Phóng sự - Ghi chép

Vấn nạn tảo hôn ở huyện vùng cao Nghệ An

Gia Ân-Bá Mạnh 10/05/2023 09:09

Bỏ ngang con chữ cùng bạn bè trang lứa, rất nhiều học sinh ở huyện miền núi Nghệ An nhanh chóng kết hôn. Thực trạng này đã gây ra không ít hệ lụy buồn cho gia đình và xã hội.

Thầy cô trăn trở vì học sinh bỏ học để đi lấy vợ, lấy chồng

Nhiều năm công tác tại huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), thầy Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú (DTBT) THCS Na Ngoi cho biết, trường có khoảng 95% học sinh là người Mông. Do tập tục tảo hôn và đặc tính di cư của người dân nên nhiều năm nay, tình trạng học sinh bỏ học vẫn tiếp diễn. Nhà trường đã có nhiều giải pháp tuyên truyền thường xuyên trong suốt năm học nhưng vẫn chưa chấm dứt được.

Từ sau dịp Tết đến nay, trường đã có 21 em học sinh xin nghỉ học, chiếm tỷ lệ cao nhất huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Trong đó, số học sinh lấy chồng lấy vợ là 11 em, còn lại nghỉ học theo gia đình di cư hoặc đi làm.

Đầu năm học 2022-2023, giáo viên nhà trường hết sức bất ngờ khi biết tin em Xồng Y. N. (học sinh giỏi lớp 7, Trường Phổ thông DTBT THCS Na Ngoi) xin nghỉ học vì lý do đi lấy chồng ở Lào.

anh_tt_2.jpg
Ngành chức năng thường xuyên phối hợp với địa phương để tuyên truyền, khuyến cáo các em học sinh không tảo hôn, không bỏ học, tránh xa tệ nạn xã hội.

“Em N. được các thầy cô phát hiện yêu một nam thanh niên khác xã và dự định sẽ kết hôn khi đang còn học lớp 6. Các thầy cô sau đó báo về gia đình để cùng thuyết phục, can ngăn để em N. trở lại lớp học. Tuy nhiên khi lên lớp 7, em N. tiếp tục yêu một chàng trai đang sinh sống tại Lào. Chuyện yêu đương của N. được giấu kín nên gia đình và nhà trường đã không biết để can ngăn. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, bố của N. lên trường để lấy đồ về và thông báo với các thầy, cô em N sẽ nghỉ học”, một giáo viên Trường Phổ thông DTBT THCS Na Ngoi cho biết.

Để quản lý và hạn chế phần nào chuyện học sinh “có tình cảm” với nhau và tránh tình trạng học sinh đi ra ngoài chơi vào ban đêm, Trường Phổ thông DTBT THCS Na Ngoi đã lắp 12 camera trong khu vực trường và khu nội trú. Ngoài ra, trường cũng bố trí 2 giáo viên thường xuyên đi tuần tra khu nội trú của học sinh. Việc tuần tra thường kéo dài đến 22h30 hàng ngày.

Tuy nhiên, hiện nay thông tin liên lạc thuận tiện hơn. Dù nhà trường cấm học sinh sử dụng điện thoại trên lớp, trong khu bán trú nhưng các em vẫn âm thầm liên lạc với nhau nên các thầy cô rất khó để chủ động nắm bắt, phát hiện.

Nỗi buồn phong tục

Trao đổi với báo chí, ông Xồng Vả Dềnh - Chủ tịch UBND xã Na Ngoi cho biết, những học sinh lấy nhau khi chưa đủ tuổi sẽ không được đăng ký kết hôn và bị xử phạt hành chính theo quy định. Đa số các em học sinh lấy vợ lấy chồng đều chỉ tổ chức vài mâm cơm nhỏ mời người thân chứ không tổ chức đám cưới linh đình.

anh_t_t_3.jpg
Các thầy cô cùng ngành chức năng về tận gia đình để thuyết phục, can ngăn việc học sinh bỏ học để kết hôn.

Phong tục của một số dân tộc, người con gái khi đã bước vào nhà chồng dù chỉ vài phút cũng đã thành vợ. Nếu không ở lại mà bỏ về thì coi như đã một đời chồng nên cũng “khó trăm bề”.

"Đa số bố, mẹ các em đều không đồng ý việc các em lấy nhau khi còn nhỏ tuổi. Tuy nhiên, nhiều gia đình không dám can ngăn quyết liệt vì sợ các em làm chuyện dại dột”, ông Xồng Vả Dềnh nói.

Theo thống kê của Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), từ đầu năm học 2022-2023 đến nay, đã có 154 học sinh của các trường THCS trên địa bàn huyện nghỉ học.

Cụ thể Trường Phổ thông DTBT THCS Na Ngoi nghỉ học 21 em; Trường Phổ thông DTBT THCS Mường Lống nghỉ học 20 em; Trường Phổ thông DTBT THCS Nậm Típ nghỉ học 18 em…Trong số các em nghỉ học có nhiều em đi làm, nhiều em theo gia đình chuyển đi nơi khác sinh sống. Tuy nhiên có đến 57 em học sinh nghỉ học để lấy vợ, lấy chồng.

“Số học sinh nghỉ học này hầu hết đang theo học tại các trường THCS trên địa bàn và chủ yếu là những học sinh học lớp 8, lớp 9, thậm chí có em chỉ mới học lớp 6, lớp 7; có nhiều trường hợp là học sinh giỏi, ngoan ngoãn và là con của cán bộ xã khiến thầy cô, gia đình tiếc nuối. Phần lớn các em học sinh nghỉ học tập trung ở các xã như Mường Lống, Mường Típ, Na Ngoi. Đây là những xã biên giới, vùng sâu vùng xa và tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống”, một lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn cho biết.

Mặc dù Phòng GD&ĐT Kỳ Sơn, các trường học thường xuyên phối hợp với địa phương để tuyên truyền, khuyến cáo các em học sinh không tảo hôn, không bỏ học, tránh xa tệ nạn xã hội. Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn dường như vẫn là vấn nạn ngày đêm “thách thức”, gây ra nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội.

Được biết, nhằm hạn chế phần nào tình trạng tảo hôn, năm 2015, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt đề án chống tảo hôn, thực hiện đến năm 2020 và sau đó là đề án nối tiếp đến năm 2025 với nhiều giải pháp đã được thực hiện, trên cơ sở phối hợp giữa Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, Hội Phụ nữ tỉnh Nghệ An, Sở LĐ-TB-XH Nghệ An… Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn vẫn còn rất nhức nhối.

Trao đổi vấn đề này, ông Vi Mỹ Sơn - Phó ban Dân tộc tỉnh Nghệ An cho biết: Mặc dù luật hình sự quy định hành vi giao cấu với trẻ em dưới 16 tuổi bị xử lý hình sự, tuy nhiên việc xử lý theo luật vẫn còn nhiều cái “khó”.

“Nguyên nhân chính của tảo hôn là do tập quán, nhận thức. Thời gian tới cùng với việc tuyên truyền, chính quyền địa phương cần chỉ đạo cơ quan công an xử phạt hành chính, thậm chí xử lý hình sự một vài trường hợp tảo hôn nhằm răn đe. Ngoài ra cần nhân rộng hơn nữa các mô hình làm tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” để các gia đình hiểu rõ hơn về hệ quả của việc con cái lấy vợ, lấy chồng khi chưa đủ tuổi theo quy định của pháp luật”, ông Vi Mỹ Sơn cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vấn nạn tảo hôn ở huyện vùng cao Nghệ An