Phóng sự - Ghi chép

Nghệ thuật “nghi binh, lừa địch” và chiếc gậy Trường Sơn huyền thoại của một vị tướng

Trần Sỹ 01/05/2025 - 09:56

“Trong hàng ngàn hiện vật, tư liệu thì cây gậy của Thượng tướng Vũ Lăng mang từ Hà Nội vào chiến trường Tây Nguyên là một kỷ vật vô giá. Nó chứa đựng những câu chuyện cảm động về tình đồng chí, nghĩa đồng bào, nặng ân tình với Tây Nguyên”, Thượng tá Nguyễn Cảnh Minh - Giám đốc Bảo tàng Quân đoàn 34 cho biết.

Chiếc gậy Trường Sơn huyền thoại của vị tướng

Tại Bảo tàng Quân đoàn 34 (thành phố Pleiku, Gia Lai) đang lưu giữ hàng chục ngàn tư liệu, hiện vật quý trong thời kỳ kháng chiến. Tại đây, những kỷ vật, tư liệu luôn được sắp xếp, bố trí khoa học, ngăn nắp, gọn gàng. Trong số này, có những kỷ vật vô giá như chiếc gậy của Thượng tướng Vũ Lăng.

Theo Thượng tá Nguyễn Cảnh Minh - Giám đốc Bảo tàng Quân đoàn 34: “Trong hàng ngàn hiện vật, tư liệu thì cây gậy của Thượng tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Vũ Lăng mang từ Hà Nội vào chiến trường Tây Nguyên là một kỷ vật vô giá. Nó chứa đựng những câu chuyện cảm động về tình đồng chí, nghĩa đồng bào, nặng ân tình với Tây Nguyên”.

W_z6557229957609_d02c41b0ce2cd363f6d274dd8e8d2fa5.jpg
Thượng tá Nguyễn Cảnh Minh, Giám đốc Bảo tàng Quân đoàn 34 và chiếc gậy Trường Sơn của cố Thượng tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Vũ Lăng.

Ngược dòng lịch sử, vào tháng 6/1974, đồng chí Vũ Lăng được cử vào đảm nhận chức vụ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên với nhiệm vụ xây dựng bộ đội chủ lực Tây Nguyên trở thành binh đoàn chủ lực cơ động.

Thượng tá Minh thông tin, trước lúc lên đường, Thượng tướng Nguyễn Hữu An gọi đồng chí Vũ Lăng đến và nói: “Đường vào miền Nam còn xa, chiến trường Tây Nguyên rất ác liệt, rừng núi hiểm trở nhưng bà con các dân tộc nơi đây rất anh dũng, kiên cường, bất khuất. Cây gậy này tôi được một người dân Tây Nguyên tặng rồi mang về Hà Nội, nay tôi tặng lại đồng chí. Đây không chỉ là cây gậy thông thường mà hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu xa, kết đọng tình quân dân Tây Nguyên trong đó”.

W_z6534201228586_0d4fb463d61beda733460e70d22a5a14.jpg
Trên chiếc gậy được khắc rất nhiều dòng chữ, gồm địa danh và thời gian.

Từ đó, những năm tháng trên chiến trường Tây Nguyên, chiếc gậy luôn bên cạnh tướng Vũ Lăng, kể cả lúc leo núi hay khi xuống sông, lội suối. Người luôn giữ gìn cây gậy và coi như máu thịt của mình.

Sau đó, vào cuối năm 1974, trong một lần hành quân chỉ huy trận đánh tại Gia Lai, Thượng tướng Vũ Lăng làm thất lạc cây gậy của mình. Vì vậy, ông luôn trăn trở về kỷ vật thiêng liêng này.

Sau này, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cùng các đồng đội đã tìm lại cây gậy và trao lại cho chỉ huy của mình.

Tại Bảo tàng Quân đoàn 34, hiện nay cây gậy đã được gia đình cố Thượng tướng Vũ Lăng trao tặng lại để trưng bày. Bên cạnh chiếc gậy là một bức mật điện của Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Quốc Thước - nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3.

