Ngày 15/4, tại TP. Đà Nẵng, hơn 200 đại biểu là các nhà khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế đã tham dự Hội nghị PRISM 2025- sự kiện toàn cầu về nghiên cứu gene, do Công ty Công nghệ khoa học đời sống (PacBio) và Tập đoàn DKSH đồng tổ chức.
Lần đầu tiên diễn ra tại Việt Nam và là lần thứ hai được tổ chức tại Đông Nam Á, Hội nghị PRISM 2025 đã chọn TP. Đà Nẵng làm điểm khởi đầu cho chuỗi sự kiện quốc tế về nghiên cứu gene. Sau Việt Nam, PRISM sẽ tiếp tục hành trình đến Athens (Hy Lạp), San Francisco và Boston (Hoa Kỳ), khẳng định vai trò kết nối toàn cầu của lĩnh vực giải trình tự gene hiện đại.
Diễn ra trong hai ngày 15-16/4, hội nghị quy tụ hơn 200 nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực di truyền học và công nghệ sinh học, với các buổi thuyết trình chuyên sâu, thảo luận học thuật và triển lãm giới thiệu công nghệ giải trình tự thế hệ mới do PacBio phát triển. Mục tiêu chính của sự kiện là mở rộng cơ hội giao lưu quốc tế, giúp các nhà khoa học Việt Nam tiếp cận tri thức tiên tiến và công nghệ hiện đại trong lĩnh vực nghiên cứu bộ gene.
Chia sẻ tại hội nghị, bà Lyndsey Lam – Giám đốc Marketing khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Công ty Công nghệ khoa học đời sống (PacBio) – nhấn mạnh: “PRISM là sự kiện toàn cầu hàng đầu của chúng tôi, quy tụ các chuyên gia và nhà nghiên cứu genomics từ khắp nơi trên thế giới để trao đổi ý tưởng và thúc đẩy khám phá khoa học.
Việc tổ chức sự kiện năm nay tại Việt Nam cũng đại diện cho một cơ hội thú vị để gắn kết với cộng đồng khoa học tài năng của đất nước. Chúng tôi đánh giá cao sự hợp tác với các đối tác như DKSH để giới thiệu các công nghệ giải trình tự tiên tiến và hỗ trợ đổi mới nghiên cứu trên khắp khu vực”.
Theo bà Nguyễn Thị Tôn Cẩm Trâm, Tổng Giám đốc DKSH Vietnam Business Unit Technology, PRISM 2025 không chỉ là diễn đàn trao đổi chuyên môn mà còn là cầu nối giúp các nhà khoa học trong nước phát triển thông qua hợp tác quốc tế.
“Với vai trò đồng tổ chức PRISM 2025 và là thành viên mạng lưới châu Á - Thái Bình Dương của PacBio, chúng tôi kết nối các nhà khoa học Việt Nam với công nghệ nghiên cứu bộ gene hàng đầu – từ đó hỗ trợ họ tiếp cận xu hướng giải trình tự hiện đại, phục vụ cho các lĩnh vực mũi nhọn như y tế, nông nghiệp và phòng chống dịch bệnh”, bà Trâm nói.
Theo thống kê từ PacBio, Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong nghiên cứu gene, với chỉ số CAGR đạt 21-22% giai đoạn 2019–2023. Nhiều viện nghiên cứu trong nước đã và đang nhận được sự hỗ trợ từ PacBio trong việc giải mã các bộ gene liên quan đến bệnh truyền nhiễm và nông nghiệp bền vững, hai thách thức nổi bật tại khu vực châu Á.
Việc chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tiên cho chuỗi hội nghị PRISM 2025 phản ánh vị thế ngày càng được nâng cao của khoa học công nghệ trong nước.
Với nền tảng cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, cùng sự quan tâm đầu tư mạnh mẽ của Chính phủ vào lĩnh vực công nghệ sinh học, Việt Nam đang trở thành trung tâm tiềm năng để tiếp nhận các xu hướng nghiên cứu toàn cầu và thúc đẩy hợp tác đa chiều trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.