khả năng lao động.

Vì vậy dạy nghề và tạo việc làm bền vững cho người khuyết  tật là một trong những vấn đề quan trọng giúp người khuyết tật cải thiện cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng.

Ngày 15/4, tại Hà Nội, Liên Hiệp hội người khuyết tật Việt Nam phối hợp với Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ và phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo “Hòa nhập người khuyết tật”.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Đặng Văn Thanh, Tổng Thư ký Liên hiệp hội người khuyết tật (VFD) cho biết, hiện nay, có 6,7 triệu người khuyết tật ở Việt Nam, chiếm gần 8% dân số. Trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách nhằm giúp cho người khuyết tật có điều kiện nâng cao đời sống, học tập và tạo việc làm. Phần lớn số người khuyết tật diện nghèo được cấp thẻ BHYT, 100% trẻ em khuyết tật được miễn học phí. Hiện nay, cả nước đã có 2000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất dành riêng cho người khuyết tật.

Ông Đặng Văn Thanh cũng cho biết, để tăng cơ hội việc làm cho người khuyết tật, Bộ luật Lao động cũng quy định tỷ lệ bắt buộc nhận người khuyết tật vào làm việc trong các doanh nghiệp, nếu không nhận đủ thì phải nộp một khoản tiền vào Quỹ việc làm dành cho người khuyết tật. Song, trên thực tế cho thấy, chế tài chưa đủ mạnh nên quy định này chưa có hiệu quả trong thực tiễn, chỉ có một số tỉnh, thành lập được Quỹ việc làm dành cho người khuyết tật.

 Hiện cả nước có trên 1.000 cơ sở dạy nghề có tổ chức dạy nghề cho người khuyết tật. Giai đoạn 2006-2010 có gần 49.000 người khuyết tật được học nghề (với một nửa là nữ giới), trong đó có gần 16.000 người được tạo việc làm, số còn lại được cải thiện việc làm.

Tạo việc làm cho người khuyết tật: Cần sự chung tay  của toàn xã hội

Dạy nghề cho người khuyết tật

  Từ năm 2010 đến nay, bình quân mỗi năm đã tổ chức dạy nghề cho 7.000-8.000 người khuyết tật. Tuy nhiên, số lượng người khuyết tật được học nghề hiện còn quá ít và chiều hướng tăng không đáng kể. Tỷ lệ người khuyết tật sau đào tạo nghề tìm việc làm còn thấp và chủ yếu là tự tạo việc làm. Nguyên nhân là do 80% người khuyết tật sống ở nông thôn, trình độ văn hóa thấp, cộng thêm những rào cản xã hội như thái độ phân biệt, mặc cảm, tự ti. Bên cạnh đó, người khuyết tật thường thiếu thông tin về việc làm, nhất là người khiếm thính. Các công trình kiến trúc, phương tiện giao thông công cộng không phù hợp khiến họ khó tiếp cận học nghề, việc làm. Người khuyết tật rất khó tiếp cận vốn vay để tự tạo việc làm. Hiện nay người khuyết tật chưa được vay trực tiếp mà vẫn phải qua một tổ chức như phụ nữ hoặc hội nông dân hay các tổ chức khác đứng bảo lãnh. Tổ chức của người khuyết tật chưa được bảo lãnh cho hội viên của mình vay. Chúng tôi mong rằng các chính sách đến địa phương thì chỉ cần tổ chức người khuyết tật đứng ra bảo lãnh là người khuyết tật sẽ được vay.

Người khuyết tật là một lực lượng lao động không nhỏ trong xã hội và họ đòi hỏi phải được bảo vệ bằng luật pháp để đảm bảo quyền bình đẳng tham gia vào các hoạt động của xã hội, trong đó có quyền bình đẳng về việc làm bền vững. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 với mục tiêu “Hỗ trợ người khuyết tật phát huy khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu bản thân; tạo điều kiện để người khuyết tật vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng cộng đồng và xã hội”.

Ông Nguyễn Ngọc Toản, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cho rằng, bảo đảm để người khuyết tật thực hiện quyền bình đẳng và tham gia cộng đồng xã hội, một trong những giải pháp là hướng tới trợ giúp người khuyết tật nâng cao năng lực tiếp cận việc làm, giải quyết vấn đề giảm nghèo. Trong đó cần trợ giúp trực tiếp đối với cá nhân và hộ gia đình người khuyết tật đảm bảo điều kiện tham gia vào thị trường lao động hoặc tự tạo việc làm tại chỗ.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ thông tin các mô hình giúp người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng và cho rằng việc làm là cơ hội để người khuyết tật hòa nhập cộng đồng được tốt nhất. Việc làm giúp cho người khuyết tật cảm thấy tự tin, bình đẳng trong gia đình và xã hội. Cần trao cho người khuyết tật quyền tự quyết cùng sự tin tưởng để họ có đủ động lực cũng như lòng tin vì một xã hội không rào cản. Trong thời gian tới cần tích cực triển khai, thực hiện Luật về người khuyết tật và Công ước Quốc tế về Người khuyết tật đã được Việt Nam phê chuẩn.

Tạo điều kiện và cơ hội đào tạo nghề gắn với việc làm đối với người khuyết tật chính là sự thúc đẩy hành động nhằm “Hiện thực hóa quyền của người khuyết tật”, trong đó có quyền được có việc làm bền vững. Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan, tổ chức chính trị xã hội, bản thân người khuyết tật cần rèn luyện, cố gắng học tập để nâng cao kiến thức, tay nghề, tự tin góp phần phát triển kinh tế đất nước.

Mục tiêu của đề án trợ giúp người khuyết tật (Thủ tướng đã phê duyệt) là đến năm 2015 sẽ có 250.000 người khuyết tật trong độ tuổi lao động còn khả năng lao động được học nghề và tạo việc làm phù hợp. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này (trong giai đoạn 2012-2020) cần có sự chung tay của toàn xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo việc làm cho người khuyết tật: Cần sự chung tay của toàn xã hội