Tòa tuyên án

Vụ kiện đòi ngân hàng bồi thường hơn 2,2 tỷ đồng: TAND cấp cao giữ nguyên quyết định sơ thẩm

Trần Sỹ 12/06/2024 - 12:34

TAND cấp cao tại Đà Nẵng vừa ra Quyết định số 188/2024/QĐ-PT giải quyết việc kháng cáo của nguyên đơn là ông Đoàn Văn Phúc và bà Lê Thị Lập; bị đơn là Ngân hàng BIDV và chi nhánh của ngân hàng này tại Gia Lai, đồng thời ra phán quyết giữ nguyên quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của TAND tỉnh Gia Lai.

Theo Quyết định số 02/2024/QĐST-DS ngày 7/3/2024 của TAND tỉnh Gia Lai, vụ án “Tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa nguyên đơn là ông Đoàn Văn Phúc và bà Lê Thị Lập cùng trú tại TP. Pleiku, Gia Lai. Bị đơn là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và chi nhánh của ngân hàng này tại Gia Lai.

Liên quan đến vụ án, TAND tỉnh Gia Lai xác định Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) TP. Pleiku và Cục THADS tỉnh Gia Lai là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Theo quyết định, bà Huỳnh Thị Bạch Tuyết với Ngân hàng BIDV thông qua Phòng giao dịch trung tâm Chi nhánh BIDV Gia Lai ký kết hợp đồng tín dụng số xx/2010/HĐ, bà Tuyết vay Ngân hàng với số tiền 160 triệu đồng. Khi vay, bà Tuyết cùng chồng là ông Lê Công Giàu có thế chấp tài sản cho Ngân hàng theo Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất số 01/2008/HĐ, gồm:

Lô đất tại Làng Do, xã Chư Á, TP. Pleiku có Giấy CNQSDĐ số AD 207186 do UBND TP. Pleiku cấp ngày 07/03/2006. Lô đất tại Làng Gòn, xã Chư Á có Giấy CNQSDĐ số AD 207185 do UBND TP. Pleiku cấp ngày 07/03/2006.

phuc-lap..jpg
Vợ chồng ông Phúc, bà Lập tại phiên tòa sơ thẩm.

Sau đó, bà Tuyết không trả được nợ gốc và lãi theo hợp đồng tín dụng, nên Ngân hàng đã khởi kiện vợ chồng bà Tuyết ông Giàu đến TAND TP. Pleiku.

Tại Bản án kinh doanh thương mại số 21/2013/KDTMST ngày 6/9/2013 của TAND TP. Pleiku “Về việc tranh chấp hợp đồng tín dụng”, tuyên xử: Bà Huỳnh Thị Bạch Tuyết phải thanh toán cho Ngân hàng BIDV khoản nợ phát sinh tại hợp đồng tín dụng số 01/2010/HĐ, với tổng số tiền hơn 264 triệu đồng (gồm nợ gốc là 160 triệu đồng, nợ lãi trong hạn gần 80 triệu đồng, nợ lãi quá hạn hơn 25 triệu đồng).

Ngoài ra, bà Tuyết cũng nợ tiền hụi của ông Phúc và bà Lập số tiền 440 triệu đồng và không thế chấp tài sản. Nhận thấy, bà Tuyết không trả nợ cho mình nên vợ chồng ông Phúc, bà Lập đã khởi kiện đến TAND thị xã Ayun Pa.

Tại Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 19/2014/QĐST-DS ngày 10/10/2014 của TAND thị xã Ayun Pa, thì bà Tuyết phải trả nợ cho ông Phúc bà Lập tiền hụi là 440 triệu đồng. Thời hạn trả nợ: mỗi tháng 10 triệu đồng, trả vào ngày 03 hàng tháng, bắt đầu vào ngày 03/12/2014 cho đến khi trả xong 440 triệu đồng. Chậm nhất đến ngày 03/12/2017 phải trả xong.

Sau khi Bản án kinh doanh thương mại số 21/2013/KDTMST ngày 6/9/2013 của TAND TP. Pleiku tuyên xử, bà Tuyết, ông Giàu không kháng cáo nên bản án có hiệu lực pháp luật.

Ngân hàng BIDV đã làm đơn yêu cầu THA vào ngày 05/11/2013. Sau đó, Chi cục THADS TP. Pleiku đã ban hành Quyết định 106/QĐ-CCTHA ngày 29/7/2014 về cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản đối với bà Huỳnh Thị Bạch Tuyết, ông Lê Công Giàu trước khi TAND thị xã Ayun Pa ban hành quyết định công nhận sự thỏa thuận của ông Phúc, bà Lập và ông Giàu, bà Tuyết (ngày 10/10/2014).

Trong quá trình bán đấu giá tài sản, đối với thửa đất tại Làng Do, xã Chư Á, được cơ quan THADS TP. Pleiku bán đấu giá thành công cho bà Nguyễn Thị Kim Chi (trú tại phường Ia Kring, TP. Pleiku).

Riêng đối với lô đất tại Làng Gòn, xã Chư Á, ông Phúc, bà Lập được cơ quan THADS thông báo nộp tiền để nhận tài sản. Ông Phúc, bà Lập đã nộp tiền vào cơ quan THA và được Cục THADS tỉnh Gia Lai giao tài sản theo Quyết định số 32/QĐ-CTHADS ngày 25/6/2018.

