Gian nan dạy và học ở những ngôi trường đặc biệt (Kỳ 2)

Hoàng Dung| 19/11/2014 04:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Con đường học vấn của học sinh khiếm thính trường PTCS Xã Đàn này có thể chỉ dừng lại ở cấp THCS, dù các em có khát vọng học lên các bậc học cao hơn.

Học văn hóa là một trong những tiêu chí quan trọng giúp người khiếm thính, khiếm thị hòa nhập cộng đồng. Trong những năm qua, ở nước ta nhờ sự phát triển của điều kiện kinh tế - xã hội,  mà cơ hội học tập của người khiếm thính, khiếm thị ngày càng được mở rộng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trở lực trên con đường học vấn của họ.

Học giỏi cũng chỉ hết lớp 9

Theo thống kê, nước ta có khoảng 1,2 triệu trẻ em người khuyết tật, trong đó, trẻ khiếm thị chiếm khoảng 10 %, trẻ khiếm thính chiếm từ 13 - 14%. Tuy nhiên, chưa có số liệu thống kê chính thức nào về số trẻ khiếm thị, khiếm thính được đi học ở các cấp học khác nhau. Nhìn chung trong những năm trở lại đây, nhờ sự phát triển của điều kiện kiện kinh tế - xã hội, sự quan tâm của Nhà nước và cộng đồng làm cho hội học tập của người khiếm thính, khiếm thị ngày càng được mở rộng.

Tuy nhiên, con đường học vấn của người khiếm thính, khiếm thị còn gặp nhiều trở ngại, mà vấn đề lớn nhất chính là mâu thuẫn giữa "nhu cầu và khả năng học tập không giới hạn của người khiếm thính, khiếm thị với khả năng đáp ứng hữu hạn của cộng đồng xã hội”. Câu chuyện “chạy khắp Hà Nội”, nộp hồ sơ trong khi học rất giỏi mà không trường THPT nào dám nhận của Đào Thu Hương những năm về trước, là minh chứng rõ nét cho điều này.

Hiện nay, học sinh khiếm thị trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu đã có ba nơi nhận các em vào học tiếp THPT là Trường THPT Trần Nhân Tông và THPT Thăng Long, hoặc Trung tâm giáo dục thường xuyên quận Hoàn Kiếm. Tuy nhiên, đối với các em học sinh khiếm thính PTCS Xã Đàn, thì nỗi lo học giỏi, nhưng chỉ được học hết lớp 9, lại đang là nỗi trăn trở lớn của thầy và trò nơi đây.

Là một trong số ít những cơ sở giáo dục trên toàn quốc dạy đến hết chương trình THCS cho người khiếm thính, nhưng thầy Đinh Đoàn, Hiệu trưởng nhà trường không khỏi xót xa khi thấy, sĩ số trong mỗi giờ ra chơi của các lớp chuyên biệt luôn đông hơn bình thường. Đó là các em học sinh, sau khi học hết lớp 9 vì nhớ trường, nhớ lớp, nhớ thầy cô và chủ yếu là “rảnh rỗi, bơ vơ vì không được đi học tiếp THPT, bởi không trường nào dám nhận” nên lại trở về thăm để được sinh hoạt tại trường cũ.

Gian nan dạy và học ở những ngôi trường đặc biệt (Kỳ 2)

Con đường học vấn của em học sinh khiếm thính trường PTCS Xã Đàn này có thể chỉ dừng lại ở cấp THCS

Trên thực tế hiện nay, ngoài những thiệt thòi về thính lực và thị lực, người khiếm thính và khiếm thị còn gặp thiệt thòi trong cơ hội tiếp cận giáo dục ở các bậc học cao hơn. Trên thực tế, hệ thống trường, lớp học, chương trình học, thiết bị dạy học mới chỉ đáp ứng bước đầu nhu cầu học tập của người khiếm thính, khiếm thị ở các cấp tiểu học và THCS và thực tế là càng học lên cao, cơ hội học tập của họ lại càng thu hẹp. Tuy một số em khiếm thị, đã có thể học tới cao đẳng, đại học, thậm chí là cao học, nhưng số lượng thật sự không nhiều và chỉ chủ yếu tập trung tại các thành phố, đô thị lớn.

Đối với người khiếm thính, học hết THCS đã là một may mắn lớn. Bởi hiện tại kể cả các trường chuyên biệt và hòa nhập dành cho trẻ khiếm thính chủ yếu chỉ dừng lại ở bậc tiểu học. Số trường dạy hết chương trình THCS như trường Xã Đàn trên toàn quốc đếm được trên đầu ngón tay. Thầy Đoàn cho biết: “ Nhiều học sinh của trường, khi được hỏi, đều bày tỏ khát vọng được học ở các bậc cao hơn, nhưng trong thâm tâm các em đều tự biết rằng, lớp 9 là giới hạn cuối cùng của mình. Bởi vậy, trong tư tưởng không thể tránh khỏi chút chán nản, uể oải ở những năm cuối cấp”.

