Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp 44, chiều 15/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 4 dự án: Luật Dẫn độ, Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, Luật Tương trợ tư pháp về dân sự, Luật Tương trợ tư pháp về hình sự.
Bốn dự thảo Luật trên được xây dựng trên cơ sở tách ra từ Luật Tương trợ tư pháp hiện hành.
Trình bày Tờ trình Dự thảo Luật Dẫn độ, Trung tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, sau hơn 15 năm triển khai thực hiện Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, quy định về dẫn độ đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập.
Luật Tương trợ tư pháp điều chỉnh chung cả bốn lĩnh vực dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, nhưng mỗi lĩnh vực lại có đối tượng, phạm vi điều chỉnh với tính chất đặc thù riêng, mục đích và tính chất, nguyên tắc hợp tác khác nhau.
Tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các quốc gia có xu hướng xây dựng Luật Dẫn độ để thuận lợi cho việc áp dụng.
Dự thảo Luật Dẫn độ dự kiến gồm 5 chương và 45 điều, quy định nguyên tắc, thẩm quyền, điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện dẫn độ và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước của Việt Nam trong dẫn độ.
Trong đó, dự thảo Luật quy định trường hợp nước ngoài yêu cầu Việt Nam không thi hành hình phạt tử hình đối với người bị yêu cầu dẫn độ, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan báo cáo Chủ tịch nước. Căn cứ ý kiến của Chủ tịch nước, Bộ Công an hoặc Bộ Ngoại giao thông báo cho nước ngoài về việc không thi hành hình phạt tử hình.
Trường hợp Việt Nam yêu cầu nước ngoài không thi hành hình phạt tử hình đối với người bị yêu cầu dẫn độ, Bộ Công an đề nghị nước ngoài đưa ra cam kết bằng văn bản về nội dung này.
Dự thảo luật cũng quy định, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TANDTC, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và thủ trưởng các cơ quan khác có liên quan hướng dẫn chi tiết Điều 13 về thông báo không thi hành hình phạt tử hình đối với người bị yêu cầu dẫn độ.
Thẩm tra Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết, ủy ban này tán thành dự thảo quy định trường hợp nước ngoài yêu cầu Việt Nam không thi hành hình phạt tử hình với người bị yêu cầu dẫn độ.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, có trường hợp phía nước ngoài yêu cầu Việt Nam đưa ra cam kết không áp dụng hình phạt tử hình. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa có quy định để xử lý trường hợp này. Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị quy định cụ thể phương án xử lý trường hợp phía nước ngoài yêu cầu Việt Nam cam kết không áp dụng hình phạt tử hình.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định trên, bởi vì sẽ ảnh hưởng nhất định đến tính độc lập của Tòa án. Việc dự thảo quy định thẩm quyền này cho Chủ tịch nước thì cần tiếp tục nghiên cứu kỹ để bảo đảm phù hợp với vị thế của người đứng đầu Nhà nước trong một vấn đề cụ thể của hoạt động dẫn độ.
Nêu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu việc xây dựng Luật Dẫn độ phải bảo đảm khả thi, phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo vệ quyền lợi của quốc gia và công dân. Cần làm rõ các nguyên tắc dẫn độ, đặc biệt là nguyên tắc dẫn độ công dân Việt Nam và không dẫn độ công dân Việt Nam; các trường hợp từ chối dẫn độ nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia và phù hợp thông lệ quốc tế. Quy định chặt chẽ các biện pháp bảo đảm quyền con người, quyền được tiếp cận pháp lý, quyền không bị tra tấn hoặc đối xử vô nhân đạo trong quá trình dẫn độ, bảo đảm tính nhân văn, tuân thủ các cam kết quốc tế về quyền con người.
Đặc biệt, thủ tục dẫn độ phải bảo đảm minh bạch, hiệu quả, giảm thiểu các thủ tục hành chính không cần thiết, tạo thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong hợp tác quốc tế. Rà soát kỹ các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, các hiệp định quốc tế liên quan để tránh chồng chéo, mâu thuẫn.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị làm rõ các nguyên tắc dẫn độ, cần bổ sung quy định chi tiết hơn về các nguyên tắc, như bình đẳng, chủ quyền, định danh kép, hành vi tội phạm theo luật của cả hai nước, không dẫn độ công dân Việt Nam trong một số trường hợp để tránh áp dụng tùy tiện.
Đồng thời, quy định rõ hơn việc từ chối dẫn độ, lý do đặc biệt như nhân đạo, chính trị để giảm thiểu sự phụ thuộc vào ý chí chủ quan cũng như cơ quan thẩm quyền; Tăng cường ký kết hiệp định song phương với các quốc gia chưa có thỏa thuận để mở rộng phạm vi hợp tác, đặc biệt là nước có lượng lớn công dân Việt Nam sinh sống.
Chủ tịch Quốc hội giao Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại phối hợp Ủy ban Pháp luật - Tư pháp và các cơ quan vào cuộc chi tiết để thẩm định, làm rõ; tăng cường cơ chế giám sát, minh bạch, công khai thông tin.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu quan tâm giải quyết xung đột pháp luật nội địa; chú ý đào tạo, nâng cao năng lực, bảo vệ công dân Việt Nam, bảo vệ quyền của người bị dẫn độ, vì "liên quan con người phải thận trọng, chi tiết, quy định rõ trong luật".