Bạn đọc

Việc xử lý sau thu hồi đất dự án Khách sạn Hạ Long Xanh (Quảng Ninh): Nhiều bất cập cần được giải quyết

Huy Anh 28/03/2023 10:47

Hàng năm trời “gõ cửa” các nơi xin lại số tiền đã nộp để cùng thực hiện dự án xây dựng khách sạn, nhưng “dưới chỉ lên, trên bảo xuống" đến nay vẫn chưa có kết quả. Quá trình giải quyết đã bộc lộ nhiều bất cập cùng những nghi vấn về việc tham mưu “nhầm” khiến người trong cuộc và dư luận băn khoăn chuyện "kẻ được, người mất"!?

Hệ lụy từ dự án bị thu hồi

Năm 2003, Công ty Du lịch Hạ Long và Công ty In - Thương mại và Dịch vụ ngân hàng (gọi tắt là Công ty In) liên doanh đầu tư Dự án xây dựng khu du lịch Khách sạn Hạ Long Xanh. Để triển khai dự án, các bên đã thành lập Công ty TNHH Hạ Long Xanh, theo đó Công ty Du lịch Hạ Long góp 45% vốn điều lệ. UBND tỉnh Quảng Ninh đã cho Công ty TNHH Hạ Long Xanh thuê 14.350,6m2 đất trong 50 năm, cấp “sổ đỏ” để xây dựng.

Đến năm 2007, trên cơ sở tham mưu của các sở, UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt phương án chấm dứt hợp đồng liên doanh, xác định phần vốn nhà nước của Công ty Du lịch Hạ Long vào liên doanh là 3.666.320.000 đồng, giao cho Công ty In được thực hiện toàn bộ dự án nhưng phải nộp khoản tiền này vào ngân sách.

Năm 2011, Công ty In chuyển nhượng 45% giá trị phần vốn góp nói trên cho ông Nguyễn Văn Trang. Theo hợp đồng, ông Trang có nghĩa vụ nộp 3.666.320.000 đồng vào tài khoản của Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước thuộc Bộ Tài chính.

Việc này ông Trang đã thực hiện xong vào ngày 31/8/2011 và được bầu làm Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Hạ Long Xanh.

Do dự án không được triển khai thực hiện theo quy định nên ngày 11/6/2012, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định số 1393/QĐ-UBND thu hồi 14.350,6m2 đất của Công ty TNHH Hạ Long Xanh.

Đến ngày 31/8/2020, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định số 3362/QĐ-UBND về việc phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất, tiền thuê đất, giá trị còn lại của tài sản gắn liền với đất để hoàn trả cho người bị thu hồi đất.

Theo Công ty TNHH Hạ Long Xanh, vì không nhận được các quyết định đó nên doanh nghiệp không thực hiện được yêu cầu xin hoàn trả khoản 3.666.320.000 đồng đã nộp và giá trị công trình kè chống sạt lở đã xây… Đến khi biết và đề nghị giải quyết, Công ty được Sở Tài chính Quảng Ninh hướng dẫn liên hệ với Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước - Bộ Tài chính. Công ty đã gửi văn bản đề nghị nhưng trong khi chưa nhận được phản hồi thì tháng 7/2022, Sở Tài chính đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh theo hướng “không có cơ sở xử lý”.

Tháng 8/2022, Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn doanh nghiệp liên hệ với UBND tỉnh Quảng Ninh để được giải quyết.

Theo phản ánh, ngày 20/9/2022, cuộc họp “về việc giải quyết đề nghị của Công ty TNHH Hạ Long Xanh” được tổ chức tại Sở Tài chính Quảng Ninh do ông Phạm Văn Dương, Trưởng phòng Tín dụng doanh nghiệp chủ trì, có sự tham gia của một số chuyên viên một số sở liên quan nhưng không có biên bản.

Sau đó, khi nhận được biên bản họp qua bưu chính, Công ty đã mời Văn phòng Thừa phát lại Ba Đình để lập vi bằng thể hiện biên bản không có chữ ký của các thành phần dự họp; thành phần dự họp ghi trong biên bản cũng khác với thực tế.

anh-bai-anh-thao-1-mot-doan-ke-nam-tren-khu-vuc-dat-bi-thu-hoi.(1).jpg
Một đoạn kè nằm trên khu vực đất bị thu hồi.

