Xã hội

Người phụ nữ khiếm thị giàu nghị lực sống

Trần Tú- Thanh Thủy 05/07/2023 - 07:23

Chưa một lần nhìn thấy ánh sáng cuộc đời bởi căn bệnh khiếm thị bẩm sinh do di chứng chất độc da cam từ người bố, chị Nguyễn Thị Huệ (Nghệ An) chưa bao giờ đầu hàng trước số phận. Bằng nghị lực phi thường, chị đã nỗ lực vươn lên, trở thành tấm gương để những người khuyết tật noi theo.

Những năm tháng chiến tranh, bố của chị Nguyễn Thị Huệ ( 1976) ở khối Tân Hùng, phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai ( Nghệ An) là ông Nguyễn Duy Thước đã cống hiến cả tuổi trẻ ở chiến trường miền Nam. Cũng chính vì vậy, trong 05 người con của ông thì chị Huệ và cậu em trai út đã bị ảnh hưởng chất độc màu da cam khiến đôi mắt gần như bị mù bẩm sinh.

Dù khao khát được đến trường như bao bạn bè đồng trang lứa, nhưng cô bé Huệ ngày nào đành phải nuốt nước mắt gác lại ước mơ cắp sách đến trường.

ngh-luc-1.jpg
Là một người khuyết tật nhưng chị Nguyễn Thị Huệ ( ảnh trái)  chưa bao giờ đầu hàng trước số phận

Theo thời gian, nhờ sự giúp đỡ của bố mẹ, người thân, dần dần chị Huệ đã thích nghi được cuộc sống trong bóng tối, có thể tự sinh hoạt động theo sự phản xạ của bản thân, tự chủ được mọi sinh hoạt cho cá nhân.

Đến tuổi trưởng thành, chị tham gia lớp học xóa mù chữ do địa phương tổ chức. Tại đây chị đã gặp và kết hôn với anh Nguyễn Sỹ Bích . Anh chị có với nhau 03 người con, 2 gái, 1 trai. Nhưng niềm hạnh phúc ngắn ngủi khi năm 2016, chồng chị bị tai nạn giao thông qua đời, lúc đó đứa con út chỉ chưa đầy 2 tuổi.

Cuộc sống vốn đã khó khăn lại càng thêm khó khăn chồng chất, nhưng với vai trò là người mẹ - người trụ cột chính trong gia đình, chị đã mạnh mẽ đứng dậy làm điểm tựa cho các con, nuôi dưỡng các con chu đáo, không để các con nghỉ học giữa chừng.

Tận dụng mảnh vườn nhỏ trong nhà, chị trồng trọt, nấu rượu, chăn nuôi lợn, mở thêm quán tạp hóa nhỏ trước nhà. Thương chị hiền lành, vất vả, hàng xóm láng giềng và Chính quyền địa phương cũng tạo nhiều điều kiện giúp đỡ.

Năm 2018, khi em trai chị mở cơ sở xoa bóp, tẩm quất, chị đã học nghề và làm cùng em. Với kiến thức đã học, lại chăm chỉ, chịu khó vừa làm vừa học hỏi thêm kinh nghiệm từ bạn bè, đồng nghiệp, tay nghề của chị ngày càng được nâng lên ngày càng có đông khách hàng.

Không phụ lại sự vất vả và kì vọng của mẹ, các con của chị Huệ đều ngoan ngoãn, chăm chỉ học tập. Cô con gái đầu Nguyễn Thị Hải Yến ( 1998) hiện đã tốt nghiệp Đại học Kinh tế kĩ thuật công nghiệp Hà Nội chuyên ngành công nghệ may và được nhận về làm tại Công ty may Vinatex Hoàng Mai.

nghi-luc-2.jpg
Chị Nguyễn Thị Huệ được Hội LHPN tỉnh Nghệ An biểu dương phụ nữ khuyết tật vượt khó vươn lên năm 2023

Con trai thứ hai của chị là Nguyễn Sỹ Tiến ( 2003) hiện đã học hết năm thứ 2 Đại học Công nghiệp Hà Nội. Ngoài sự hỗ trợ của mẹ và chị gái, Tiến cũng chịu khó đi làm thêm để trang trải chi phí học tập.

Con gái út đang học tại trường Tiểu học Quỳnh Thiện B. Nhờ sự nỗ lực của bản thân và sự giúp đỡ của người thân, chị đã xây dựng được ngôi nhà khang trang, mua sắm được đầy đủ tiện nghi trong gia đình. Năm 2022 gia đình được chính quyền địa phương xét cho thoát nghèo.

Đối với một người bình thường thì những thành quả này có thể không lớn, nhưng với những người khiếm thị như chị Huệ thì đó là cả một kỳ tích.

Còn gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt nhưng chị Huệ được chị em Phụ nữ động viên đã tham gia vào Chi hội Phụ nữ của khối. Bản thân chị chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định địa phương, gia đình sống hòa thuận, gần gũi với cộng đồng dân cư nơi sinh sống, được mọi người tin yêu giúp đỡ.

Mặc dù được chị em trong chi hộ miễn đóng hội phí nhưng chị Huệ vẫn thường xuyên đóng hội phí đầy đủ để thể hiện được quyền lợi và trách nhiệm khi tham gia vào Hội, tham gia sinh hoạt Chi hội theo định kỳ do Chi hội tổ chức.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân, chị Nguyễn Thị Huệ đã được Hội LHPN tỉnh Nghệ An biểu dương phụ nữ khuyết tật vượt khó vươn lên năm 2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người phụ nữ khiếm thị giàu nghị lực sống