Ngày 20/5, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức lễ tiếp nhận hai chiếc áo dài thuộc về bà Từ Cung – thân mẫu của vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn.
Hai chiếc áo dài được trao tặng lần này đều mang dấu ấn lịch sử sâu đậm. Chiếc thứ nhất là áo dài lụa màu đỏ, tay chít, được trang trí bằng hoa văn tinh xảo, hiện vẫn còn giữ được tình trạng khá tốt. Chiếc còn lại là áo dài lụa dệt kim tuyến, tuy đã bị mất cúc áo và phần vải có dấu hiệu bị mục, nhưng vẫn thể hiện được nét thanh lịch, sang trọng đặc trưng của trang phục hoàng tộc xưa.
Người trao tặng hiện vật là ông Phạm Xuân Cương (SN 1967, cư trú tại TP. Hồ Chí Minh), theo ủy quyền chính thức của bà Công Tôn Nữ Kim Chi (SN 1951, hiện đang sinh sống tại Hoa Kỳ).
Bà Kim Chi là hậu duệ của hoàng tộc Nguyễn – con gái của ông Ưng Lê, cháu nội của An Phước Quận Vương Hồng Kiện, hoàng tử thứ mười của vua Thiệu Trị.
Theo lời kể của bà Kim Chi trong giấy ủy quyền, vào những năm 1960, bà Từ Cung đã trao hai chiếc áo dài này cho một người phụ nữ Việt gốc Pháp, người chị nuôi của bà để làm kỷ niệm.
Năm 1963, người chị nuôi này trở về Pháp và mang theo hai chiếc áo. Đến năm 1995, bà đã trao lại hai chiếc áo cho bà Kim Chi.
Sau nhiều thập kỷ gìn giữ, với tình cảm sâu nặng dành cho quê hương và lòng tri ân đối với di sản tổ tiên, bà Kim Chi đã quyết định trao tặng hai hiện vật quý báu này cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
Tại buổi lễ tiếp nhận, ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã gửi lời tri ân sâu sắc đến bà Công Tôn Nữ Kim Chi vì nghĩa cử cao đẹp, đồng thời bày tỏ lòng cảm ơn chân thành đến ông Phạm Xuân Cương vì đã thay mặt chuyển giao hiện vật một cách an toàn, trang trọng.
Ngay sau buổi lễ, hai chiếc áo dài đã được trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, mở cửa phục vụ khách tham quan và người dân. Giúp công chúng có cơ hội chiêm ngưỡng những hiện vật quý hiếm mà còn góp phần lan tỏa giá trị văn hóa, nghệ thuật của triều Nguyễn đến các thế hệ hôm nay và mai sau.
Phát biểu tại sự kiện, ông Hoàng Việt Trung nhấn mạnh, thời gian qua, sự quan tâm của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã góp phần không nhỏ vào việc hồi hương các hiện vật, cổ vật quý giá của triều Nguyễn. Mỗi hiện vật trở về không chỉ là một di sản, mà còn là một phần ký ức, một mạch nguồn văn hóa cần được bảo tồn và phát huy.