Thai phụ 18 tuần vỡ tử cung, chảy 3 lít máu

Chí Tâm| 10/10/2020 18:41
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đang mang thai ở tuần 18, thai phụ ở Hà Nội phải nhập viện cấp cứu với chẩn đoán vỡ tử cung trên vết mổ đẻ cũ, máu chảy ồ ạt ra khoang bụng…

Bệnh nhân là chị T.T.B. (35 tuổi, ở Đông Anh, Hà Nội), mang thai lần 4, thai được 4,5 tháng. Chị được đưa vào khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Đông Anh trong tình trạng đau bụng, lơ mơ, da tái nhợt, đau lan xuống 2 hố chậu, bụng chướng, nhiều dịch, mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp tụt...

Bệnh nhân được siêu âm tại giường, kết quả phát hiện nhiều dịch trong ổ bụng. Tiên lượng tình trạng bệnh nhân rất nặng.

Ngay lập tức, bệnh viện đã phát tín hiệu “báo động đỏ”, hội chẩn liên khoa, chuyển bệnh nhân đi mổ cấp cứu. Kíp phẫu thuật có sự tham gia của các bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp, khoa Sản, kíp gây mê khoa Gây mê hồi sức, khoa Xét nghiệm. 

Thai phụ 18 tuần vỡ tử cung, chảy 3 lít máu

Ảnh minh họa.

Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ phát hiện tử cung bị vỡ, máu chảy nhiều kèm vỡ nhau thai trên vết mổ tử cung cũ. Các bác sĩ đã lấy ra 3 lít máu đỏ tươi lẫn máu cục trong ổ bụng bệnh nhân đồng thời quyết định cắt tử cung bán phần để cầm máu.

Trong hơn 2 giờ phẫu thuật, thai phụ được truyền gần 4 lít máu và huyết tương, 5 lít dịch. Bệnh nhân hồi phục tốt sau mổ, đang được theo dõi hậu phẫu. Sau mổ bệnh nhân ổn định, tỉnh táo, tiếp xúc tốt, tiếp tục theo dõi điều trị hậu phẫu.

Nhờ sự phối hợp tích cực, nhịp nhàng của các khoa trong toàn bệnh viện theo quy trình “báo động đỏ” cũng như sự làm chủ các kỹ thuật trong Ngoại khoa, Gây mê Hồi sức đã cứu sống bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch. 

Hiện nay, việc mổ đẻ đang có xu hướng bị lạm dụng, có nơi chiếm đến 60%, tỷ lệ chung tại TP.HCM khoảng 30%, tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương có khoảng 50% sản phụ đẻ mổ. Trong khi trên thế giới, tỷ lệ mổ lấy thai chỉ chiếm khoảng 15%.

So với đẻ thường, khi sinh mổ, đặc biệt từ lần sinh thứ 3 trở đi, thai phụ và thai nhi đối mặt với rất nhiều nguy cơ. Nguy hiểm nhất là biến chứng nứt, vỡ tử cung trên vết mổ cũ, đe dọa trực tiếp tới tính mạng của mẹ và thai nhi.

Ngoài ra, thai phụ phải đối mặt nguy cơ dính ruột vào thành bụng, bàng quang; nhau bong non, nhau tiền đạo, nhau cài răng lược; nhiễm trùng…

Do đó, bác sĩ luôn khuyên sản phụ chỉ nên sinh mổ trong các trường hợp bác sĩ chuyên khoa chỉ định như: sản phụ không thể đẻ được đường dưới do khung chậu người mẹ, thai to, ngôi bất thường, mổ đẻ cũ, rau tiền đạo, nhau bong non, các bệnh nặng của mẹ... để tránh những biến chứng đáng tiếc.

Các thai phụ cũng đặc biệt chú ý khoảng cách sinh giữa 2 lần đẻ mổ, ít nhất cách nhau 3 năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thai phụ 18 tuần vỡ tử cung, chảy 3 lít máu