Nội dung bức mật điện ngắn gọn, khoảng 30 từ, nói về việc đã tìm thấy cây gậy của Thượng tướng Vũ Lăng: “Đã tìm thấy cái gậy kỷ niệm của anh, chúng tôi sẽ gửi đồng chí Sơn về họp Đảng ủy phòng để giao lại cho anh”.

W_gay-truong-son.jpg
Bức mật điện do Trung tướng Nguyễn Quốc Thước gửi đến Thượng tướng Vũ Lăng sau khi tìm thấy chiếc gậy thất lạc.

Năm 2018, bà Việt Hoa vợ của Thượng tướng Vũ Lăng đã trực tiếp vào Quân đoàn 3 (nay là Quân đoàn 34), để trao tặng cây gậy cho Bảo tàng Quân đoàn. Rưng rung nước mắt, bà Việt Hoa tâm sự: Cuộc đời binh nghiệp của chồng bà trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Lúc nghỉ hưu, ông còn giữ nhiều kỷ vật, trong đó cây gậy này là kỷ vật thiêng liêng nhất. Năm 1988 ông mất, gia đình vẫn giữ gìn và bảo quản nó.

“Năm 2018, chúng tôi quyết định bàn giao kỷ vật này cho Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 để trưng bày tại bảo tàng với mong muốn các thế hệ trẻ sẽ hiểu được những chiến công vang dội của cha ông đi trước. Chiến tranh không chỉ có súng đạn mà còn có những câu chuyện về tình đồng chí, nghĩa đồng bào. Trước khi lên đường vào Tây Nguyên, ông đã nói: “Cây gậy này xuất phát từ rừng Tây Nguyên nên tôi sẽ mang theo nó bên mình đến khi giải phóng Tây Nguyên, đất nước thống nhất mới trở về”.

Nghệ thuật “nghi binh, lừa địch”

Nhắc đến Thượng tướng Vũ Lăng, nhiều người sẽ nhớ đến chiến thuật “nghi binh, lừa địch” trong Chiến dịch Tây Nguyên, những trận đánh lớn để giải phóng vùng đất này. Chính ông, cũng là người chỉ huy Quân đoàn 3-một trong 5 cánh quân tiến về giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

01-1745574963349.jpg
Thượng tướng Vũ Lăng (ảnh sưu tầm)

Vào tháng 6/1974 ông được cử vào làm Tư lệnh mặt trận Tây nguyên (B3), tại đây Thượng tướng Vũ Lăng cùng với tập thể Đảng ủy Bộ Tư lệnh mặt trận, Bộ Tư lệnh lãnh đạo mặt trận tiến hành các công tác chuẩn bị cho chiến dịch Tây Nguyên.

Trong đó, phương án tiến công Buôn Mê Thuột được chuẩn bị và cân nhắc vô cùng kỹ lưỡng, vì đây là trận mở màn cũng như là trận then chốt quyết định thành bại của toàn chiến dịch.

Đầu năm 1975, sau nhiều lần quan sát thực địa và nghiên cứu hình thái bố trí lực lượng của đối phương tại Tây Nguyên, Bộ Tư lệnh B3 đứng đầu là Tư lệnh Vũ Lăng đã thống nhất cách đánh chiến dịch như sau: tìm mọi cách nhử đối phương về Kon Tum và Pleiku rồi hãm họ ở đó, tạo sơ hở Buôn Mê Thuột đột phá thật nhanh để tiêu diệt đối phương và làm chủ thị xã trong thời gian ngắn nhất.

Để thực hiện được ý định này, đó là phải lập thế trận chiến dịch, thế trận đó phải thể hiện chia cắt, vây hãm, vừa hãm vừa tiến công, đột phá, vừa bí mật, vừa nghi binh.

untitled-1.jpg
Trận đánh Đăk Tô-Tân Cảnh năm 1972 (ảnh: TTXVN).

