Để góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số (10% trở lên) vào năm 2030, Hà Nội cần xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, với Quỹ Đầu tư mạo hiểm đóng vai trò trung tâm, kết nối vốn, nhân tài, và công nghệ.
Tháo gỡ rào cản trong tiếp cận nguồn vốn
Hà Nội là trung tâm về khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) của cả nước, với chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) dẫn đầu năm 2023-2024.
Tuy nhiên, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo thiếu nguồn vốn mạo hiểm, nguồn vốn đầu tư và hỗ trợ phi tài chính để phát triển các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực trọng điểm: công nghệ số, công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ chế tạo - tự động hóa, công nghệ môi trường, giảm phát thải các-bon, ứng phó biến đổi khí hậu, và các lĩnh vực khác do HĐND thành phố quyết định.
Các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo gặp khó khăn trong tiếp cận vốn giai đoạn sớm (seeding) và tăng trưởng (Series A/B), cũng như thiếu kết nối quốc tế và cố vấn chuyên môn, hạn chế khả năng thương mại hóa sản phẩm.
Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng phụ thuộc vào tri thức và đổi mới sáng tạo, các quốc gia, địa phương có định hướng phát triển bền vững đều chú trọng xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST).
Tại Việt Nam, Hà Nội là một trong những trung tâm kinh tế, chính trị, giáo dục lớn nhất cả nước, nơi tập trung đông đảo các viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp và đặc biệt là đội ngũ trí thức, doanh nhân trẻ năng động.
Một trong những rào cản lớn nhất đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chính là khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, đặc biệt là vốn đầu tư mạo hiểm giai đoạn sớm. Trong khi đó, các nhà đầu tư tư nhân thường dè dặt do rủi ro cao, thiếu thông tin, thiếu các công cụ hỗ trợ quản trị đầu tư.
Vì vậy, việc thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm có yếu tố nhà nước tại thành phố Hà Nội là cần thiết nhằm cung cấp nguồn vốn chiến lược và hỗ trợ phi tài chính, giúp các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực trọng điểm về khoa học và công nghệ của Thủ đô nhằm hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế hai con số.
Đồng thời, thúc đẩy hình thành, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, kết nối các thành phần: trường đại học, viện nghiên cứu, nhà đầu tư, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và đối tác quốc tế, đặc biệt tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội.
Bên cạnh đó, tạo “vốn mồi” từ ngân sách thành phố Hà Nội để huy động các nguồn vốn xã hội hợp pháp khác theo quy định của pháp luật nhằm mục tiêu đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, dự án ươm tạo công nghệ, chuyển đổi số có tầm quan trọng đến phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội.
Do đó, việc xây dựng đề án thí điểm thành lập Quỹ Đầu tư mạo hiểm thành phố Hà Nội để làm cơ sở thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của thành phố là cần thiết.
Hỗ trợ tối thiểu 100 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sau 5 năm
Theo dự thảo Đề án thành lập Quỹ Đầu tư mạo hiểm thành phố Hà Nội là quỹ do UBND thành phố Hà Nội thành lập và hoạt động theo mô hình hợp tác đầu tư kinh doanh giữa nhà nước và khu vực tư nhân (hợp đồng hợp tác kinh doanh – BCC).
Quỹ được cấp vốn điều lệ từ ngân sách địa phương, được nhận tài trợ, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật nhằm mục tiêu đầu tư, hỗ trợ các dự án khởi nghiệp có tiềm năng, sáng tạo, ươm tạo công nghệ và chuyển đổi số, áp dụng công nghệ mới trong các lĩnh vực trọng điểm về khoa học và công nghệ của Thủ đô nhằm hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thương mại hóa sản phẩm khoa học, công nghệ.
Quỹ hoạt động theo nguyên tắc thị trường, chấp nhận khả năng rủi ro, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí vốn.
Khoản 1 Điều 36 Luật Thủ đô quy định rõ: Thành phố Hà Nội được thí điểm thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư vốn vào các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực trọng điểm về khoa học và công nghệ của Thủ đô nhằm hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thương mại hóa sản phẩm khoa học, công nghệ.
Thời gian dự kiến thí điểm thành lập Quỹ là 10 năm kể từ ngày cấp thẩm quyền phê duyệt quyết định thành lập; sau 05 năm đầu đánh giá sơ kết quả thực hiện đề án, 10 năm đánh giá tổng kết thí điểm thành lập Quỹ trình HĐND Thành phố quyết định tiếp tục hay chấm dứt hoạt động của Quỹ.
Điểm khác biệt đáng chú ý của Quỹ Đầu tư mạo hiểm Hà Nội so với các quỹ hiện hành chính là vai trò dẫn dắt của Nhà nước trong khâu định hướng chiến lược, chứ không can thiệp vào hoạt động đầu tư cụ thể. Thành phố sẽ xác định các lĩnh vực ưu tiên, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư và đơn vị quản lý quỹ chuyên nghiệp, bảo đảm minh bạch, công khai và linh hoạt theo cơ chế thị trường.
Với Quỹ Đầu tư mạo hiểm, thành phố Hà Nội kỳ vọng sẽ hỗ trợ tối thiểu 100 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sau 5 năm. Huy động được tối thiểu số vốn đầu tư từ khu vực tư nhân tương đương với số ngân sách cấp cùng tham gia góp vốn vào Quỹ đầu tư mạo hiểm Thành phố và số lượng vốn tương đương của các nhà đầu tư tư nhân cùng đầu tư mạo hiểm vào các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tại trên địa bàn thành phố.
Cùng với đó, thành phố cũng kỳ vọng sẽ tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp lành mạnh, có tính cạnh tranh quốc tế và góp phần nâng cao tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ cao tại Hà Nội.
Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2045, xác định Hà Nội là trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo hàng đầu cả nước “Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực với hạt nhân là Khu công nghệ cao Hoà Lạc, các viện nghiên cứu, trường đại học.”
Nghị quyết cũng nhấn mạnh “thúc đẩy phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ, kết nối theo chuỗi giá trị với các doanh nghiệp trong vùng kinh tế và cả nước cũng như trong khu vực và thế giới”.