Sớm hoàn thiện hệ thống, chương trình giáo dục

Học tập là quyền và nghĩa vụ của các em ở lứa tuổi đi học. Cũng giống như những người khuyết tật khác, các em khiếm thính, khiếm thị được Nhà nước và xã hội bảo đảm bình đẳng về cơ hội tiếp cận giáo dục và tạo ra phương thức giáo dục phù hợp với hoàn cảnh và khả năng của họ. Để người khiếm thính, khiếm thị được thật sự học tập trong “môi trường không vật cản”, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị chức năng cần quan tâm, sớm hoàn thiện hệ thống, chương trình giáo dục dành cho đối tượng này.

Bên trong cuốn sách hình học lớp 6 dành cho người khiếm thính

Bên trong cuốn sách hình học lớp 6 dành cho người khiếm thị

Theo TS. Vương Hồng Tâm, Phó Giám đốc, Trung tâm nghiên cứu Giáo dục đặc biệt, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, để đáp ứng nhu cầu học tập của người khiếm thính, trong thời gian tới, cần mở thêm các bậc học từ cấp THCS tới cấp THPT tại các trường chuyên biệt. Đặc biệt là cấp THPT, bởi lẽ ở Việt Nam hiện nay chỉ có trường Đại học Đồng Nai và Cao đẳng sư phạm Trung ương có đào tạo chương trình THPT cho người khiếm thính, nhưng cũng chỉ là kết quả bước đầu trong khuôn khổ một dự án hợp tác của hai trường này với các tổ chức giáo dục quốc tế.

Bên cạnh đó cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu, biên soạn chương trình học dành cho người khiếm thính, bởi hiện nay chúng ta mới chỉ có chương trình giáo dục chuyên biệt cấp tiểu học. Các trường hòa nhập thì nhà trường tự lựa chọn chương trình giảng dạy, thường là chương trình học phổ thông (có điều chỉnh về mục tiêu, nội dung, hình thức giảng dạy để phù hợp với năng lực trẻ khiếm thính). Ngoài ra, việc biên soạn tài liệu ký hiệu ngôn ngữ dành cho người khiếm thính đưa vào sử dụng ở các cơ sở giáo dục cũng gặp nhiều khó khăn, bởi tính chất vùng miền, chưa có tiếng nói chung của loại ngôn ngữ này trong cộng đồng người khiếm thính…

Đối với người khiếm thị, do đã có bộ sách giáo khoa phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12 chuyển đổi sang chữ nổi, nên việc học văn hóa có phần dễ dàng hơn so với học sinh khiếm thính. Tuy nhiên, theo chuyên gia chuyên ngành khiếm thị, Trần Thị Thư, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, để người khiếm thị có điều kiện và cơ hội học tập tốt nhất, cần quan tâm đến đối tượng này ngay từ cấp học mầm non. Bởi hiện nay, học sinh khiếm thị (và cả học sinh khiếm thính), phần lớn khó có cơ hội trải nghiệm giáo dục hòa nhập từ cấp học mầm non.

Người khiếm thị có thể an tâm học tập vì đã có bộ sách giáo khoa phổ thông chuyển đổi sang chữ nổi từ lớp 1 đến lớp 12

Người khiếm thị có thể an tâm học tập, vì đã có bộ sách giáo khoa phổ thông chuyển đổi sang chữ nổi từ lớp 1 đến lớp 12

Đây là sự thiệt thòi lớn, bởi việc can thiệp sớm trước tuổi đi học sẽ giúp các em sớm hình thành các kỹ năng học tập và tự phục vụ mình trong môi trường hòa nhập. Khi kỹ năng được hình thành từ nhỏ, các em sẽ bớt khó khăn và rút ngắn được quá trình học tại các lớp dự bị, từ đó, các em được đến trường đúng với độ tuổi của mình hơn.

Ngoài ra cần nâng cao nhận thức về vấn đề giáo dục hoà nhập, làm chuyển biến một cách cơ bản nhận thức của xã hội, giáo viên và bản thân người khiếm thị về giáo dục hòa nhập. Tăng cường hỗ trợ trang thiết bị, tài liệu đồ dùng học tập cho học sinh khiếm thị, coi trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin và các phương tiện công nghệ hiện đại, giúp người khiếm thị nâng cao kiến thức thông qua con đường tự học…

Người khiếm thính và khiếm thị có khát vọng và khả năng học tập không thua kém người bình thường. Điều quan trọng là cộng đồng xã hội cần giúp họ nhận ra và phát huy điều này bằng một hệ thống giáo dục với những cơ chế thích hợp và đặc thù. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gian nan dạy và học ở những ngôi trường đặc biệt (Kỳ 2)