Về với đồng đội thanh niên xung phong năm xưa

25/07/2014 09:18
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cuộc chiến tranh chống Mỹ đã lùi xa ngót 40 năm nhưng cho đến tận bây giờ, hàng vạn Thanh niên xung phong (TNXP) vẫn còn yên nghỉ ở những cánh rừng bạt ngàn của Trường Sơn.

Tháng Bảy này, chúng tôi lần tìm về Ngã ba Đồng Lộc, Miếu thờ 23 liệt sĩ TNXP của C555-N55- P18 trên ngọn đồi Con Công. Những hy sinh, mất mát của một thế hệ TNXP đã ghi đậm trong lòng mỗi người đồng đội của các anh chị hôm nay…

Khúc bi tráng trong chiến tranh

Chỉ vỏn vẹn 50ha, con đường huyết mạch Ngã ba Đồng Lộc nằm gọn dưới thung lũng, hai bên là núi đồi trùng điệp, nơi đây trở thành con đường huyết mạch vào Nam khi tuyến QL 1A bị cắt đứt. Chính vì thế, ngã ba này đã trở thành mục tiêu hứng bom đạn. Chỉ tính riêng khoảng thời gian 240 ngày đêm từ tháng 3 đến tháng 10/1968, nơi đây đã hứng trọn 48.600 quả bom các loại. Ngày 24/7/1968, một tiểu đội TNXP được lệnh đến khu vực vừa bị đánh bom để san lấp và sửa chữa đường, kết hợp tu bổ lại hầm trú ẩn và khơi sâu các rãnh thoát nước ở đường độc đạo, nhanh chóng thông đường cho xe qua. Tiểu đội đó, 10 cô gái trẻ có độ tuổi từ 17-22, sau khi nhận nhiệm vụ, các cô gấp rút đến hiện trường triển khai công việc với tinh thần lạc quan, yêu đời của tuổi thanh xuân, không sợ hiểm nguy rình rập. Một tốp máy bay phản lực từ hướng Bắc vào vượt qua trọng điểm, các cô nhanh chóng nằm rạp xuống, hết tiếng máy bay, các cô lại trở dậy làm việc tiếp. Nhưng bất ngờ, tốp máy bay phản lực quay lại thả một loạt bom, rơi đúng vào đội hình của 10 cô gái TNXP, 10 chiến sỹ TNXP trong một hố bom sâu đã hy sinh, để lại bao nhiêu tiếc thương cho đồng đội. Các chị đã nằm xuống để trở thành những anh hùng bất tử, trẻ mãi với tuổi thanh xuân…

Về với đồng đội thanh niên xung phong năm xưa

Tác giả và các cựu thanh niên xung phong thắp hương trước mộ các liệt sĩ TNXP

Chị Vũ Thị Ngọc Liên, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Bình Thuận, vừa thắp nhang cho các chị, vừa bùi ngùi kể lại những ngày tháng gian khổ trong chiến tranh: Hồi đó, trong thời chiến, bữa ăn chỉ có rau rừng chấm muối độn khoai mì thôi, nhưng tình đồng đội thương nhau còn hơn ruột thịt, một người nằm xuống là cả đội buồn đứt ruột, bỏ ăn mấy ngày liền, tình đồng đội đồng chí keo sơn, gắn bó và cho đến bây giờ vẫn thế. Nơi đây, trên con đường này năm xưa, 85 chiến sỹ TNXP của  Bình Thuận đã trao thân gửi phận lại trên dọc tuyến đường Trường Sơn.

