Vụ án “Buôn lậu” được TAND Tp. Đà Nẵng đưa ra xét xử sơ thẩm vào ngày 30 và 31/10 xuất phát từ việc Chi cục Hải quan Cảng Đà Nẵng tạm giữ lô hàng gỗ trắc của Công ty TNHH Ngọc Hưng (Quảng Trị) đầu năm 2012.
Báo Công lý đã có nhiều bài viết phản ánh những mâu thuẫn trong quá trình tạm giữ, khám xét, giám định và xử lý lô hàng này. Những vấn đề Báo Công lý đã nêu ra hầu như trùng hợp với những căn cứ mà HĐXX đưa ra để hoãn phiên tòa, trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Chưa làm rõ nguồn gốc lô hàng
Căn cứ quan trọng đầu tiên mà HĐXX đưa ra để trả hồ sơ điều tra bổ sung là CQĐT chưa làm rõ nguồn gốc lô hàng gỗ trắc. Đây là vụ án do Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan khởi tố. Sau 2 tháng xác minh, C46 Bộ Công an đã xác định không đủ căn cứ và không xử lý về hình sự nhưng ngay sau đó, C44 đã khởi tố điều tra và đề nghị truy tố 5 bị can ra trước Tòa.
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm.
Theo cáo trạng, Trương Huy Liệu, Phó Giám đốc Công ty Ngọc Hưng đã chỉ đạo các nhân viên Công ty Ngọc Hưng lập hồ sơ, chứng từ giả sau đó sử dụng bộ hồ sơ này để buôn lậu 614,672m3 gỗ không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trị giá 63,619 tỷ đồng nên đã phạm tội “Buôn lậu”. Trần Thị Dung là Giám đốc Công ty Ngọc Hưng đã có hành vi ký các hồ sơ, giấy tờ giả mạo để làm thủ tục nhập, sau đó xuất đi nên đã phạm tội “Buôn lậu” với vai trò đồng phạm với Trương Huy Liệu.
Tại phiên tòa, bị cáo Liệu bác bỏ hoàn toàn nội dung mà cáo trạng nêu và đưa ra chứng cứ để chứng minh rằng lô hàng này được nhập khẩu hợp pháp, đã mở tờ khai hải quan, đã nộp thuế VAT theo quy định pháp luật hiện hành. Bị cáo nhấn mạnh đây là lô hàng có nguồn gốc từ Lào, được phép nhập, xuất khẩu và không chịu thuế xuất nhập khẩu nên không phải là buôn lậu. Bên cạnh đó, bị cáo Dung, những người có liên quan đến việc nhập, xuất khẩu lô hàng này cũng có lời khai phù hợp với bị cáo Liệu.
Cùng vấn đề này, bị cáo Đỗ Danh Thắng (thời điểm thu giữ lô hàng là Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cảng Đà Nẵng bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng) khai và khẳng định trước HĐXX rằng qua kiểm tra thấy lô hàng không vi phạm nên cho thông quan. Việc bị cáo phải ban hành quyết định tạm giữ lô hàng và gia hạn tạm giữ… hoàn toàn do bị lãnh đạo Tổng cục Hải quan “ép”. Bị cáo đã chủ động báo cáo nhiều lần nhưng bị “bắt tôi im” nên đành phải vượt cấp mà báo cáo lên cấp cao hơn. Những chứng cứ này, bị cáo trình bày trước Tòa rằng CQĐT không “đả động gì” và theo yêu cầu của HĐXX, bị cáo đã xuất trình ngay tại phiên tòa.
Về vấn đề hồ sơ giả mạo, chữ ký và con dấu, bị cáo Liệu khẳng định đã ký hợp đồng với Nhà máy chế biến gỗ Lào. Theo hợp đồng, phía đối tác Lào phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của lô hàng và giao hàng tại cửa khẩu theo phương thức DAF, cho nên nếu có việc giả mạo thì thuộc trách nhiệm về phía đối tác bên Lào.
Tại phiên tòa, đại diện Cục Hải quan Quảng Trị đã xác nhận lại một lần nữa nội dung Công văn số 1248/HQQT-NV đã gửi cho TAND Tp. Đà Nẵng thể hiện rất rõ tính pháp lý bộ hồ sơ hải quan của lô hàng gỗ trắc nhập khẩu theo tờ khai nhập khẩu số 1505/NK/KD/B033…Hành vi xuất nhập khẩu lô gỗ trắc theo tờ khai không phải là hành vi buôn lậu. Lô hàng không thuộc mặt hàng cấm nhập khẩu và nhập khẩu có điều kiện nên không xâm phạm trật tự quản lý nhà nước.
Bán vật chứng vụ án để “phi tang” và những khoản chi trùng lặp tiền tỷ?
Đầu năm 2014, khi vụ án đang xử lý theo trình tự tố tụng thì CQĐT bán lô hàng gỗ này được hơn 63 tỷ đồng và việc này đã khiến cho dư luận và công luận đặt nghi vấn. Tại phiên toà, khi được hỏi cơ quan nào có quyền bán lô hàng này, đại diện phía hải quan trả lời thẩm quyền của Tòa. Hơn nữa, vật chứng là gỗ, loại tài sản không bị hỏng nên theo quy định thì không thể “bán vội” như vậy.
Trước đó, khi ban hành kết luận điều tra, CQĐT đã có đề nghị chuyển lô gỗ này cho nước bạn Lào trên tinh thần tương trợ, nhưng ngược lại, chính CQĐT lại bán lô hàng khi vụ án chưa được xử lý bằng phán quyết có hiệu lực pháp luật. Tai Tòa, bị cáo Liệu cho rằng lô hàng này hiện trên thị trường rất hiếm nên giá trị thực tế cao hơn rất nhiều với giá mà CQĐT đã bán.
Đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan
Cũng tại phiên tòa, HĐXX thẩm vấn các đại diện của cơ quan Hải quan về các khoản tiền bị nghi là chi trùng lắp … Theo hồ sơ, khoản tiền 2,026 tỷ đồng được chi cho việc thuê kho bãi, giám định… và đã được quyết toán năm 2012. Nhưng khi CQĐT bán lô hàng thì lại xuất hiện chứng từ của phía Hải quan Đà Nẵng đề nghị chi trả khoản này. Điều này liên quan đến nghi vấn về việc thanh toán 2 lần nên HĐXX yêu cầu giải thích rõ và đại diện Hải quan Đà Nẵng trả lời rằng nếu vậy thì phải trả lại ngân sách(!?).
Về khoản chi gần 1 tỷ đồng để đi điều tra, xác minh lô hàng, kể cả chi cho đoàn công tác sang Lào xác minh, giả thuyết được đặt ra tại Tòa rằng nếu bị cáo không phạm tội buôn lậu thì khoản này sẽ hạch toán thế nào? Đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu trả lời rằng sẽ đưa vào hạch toán chi phí nghiệp vụ. Nhiều người dự phiên tòa nghi ngại rằng nếu không có vụ buôn lậu tức việc phát sinh chi phí xác minh đó là không có căn cứ thì không thể dùng ngân sách nhà nước để trang trải, và nếu sai thì phải bỏ tiền túi ra để trả khoản tiền này.
Hậu quả nghiêm trọng: mới chỉ là giả định
Tại phiên tòa, HĐXX cũng thẩm vấn để làm rõ vấn đề hậu quả đã xảy ra chưa? Thực tế lô hàng chưa xuất đi và đã được bán, thu tiền gửi vào tài khoản tạm giữ. Khoản tiền 2,06 tỷ đồng chi phí giám định, thuê kho bãi được chi từ nguồn chi nghiệp vụ do Tổng cục Hải quan trực tiếp chỉ đạo mà theo bị cáo Thắng thì lãnh đạo Tổng cục này cho rằng “không thiếu tiền”. Cho nên trên thực tế, hậu quả chưa xảy ra. Đại diện phía Cục Điều tra chống buôn lậu thì cho rằng, nếu không ngăn chặn thì sẽ xảy ra hậu quả nghiêm trọng là hoàn toàn suy diễn.
Do yếu sức khỏe nên bị cáo Thắng được cho phép ngồi, bị cáo Thắng đã rất bức xúc vì cho rằng bị lãnh đạo Tổng cục Hải quan “ép”.
Bị cáo Thắng chứng minh với cương vị của mình, bị cáo đã làm đúng trách nhiệm, đã chấp hành chỉ đạo của cấp trên, phân công cán bộ, chỉ đạo và giám sát kiểm tra lô hàng chứ không thiếu trách nhiệm. Tại Tòa, bị cáo Thắng rất bức xúc trước việc mình bị lãnh đạo Tổng cục Hải quan “ép”.
Bị cáo Nhi và bị cáo Thành khẳng định mình đã làm đầy đủ thủ tục kiểm hóa 5% lô hàng theo quy định ngành Hải quan. Các bị cáo bác bỏ quy kết rằng họ không thực hiện kiểm hóa tại khu vực trụ sở và sẵn sàng đối chất để làm rõ nhưng không thấy CQ ĐT tiến hành.
Những diễn biến tại phiên tòa thể hiện hậu quả chưa xảy ra, các bị cáo đã làm đúng trách nhiệm… là những tồn tại của vụ án.
Giám định “ảo” hay “gỗ đẻ”?
Vấn đề giám định bị nghi là “ảo” đã từng được Báo Công lý nêu khi cùng một đơn vị giám định, cùng lô hàng nhưng lại cho ra hai kết quả khác nhau, chênh lệch quả lớn.
Lô hàng gỗ trắc của Công ty Ngọc Hưng nhập khẩu và xuất khẩu đều khai đúng số lượng là 535,8m3 gỗ trắc và đã nộp thuế VAT hơn 3,2 tỷ đồng. Giám định lần 1 cho kết quả số lượng gỗ là 453,103m3; giám định lần 2 thì số lượng lô gỗ là 614,672m3. Đến đây, câu chuyện “gỗ đẻ” được dư luận đàm tiếu râm ran bởi lô gỗ dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước nhưng đã “đẻ” thêm hơn 150 m3(!?). Như vậy, kết quả giám định đã thể hiện thiếu khách quan, không sát đúng với thực tế lô hàng. Theo quy định, nếu trong trường hợp thực sự có sự khác biệt về số lượng của toàn bộ lô hàng hay khác biệt về số lượng của các chủng loại gỗ giữa tờ khai hải quan với kết quả giám định thì cũng chỉ là hành vi khai sai số lượng, chủng loại… Nhưng theo quy định của Hải quan, kể cả doanh nghiệp có khai sai thì vẫn được khai lại vì hàng hóa không thuộc danh mục cấm.
HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung, làm rõ đâu là kết quả thực tế. Tuy nhiên việc này xem ra quá khó vì thực tế lô hàng đã bị bán, và dư luận cho rằng nó đã được xuất đi mất rồi thì lấy gì mà giám định?
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc khi có những phán quyết tiếp theo của cơ quan tiến hành tố tụng.