Nhiều bất cập cần được giải quyết

Trước hết, do dự án không được thực hiện theo quy định nên việc UBND tỉnh Quảng Ninh thu hồi đất đã cho thuê là đúng pháp luật. Tuy nhiên, việc cơ quan chức năng xác định “giá trị quyền sử dụng đất, tiền thuê đất, giá trị còn lại của tài sản gắn liền với đất để hoàn trả cho người bị thu hồi đất” chỉ có 0 đồng đang là nghi vấn. Bởi lẽ, chỉ riêng xác định “giá trị quyền sử dụng đất” là 0 đồng đã đồng nghĩa với việc cho rằng không có đất để đưa ra xác định giá trị. Thực tế, sau khi thu hồi, khu đất 14.350,6m2 này đã được bán đấu giá quyền sử dụng với giá trị nhiều tỷ đồng.

Ngoài ra, trên thực địa khu đất này hiện vẫn còn những đoạn bờ tường, kè mà Công ty TNHH Hạ Long Xanh khẳng định đã xây dựng phục vụ chống sạt lở đất vì đó là khu đồi, nhưng không thấy đưa ra xem xét (!?).

halong.jpg
Khu đất dự án Khách sạn Hạ Long Xanh đã được bán đấu giá

Trong khi đó, vấn đề “giá trị góp vốn” thuộc về ai đang rất được quan tâm, bởi câu chuyện “kẻ được, người mất” sau thu hồi đất. Điều 2 của Quyết định 3362/QĐ-UBND nêu: “1. Khi xác định giá khởi điểm đất để đấu giá đất sẽ bao gồm giá đất được xác định theo quy định pháp luật và bổ sung thêm giá trị vốn góp của UBND tỉnh là 3.666.320.000 đồng…”.

Theo Công ty TNHH Hạ Long Xanh thì 3.666.320.000 đồng là tiền do Công ty đã mua lại phần vốn nhà nước của Công ty Du lịch Hạ Long, đã nộp vào ngân sách năm 2011. Như vậy, từ 2011, phần vốn nhà nước trong Dự án xây dựng Khách sạn Hạ Long Xanh đã không còn nữa. Vậy cơ sở nào để đưa ra nội dung “bổ sung thêm giá trị vốn góp của UBND tỉnh là 3.666.320.000 đồng”, hay căn cứ vào đâu để xác định UBND tỉnh góp vốn 3.666.320.000 đồng là nghi vấn cần được lý giải.

Vẫn tại Điều 2 của Quyết định 3362/QĐ-UBND nêu “2. Sau khi đấu giá thành công, số tiền 3.666.320.000 đồng được nộp vào ngân sách nhà nước cấp tỉnh…”. Vậy là, phần vốn nhà nước (thực chất là vốn Công ty Cổ phần Du lịch Hạ Long - doanh nghiệp nhà nước của tỉnh Quảng Ninh) đã không còn thì căn cứ nào để cơ quan tham mưu nội dung “được nộp vào ngân sách nhà nước cấp tỉnh” đối với số tiền 3.666.320.000 đồng?

Trong khi đó, Công ty TNHH Hạ Long Xanh hàng năm trời đề nghị xin lại số tiền 3.666.320.000 đồng đã nộp vào ngân sách và dù “dưới bảo lên, trên chỉ xuống”, nhưng đến nay vẫn chưa ngã ngũ?

Liên quan đến việc thu hồi đất, giải quyết “hậu” thu hồi đã có những vấn đề đáng quan tâm, xem xét. Năm 2012, khi thu hồi đất, UBND tỉnh đã giao Sở Tài chính “đề xuất thành lập Hội đồng định giá để xác định phần giá trị còn lại…”. Thế nhưng, phải 8 năm sau thì việc xác định giá trị quyền sử dụng đất, giá trị còn lại… mới được triển khai đã ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp.

Cùng với đó, Quyết định số 3362/QĐ-UBND ban hành năm 2020 là thời điểm giãn cách xã hội vì đại dịch COVID. Vậy việc tống đạt hợp pháp đã được tiến hành ra sao cũng cần được làm rõ. Bởi nó trực tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp khi cho rằng đã thực tế xây bờ kè chắn sạt lở nhưng không được bồi hoàn.

Cùng với đó, sự bất cập trong khâu “tham mưu” trước đề nghị của doanh nghiệp; những nghi vấn liên quan đến cuộc họp có tính then chốt, làm căn cứ cho việc giải quyết theo đề nghị của doanh nghiệp. Việc này cần được xem xét thỏa đáng bởi rất có thể ảnh hưởng lớn đến kết quả giải quyết theo đề nghị của Công ty TNHH Hạ Long Xanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việc xử lý sau thu hồi đất dự án Khách sạn Hạ Long Xanh (Quảng Ninh): Nhiều bất cập cần được giải quyết