Chiều 21/7, tại buổi họp báo định kỳ quý II năm 2023 do UBND TP Cần Thơ tổ chức, đại diện Sở Y tế TP Cần Thơ đã có một số thông tin liên quan đến vụ nghi vấn bác sĩ đặt thủy tinh thể không rõ nguồn gốc tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) TP Cần Thơ.
Như Báo Công lý đã thông tin, từ tháng 3/2022 đến tháng 5/2022, bác sĩ Nguyễn Phước Thiện – Trưởng khoa Mắt và bác sĩ Nguyễn Minh Nhựt – Phó trưởng khoa Mắt, BVĐK TP Cần Thơ đã thực hiện nhiều ca phẫu thuật đặt thủy tinh thể nhân tạo cho người bệnh.
Theo phản ánh và đơn tố cáo gửi đến các cơ quan có thẩm quyền của người tố cáo, thì thủy tinh thể nhân tạo sử dụng cho các bệnh nhân không rõ nguồn gốc, không có tem nhãn thông tin sản phẩm trong phẫu thuật cho bệnh nhân.
Cụ thể, trong thời gian từ tháng 3/2022 đến tháng 5/2022, đã có 17 bệnh nhân sử dụng bảo hiểm y tế đến BVĐK TP Cần Thơ để thực hiện phẫu thuật đặt thủy tinh thể nhân tạo; 17 thủy tinh thể nhân tạo sử dụng để đặt cho bệnh nhân lại không phải là thủy tinh thể nhân tạo xuất phát từ kho vật tư của bệnh viện; thủy tinh thể nhân tạo không có tem, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
17 bệnh nhân phẫu thuật đặt thủy tinh thể đều có sử dụng thẻ bảo hiểm y tế. Thế nhưng hồ sơ thanh toán viện phí lại không thể hiện việc thanh toán chi phí vật tư y tế là thủy tinh thể nhân tạo và cũng không có cam kết sử dụng vật tư y tế tự túc của người bệnh.
Trong văn bản trả lời câu hỏi của PV Báo Công lý gửi tới buổi họp báo, Sở Y tế TP Cần Thơ cho biết, thủy tinh thể nhân tạo mà bác sĩ khoa Mắt BVĐK TP Cần Thơ đã phẫu thuật đặt cho bệnh nhân là loại Isopure 123, có nguồn gốc. Tem nhãn thông tin sản phẩm thủy tinh thể được lưu trữ tại khoa Mắt và có dán vào Sổ phẫu thuật của khoa Mắt.
Tuy nhiên, việc thực hiện dán tem nhãn đối với thủy tinh thể mua tự túc là chưa chặt chẽ như thủy tinh thể sử dụng cho người bệnh bảo hiểm y tế tại bệnh viện. 17 thủy tinh thể nhân tạo sử dụng cho 17 bệnh nhân không do khoa Dược của BVĐK TP Cần Thơ cung cấp mà do người bệnh mua tự túc theo yêu cầu của người bệnh và được sự giới thiệu, tư vấn của bác sĩ điều trị và theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Tại sao trên thị trường hiện nay có hơn 200 sản phẩm thủy tinh thể nhân tạo với 18 loại nhưng 17 bệnh nhân này lại cùng thay 1 loại thủy tinh thể nhân tạo Isopure 123? Sản phẩm thủy tinh thể nhân tạo Isopure 123 dùng thay cho 17 bệnh nhân được hội đồng khoa học công nghệ hay hội đồng chuyên môn nào của BVĐK TP Cần Thơ thông qua chưa? Tại sao không dán tem, nhãn thủy tinh thể nhân tạo tại hồ sơ bệnh án mà lại lưu trữ tại khoa Mắt, dán vào Sổ phẫu thuật của khoa Mắt?
Hai bác sĩ tiến hành phẫu thuật đã tư vấn như nào? Có sự trùng hợp ngẫu nhiên hay có “sự sắp đặt” nào mà cả hai bác sĩ cùng tư vấn cho bệnh nhân 1 loại thủy tinh thể?
Trong văn bản trả lời, Sở Y tế TP Cần Thơ cũng cho biết, trong quá trình xác minh có lấy ngẫu nhiên một số hồ sơ bệnh án trước và sau mốc thời gian xác minh để đối chiếu, so sánh các quy định về làm hồ sơ bệnh án của khoa Mắt. Tuy nhiên, lại không thấy Sở Y tế TP Cần Thơ thông tin kết quả kiểm tra ngẫu nhiên này.
Về nội dung điều dưỡng của khoa Mắt phản ánh lãnh đạo khoa Mắt phân công nhân viên thu tiền thủy tinh thể nhân tạo của người bệnh, Sở Y tế TP Cần Thơ cho hay, có nhận được thông tin trong quá trình xác minh trả lời giải quyết khiếu nại và sẽ tiếp tục theo dõi kiểm tra thông tin này.
Thanh tra Sở Y tế có vào cuộc làm rõ có hay không việc nhờ bác sĩ nhờ điều dưỡng thu tiền? Bởi lẽ việc thu tiền hộ nói trên đã có văn bản của điều dưỡng, có sao kê tài khoản ngân hàng và đặc biệt nó xảy ra trong thời gian phản ánh? Tại sao không làm rõ mà chỉ là tiếp tục theo dõi kiểm tra thông tin?
Xoay quanh các vấn đề trên, chiều 21/7, trả lời câu hỏi của báo chí tại buổi họp báo, bà Nguyễn Ngọc Việt Nga - Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ cho biết, khoa Mắt BVĐK TP Cần Thơ có nhiều vấn đề liên quan nhiều đơn khiếu nại, phải giải quyết theo trình tự thủ tục, đến nay đang thanh tra mà chưa xong. Thanh tra phải giải quyết từng vấn đề theo từng đơn khiếu nại.
Hiện nay đã có quyết định giải quyết khiếu nại việc hai bác sỹ phẫu thuật mắt cho bệnh nhân sử dụng thủy tinh thể nhân tạo không có tem nhãn, nguồn gốc xuất xứ lưu trong hồ sơ bệnh án, như thế là vi phạm quy chế lập hồ sơ bệnh án, không tuân thủ quy định của bệnh viện và của ngành y tế.
Thanh tra đã liên hệ bệnh nhân và được cung cấp tem nhãn sản phẩm mà các bệnh nhân đang giữ, đây là sản phẩm Bộ Y tế cho phép lưu hành và có một bệnh viện đã đấu thầu sử dụng. Quyết định giải quyết khiếu nại này đã đăng công khai trên cổng thông tin của Sở Y tế.
Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề ở khoa Mắt chưa làm rõ được bởi Thanh tra Sở Y tế chỉ có 4 người mà nhiều việc. Hiện nay, Thanh tra Sở Y tế vẫn tiếp tục làm, khi nào có kết luận những vấn đề còn lại ở khoa Mắt sẽ công khai với các cơ quan báo chí.
Dư luận đang rất quan tâm đến sự việc và mong muốn Sở Y tế TP Cần Thơ làm rõ các vấn đề: có hay không việc tiêu cực, tư vấn, giới thiệu bệnh nhân sử dụng thủy tinh thể nhân tạo; làm rõ sự việc nhờ điều dưỡng thu hộ tiền; thông tin hai bác sĩ phẫu thuật cung cấp trong các lần làm việc với tổ xác minh của BVĐK TP Cần Thơ và Thanh tra Sở Y tế TP Cần Thơ có trung thực, trùng khớp không?
Báo Công lý tiếp tục thông tin vụ việc.