Vụ án các cựu cán bộ Thanh tra Bộ Xây dựng bị bắt tại Vĩnh Phúc: Vì sao chưa xử lý người đứng đầu?

PV| 26/11/2021 08:18
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mới đây, TAND tỉnh Vĩnh Phúc đã mở phiên tòa xét xử đối với 4 bị cáo là các cựu cán bộ Thanh tra Bộ Xây dựng về tội "Lạm dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt tài sản", theo quy định tại Điều 355 – Bộ Luật Hình sự năm 2015. Vụ việc gây xôn xao dư luận xã hội nhưng điều đáng nói, đến nay Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng vẫn chưa bị xem xét, xử lý với vai trò người đứng đầu.

Hàng loạt cán bộ thuộc cấp bị bắt, điều tra xét xử nhưng Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn vẫn đang đương chức?

Sự việc gây xôn xao dư luận xã hội

Trước đó, HĐXX TAND tỉnh Vĩnh Phúc đã tuyên án phạt bị cáo Nguyễn Thị Kim Anh (sinh năm 1975), Phó Trưởng phòng Phòng chống tham nhũng - Thanh tra Bộ Xây dựng, Trưởng đoàn Thanh tra bị phạt 15 năm tù giam (theo quy định điểm A, khoản 4 của Điều 355 - Bộ Luật Hình sự năm 2015). Bị cáo Nguyễn Thị Kim Anh còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra thời hạn 5 năm, kể từ khi chấp hành xong hình phạt tù.

Bị cáo Đặng Hải Anh (sinh năm 1981), chuyên viên Phòng Thanh tra xây dựng 2 bị xử phạt 2 năm 6 tháng tù (theo quy định tại điểm C, điểm D, khoản 2, điều 355); Bị cáo Nguyễn Thị Kim Liên (sinh năm 1977, là em gái bị cáo Nguyễn Thị Kim Anh), cán bộ Phòng Thanh tra xây dựng 3 bị xử phạt 3 năm tù giam (theo quy định tại điểm C, điểm D, khoản 2, điều 355). Đồng thời, bị cáo bị cấm đảm nhiệm chức vụ liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra thời hạn 3 năm, kể từ khi chấp hành xong hình phạt tù. Bị cáo Nguyễn Thùy Linh (sinh năm 1994), cán bộ Phòng Giám sát, kiểm tra và xử lý sau thanh tra bị xử phạt 2 năm 3 tháng tù giam.

HĐXX cũng tuyên bố tịch thu toàn bộ số tiền liên quan đến việc thực hiện tội phạm. Đối với các tài sản, vật dụng của các bị cáo bị các cơ quan chức năng thu giữ phục vụ điều tra hoặc làm vật chứng sẽ được trả về cho các bị cáo.

Vụ việc làm bức xúc dư luận, bởi một trong số người bị bắt là Trưởng đoàn Thanh tra lại vừa được điều động giữ vị trí Phó Trưởng phòng của Phòng Phòng, chống tham nhũng thuộc Thanh tra Bộ Xây dựng, đây là một phòng quan trọng trong lực lượng phòng, chống tham nhũng của Bộ Xây dựng.

Nhận thấy tính chất và hậu quả nghiêm trọng của những hành vi này, để góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, làm rõ và xử lý nghiêm minh những tập thể, cá nhân có vi phạm, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã quyết định kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Đảng ủy Thanh tra Bộ Xây dựng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng, nhiệm kỳ 2015-2020.

Căn cứ vào kết quả thẩm tra, xác minh, ngày 04/3/2020, tại Kỳ họp thứ 43, UBKT Trung ương đã kết luận: Đảng ủy Thanh tra Bộ Xây dựng đã vi phạm Quy chế làm việc, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong công tác cán bộ, trong quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên và trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, để một số cán bộ, đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật, nhận hối lộ trong quá trình thanh tra tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Tại Kỳ họp thứ 44, UBKT Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật: Khai trừ ra khỏi Đảng đối với các bà Nguyễn Thị Kim Anh, cán bộ phòng Phòng, chống tham nhũng; Đặng Hải Anh, cán bộ phòng Thanh tra xây dựng 2. Cảnh cáo đối với ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chánh Thanh tra Bộ.