Cũng năm 1968, khi tuyến Quốc lộ 1A từ Thượng Gia đến Cổ Ngựa bị cắt đứt, hướng giao thông chi viện cho chiến trường miền Nam đi theo tuyến đường 15A qua Ngã ba Đồng Lộc bị bom đạn đánh phá ác liệt nhất, để bảo đảm cho sự giao thông được thông suốt, lãnh đạo Hà Tĩnh đã quyết định làm một con đường khác, đi từ Linh Cảm qua Đức Lạc, Đức Lập về Khe Lang và từ đây kéo dài qua Phú Lộc, Thượng Lộc, Đồng Lộc, Mỹ Lộc nối với đường 15A. Đây chính là con đường 70, vì nó được hình thành và xây dựng vào những năm 68-70 với mục đích là tránh con đường lửa Đồng Lộc. Nơi tuyến đường mới này được ngành giao thông vận tải bố trí một lực lượng TNXP chốt giữ tại các trọng điểm xung yếu, trong đó có Đại đội TNXP 555-N55 của Hà Tĩnh. Đây là một vị trí nằm kẹp giữa một bên là đường 15A về phía Đông (còn gọi là đường mòn Hồ Chí Minh), một bên là đường 70 về phía Tây, nằm dưới chân dãy núi Trà Sơn. Vị trí này rất thuận lợi cho việc bảo đảm giao thông, nhất là cổng 19 trên đường 15 và ngầm Vực Trống trên đường 70, Ban chỉ huy Đại đội 55 đã chọn ngọn đồi này để làm nơi đóng quân.

Chiều 13/11/1972, sau khi cơm chiều vừa xong, toàn Đại đội chuẩn bị hành quân đi làm nhiệm vụ thì trên bầu trời xuất hiện máy bay B52. Khi cả Đại đội triển khai phương án phòng tránh vào hầm trú ẩn thì hàng loạt tiếng nổ chát chúa rung chuyển cả một vùng đồi núi, khói bom mù mịt, khét lẹt hoà lẫn tiếng kêu la bao trùm lên cả bản doanh Đại đội. Nhiều tốp phản lực gầm rú xé nát bầu trời và hàng tấn bom đạn trút xuống vùng đồi không đầy 1km. Chuyện đau thương tang tóc phải đến, 23 cán bộ chiến sỹ TNXP gồm 14 nữ, 9 nam đã vĩnh viễn ra đi trong sự thương tiếc của đồng đội...

Tấm lòng của người còn ở lại  

Sau khi thống nhất đất nước, công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, được Nhà nước quan tâm đưa lên hàng đầu. UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có ý kiến chỉ đạo các cơ quan, ban ngành vận động xây dựng các khu di tích, truy tìm hài cốt các liệt sỹ và quy tập về nơi thờ tự. Từ những sự quan tâm đầy tình nghĩa, thường trực Hội TNXP đã chủ động trực tiếp kêu gọi đóng góp công sức, tiền của để xây dựng miếu thờ cho động đội mình. Đáp lại lời kêu gọi đó, các tập đoàn kinh tế như Xuân Thành, Công ty cổ phần Đầu tư Viễn thông Đông Dương, Công ty cổ phần phát triển công nghiệp - xây lắp và thương mại Hà Tĩnh... đã đóng góp nhiều công sức để trùng tu, tôn tạo các địa danh lịch sử liên quan đến TNXP. Đặc biệt, trong đó có vợ chồng bà Nguyễn Thị Nhỏ - ông Nguyễn Văn Dư là những đồng đội TNXP năm xưa cùng chung chiến hào, sát cánh cùng anh em trong những năm tháng chiến đấu và cũng là Đại đội phó của Đại đội 555. Những đóng góp to lớn đó, không thể không nhắc đến sự nhiệt tình của ông Đào Văn Tinh, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Hà Tĩnh - người trực tiếp lăn lộn với công trình từ những ngày đầu khai sơn phá thạch, xây dựng công trình hoàn tất trong 11 tháng, để trang trọng đưa bài vị tên tuổi của 23 liệt sĩ TNXP về an vị nơi đây. Ông đã cùng đồng đội thường xuyên lên miếu thắp hương tưởng nhớ các anh chị đã quên mình cho Tổ quốc.

Trong hương khói tại miếu thờ, chúng tôi xúc động nhìn lại tên tuổi của đồng đội mình năm xưa. Họ vẫn ở đây, hình bóng họ vẫn đi về phảng phất với núi đồi, họ vẫn còn trẻ ở tuổi 20 và họ là những người trẻ mãi trong lòng của những đồng đội một thời chiến chinh khói lửa...

Khải Hoàn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về với đồng đội thanh niên xung phong năm xưa