Các bác sĩ Khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện Đà Nẵng vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật nội soi cắt khối phổi biệt lập – một dị tật bẩm sinh hiếm gặp – cho nam bệnh nhân 57 tuổi. Đây là một trong số ít trường hợp phổi biệt lập được phát hiện và điều trị ở người trưởng thành.
Bệnh nhân Nguyễn T.K. (SN 1968, trú tại phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) tình cờ phát hiện tổn thương ở thùy dưới phổi trái trong quá trình khám sức khỏe tổng quát. Hai thập niên trước, ông từng điều trị viêm phổi. Gần đây, ông thường xuyên cảm thấy đau ran vùng lưng bên trái, dù tình trạng viêm phổi trước đó đã được xử lý ổn thỏa.
Kết quả chụp CT Scan ngực với tái tạo hình ảnh mạch máu vùng ngực cho thấy một khối tổn thương có kích thước 32x45mm nằm ở thùy dưới phổi trái. Điều đặc biệt là khối này được nuôi dưỡng bằng một nhánh động mạch xuất phát trực tiếp từ động mạch chủ ngực – có đường kính lên đến 11mm – và dẫn lưu máu về tĩnh mạch phổi dưới trái, không thông với hệ thống phế quản như phổi bình thường. Các bác sĩ xác định bệnh nhân mắc dị tật phổi biệt lập nội thùy – một thể bệnh rất ít gặp và thường được chẩn đoán ở trẻ nhỏ.
Kết quả các xét nghiệm cận lâm sàng khác đều nằm trong giới hạn bình thường. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ phần phổi dị dạng nhằm phòng ngừa nguy cơ viêm phổi tái diễn hoặc những biến chứng nguy hiểm về sau.
Ê-kíp bác sĩ Khoa Ngoại lồng ngực đã tiến hành phẫu thuật bằng kỹ thuật nội soi lồng ngực hai lỗ – phương pháp can thiệp xâm lấn tối thiểu, giúp giảm sang chấn vùng ngực, rút ngắn thời gian hồi phục cho bệnh nhân. Sau hơn 2 giờ làm việc cẩn trọng, các bác sĩ đã bóc tách và cắt thành công khối phổi biệt lập cùng một phần nhu mô phổi thùy dưới bên trái, đồng thời bảo tồn tối đa phần phổi lành còn lại – thay vì phải cắt bỏ toàn bộ thùy dưới như trong nhiều trường hợp khác.
Bác sĩ chuyên khoa II Thân Trọng Vũ – Trưởng khoa Ngoại lồng ngực, người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật – cho biết: “Đây là một ca mổ phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao do động mạch nuôi của khối phổi biệt lập có kích thước lớn. Với người bệnh lớn tuổi, thành mạch thường giòn và dễ tổn thương, tăng nguy cơ chảy máu nặng trong mổ. Nhờ sự phối hợp nhuần nhuyễn và kinh nghiệm của cả ê-kíp, chúng tôi đã hoàn thành ca mổ thành công và bảo tồn được nhu mô phổi tối đa cho bệnh nhân”.
Theo bác sĩ Thân Trọng Vũ, phổi biệt lập là dị tật bẩm sinh rất hiếm gặp, chỉ chiếm khoảng 0,1% trong tổng số các tổn thương bẩm sinh của phổi. Dị tật này thường được phát hiện ở trẻ nhỏ nhờ vào các triệu chứng hô hấp kéo dài hoặc viêm phổi tái phát. Tuy nhiên, không ít trường hợp không có biểu hiện rõ ràng và bị bỏ sót cho đến tuổi trưởng thành. Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời, phổi biệt lập có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như viêm phổi mạn tính, áp xe phổi, chảy máu phổi đe dọa tính mạng, thậm chí ung thư hóa hoặc suy tim do tăng cung lượng tim
“Trường hợp này là một minh chứng rõ ràng cho vai trò quan trọng của việc khám sức khỏe định kỳ. Việc phát hiện sớm các bất thường tiềm ẩn – kể cả dị tật bẩm sinh – là chìa khóa để ngăn chặn những biến chứng nặng nề về sau. Chúng tôi luôn khuyến cáo người dân, đặc biệt là những người trung niên trở lên, nên duy trì thói quen khám sức khỏe tổng quát định kỳ để bảo vệ sức khỏe một cách chủ động”, bác sĩ Vũ nhấn mạnh.