Trách nhiệm người đứng đầu

Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng” nêu rõ: Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, Nhà nước, đoàn thể, cơ quan, đơn vị phải gương mẫu thực hiện và có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo công tác Phòng chống tham nhũng; chủ động tự phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Kết quả công tác Phòng chống tham nhũng là thước đo đánh giá phẩm chất, năng lực, trách nhiệm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu. Đồng thời Chỉ thị nhấn mạnh: “Xử lý kịp thời, nghiêm minh người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình trực tiếp lãnh đạo, quản lý nhưng không chủ động phát hiện, xử lý, nhất là đối với trường hợp bao che, ngăn cản việc phát hiện, xử lý tham nhũng”.

Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 dành hẳn Chương IV, từ Điều 70 đến Điều 73 quy định về trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong Phòng chống tham nhũng và việc áp dụng biện pháp tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác, khi để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách và xử lý trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng. Bên cạnh đó, nhằm kịp thời phát hiện dấu hiệu tham nhũng trong cơ quan tổ chức, đơn vị, Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 quy định về công tác kiểm tra, tự kiểm tra của các cơ quan quản lý Nhà nước (từ Điều 55 đến Điều 58). Điểm đặc biệt, Luật đã dự liệu việc Phòng chống tham nhũng ngay trong các cơ quan Phòng chống tham nhũng nhằm ngăn chặn hành vi lạm quyền, nhũng nhiễu và các hành vi khác vi phạm pháp luật về hoạt động Phòng chống tham nhũng bằng quy định việc kiểm tra hoạt động Phòng chống tham nhũng trong cơ quan Thanh tra, kiểm toán Nhà nước, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân (Điều 58).

Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định 41-QĐ/TW ngày 3/11/2021 về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Việc thực hiện quy định về miễn nhiệm, từ chức không phải vấn đề mới bởi từ năm 2009, Bộ Chính trị đã có Quy định 260-QĐ/TW. Tuy nhiên, Quy định 41 đã sửa đổi, bổ sung nhiều điểm nhằm tháo gỡ những bất cập, vướng mắc sau 12 năm thi hành Quy định 260. So với quy định cũ, Quy định 41-QĐ/TW đã sửa đổi, bổ sung các khái niệm, trong đó có sửa đổi khái niệm miễn nhiệm, từ chức. Theo đó, miễn nhiệm là việc cấp có thẩm quyền quyết định cho cán bộ thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm do không đáp ứng được yêu cầu công việc, uy tín giảm sút, có vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức”. Còn từ chức là việc cán bộ tự nguyện xin thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm và được cấp có thẩm quyền chấp thuận.

Trở lại vụ việc của các cựu cán bộ Thanh tra Bộ Xây dựng bị cơ quan công an bắt quả tang, tạm giam và bị TAND tỉnh Vĩnh Phúc tuyên án về tội "Lạm dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt tài sản", theo quy định tại Điều 355 – Bộ Luật Hình sự năm 2015, mặc dù UBKT Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng, tuy nhiên đến nay, ông Nguyễn Ngọc Tuấn vẫn đang đảm nhiệm chức vụ Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng.

Việc này dường như đang đi ngược với tinh thần xử lý vai trò của người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng. Bởi người đứng đầu phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, chịu trách nhiệm hoàn toàn về kết quả chống tham nhũng, lãng phí tại đơn vị do mình quản lý. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ án các cựu cán bộ Thanh tra Bộ Xây dựng bị bắt tại Vĩnh Phúc: Vì sao chưa xử lý người đứng đầu?