Ông Phúc, bà Lập cho rằng: mình là người có công tìm ra vị trí hai thửa đất do Ngân hàng BIDV cho vay nên đề nghị Ngân hàng thỏa thuận cho nhận 02 tài sản là Quyền sử dụng đất nêu trên. Tuy nhiên, Ngân hàng không đồng ý thỏa thuận và tự bán đấu giá để hưởng lợi trái pháp luật gây thiệt hại cho vợ chồng ông, bà.

Vì vậy, ông Đoàn Văn Phúc, bà Lê Thị Lập làm đơn khởi kiện ra Tòa án, yêu cầu Tòa án buộc Ngân hàng BIDV phải bồi thường thiệt hại với số tiền hơn 2,2 tỷ đồng.

ng.hang.jpg
Đại diện cho phía Ngân hàng BIDV tại phiên tòa sơ thẩm.

Tại phiên tòa ngày 7/3/2024, đại diện VKSND tỉnh Gia Lai cho rằng, ông Phúc, bà Lập không có quyền khởi kiện vụ án được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 192 BLTTDS. Vì vậy, đề nghị HĐXX căn cứ vào các điều khoản này để đình chỉ giải quyết vụ án.

Căn cứ vào các Điều 217, 218, 219, 235 và khoản 2 Điều 273 của BLTTDS, HĐXX TAND tỉnh Gia Lai xét thấy: Ngân hàng BIDV và chi nhánh ngân hàng này tại Gia Lai không có quyền thỏa thuận THA với ông Phúc, bà Lập. Bởi vì, chủ sở hữu tài sản đứng tên trong tất cả giấy CNQSDĐ đều mang tên bà Tuyết và ông Giàu. Do đó, việc thỏa thuận THA chỉ thực hiện được trên cơ sở thỏa thuận bằng văn bản giữa Ngân hàng với bà Tuyết, ông Giàu và ông bà Phúc, Lập.

Trên thực tế, tài sản bà Tuyết, ông Giàu thế chấp ở Ngân hàng và Chi cục THADS TP. Pleiku đã ra Quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu số 302/QĐ-CCTHA ngày 18/11/2013 và Quyết định 106/QĐ-CCTHA ngày 29/7/2014 về cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản, trước khi TAND thị xã Ayun Pa thụ lý giải quyết vụ án dân sự giữa ông Phúc, bà Lập với bà Tuyết vào ngày 09/9/2014 và ban hành Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 19/2014/QĐST-DS ngày 10/10/2014 là sau đó 02 tháng 11 ngày.

Cùng với đó, theo quy định tại khoản 3 Điều 47 Luật THADS, khi Ngân hàng cho bà Huỳnh Thị Bạch Tuyết vay tiền có nhận thế chấp tài sản của bà Tuyết, ông Giàu nên Ngân hàng sẽ là người được ưu tiên thi hành án.

Chi cục THADS TP. Pleiku là cơ quan đứng ra tổ chức bán đấu giá thành công tài sản đã bị kê biên, cưỡng chế thi hành án của bà Tuyết và ông Giàu, cũng là cơ quan tổ chức giao tài sản cho người trúng đấu giá tài sản là bà Nguyễn Thị Kim Chi.

Cục THADS tỉnh Gia Lai là cơ quan cho ông Phúc, bà Lập nộp tiền. Trên cơ sở ông Phúc, bà Lập nộp tiền cho Cục THADSD tỉnh Gia Lai, đơn vị này đã ban hành Quyết định số 32/QĐ-CTHADS ngày 25/6/2018, giao tài sản của bà Tuyết, ông Giàu cho ông Phúc và bà Lập.

Ngân hàng BIDV không có quyền thỏa thuận thi hành án với ông Phúc, bà Lập vì chủ sở hữu các tài sản là của bà Tuyết, ông Giàu. Do đó, các thiệt hại của ông Phúc, bà Lập (nếu có) thì cũng không phải do Ngân hàng gây ra, nên ông Phúc, bà Lập không có quyền khởi kiện yêu cầu Ngân hàng phải bồi thường thiệt hại.

Từ các nhận định trên, HĐXX TAND tỉnh Gia Lai căn cứ vào điểm g khoản 1 Điều 217; điểm a khoản 1 Điều 192 BLTTDS Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự thụ lý số 18/2023/TLST-DS về việc “Tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa nguyên đơn là ông Phúc, bà Lập và bị đơn là Ngân hàng BIDV và chi nhánh của ngân hàng này tại Gia Lai.

Sau khi TAND tỉnh Gia Lai ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, ông Phúc và bà Lập đã có đơn kháng cáo về việc không chấp nhận quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm, đề nghị TAND cấp cao tại Đà Nẵng xem xét, xét xử lại công minh, vô tư, khách quan giải quyết trả lại quyền và lợi ích công bằng và hợp pháp cho nguyên đơn.

Tại Quyết định số 188/2024/QĐ-PT ngày 30/5/2024 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng, giải quyết việc kháng cáo đối với quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của TAND tỉnh Gia Lai; Hội đồng phúc thẩm TAND cấp cao tại Đà Nẵng căn cứ vào Điều 314 của BLTTDS, giữ nguyên Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự sơ thẩm số 02/2024/QĐST-DS của TAND tỉnh Gia Lai; đồng thời nói rõ, quyết định này có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định (30/5/2024).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ kiện đòi ngân hàng bồi thường hơn 2,2 tỷ đồng: TAND cấp cao giữ nguyên quyết định sơ thẩm