Ông đã cùng với Bộ Tư lệnh và phòng Tác chiến nghiên cứu chiến thuật đề xuất phương án đánh thị xã Buôn Mê Thuột: một là đánh địch không có phòng ngự dự phòng và một phương án nữa là đánh địch có phòng ngự dự phòng. Đánh địch không có phòng ngự dự phòng là số một, làm sao phải làm mọi cách để điều địch theo ý mình, để đánh địch không có phòng ngự dự phòng. Vấn đề nghi binh, hút địch về Kon Tum và Pleiku là then chốt quyết định.

Sau này, nghệ thuật “nghi binh, lừa địch”, được phân tích kỹ hơn trong buổi tọa đàm “Chiến thắng Tây Nguyên - Mở đầu cho toàn thắng”, diễn ra ở Quân đoàn 34 tại TP. Pleiku vào ngày 26/2/2025.

Tham dự tọa đàm có Trung tướng Thái Đại Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Cùng các đồng chí lãnh đạo, tướng lĩnh Quân đội; lãnh đạo các tỉnh thuộc địa bàn Tây Nguyên; các anh hùng LLVT nhân dân, nhà khoa học, nhà nghiên cứu; chỉ huy các cơ quan, đơn vị, nhà trường Quân đội...

Tại đây, các đồng chí có mặt đã đánh giá, chiến thắng của Chiến dịch Tây Nguyên có một ý nghĩa quan trọng, tạo ra bước ngoặt chiến lược cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 - giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong chiến thắng vẻ vang đó, lực lượng vũ trang Tây Nguyên và Quân đoàn 3, tiền thân của Quân đoàn 34 đã lập được nhiều thành tích xuất sắc.

“Chiến thắng Tây Nguyên - Mở đầu cho toàn thắng” đó là nghệ thuật lãnh đạo của Đảng về lựa chọn chiến trường; nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh về phương thức tác chiến chiến lược trên chiến trường miền Nam và chiến trường Tây Nguyên trong năm 1975-1976; những dự báo chiến lược của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương về thế địch - ta trên chiến trường miền Nam trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; nghệ thuật chớp thời cơ, tiến công kiên quyết, liên tục, đánh tiêu diệt lớn trong Chiến dịch Tây Nguyên;

Nghệ thuật sử dụng lực lượng, công tác xây dựng ý chí quyết tâm, nghệ thuật nghi binh, điều địch, tạo lập thế trận, tạo thời cơ trên chiến trường Tây Nguyên; nghệ thuật xác định vị trí và chỉ huy đánh trận then chốt mở màn và các trận then chốt tiếp theo; nghệ thuật chỉ huy, điều hành tác chiến của các đơn vị tham gia Chiến dịch Tây Nguyên…

Trình bày tại buổi tọa đàm, Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Đức Hải, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Quốc phòng, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3 đã phân tích, thắng lợi ở Tây Nguyên, trước hết là việc nắm chắc địch, hiểu rõ về ta, để quyết định những vấn đề tác chiến mang tính quyết định. Đặc biệt là nghệ thuật tạo thế, nghi binh, tập trung lực lượng ưu thế, chuyển hóa thế trận sáng tạo, mưu trí, linh hoạt; là thể hiện sức mạnh chiến tranh nhân dân trên chiến trường Tây Nguyên trong những chiến dịch mang ý nghĩa chiến lược.

Nghệ thuật quân sự trong Chiến dịch Tây Nguyên là nghệ thuật bày mưu kế, lập thế trận, chọn mục tiêu tiến công và phát triển tiến công. Chiến thắng Tây Nguyên làm cho địch rối loạn chiến lược, mở đầu cho sự tan rã chiến trường miền Nam, là cơ sở để Bộ Chính trị kịp thời bổ sung quyết tâm giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975, tạo đà cho quân và dân ta những điều kiện thuận lợi để chuyển sang cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ngày càng phát triển trên khắp các chiến trường và giành thắng lợi ngày càng lớn, tiến tới ngày toàn thắng.

Đây là bài học, là kinh nghiệm quý báu, tiếp tục được nghiên cứu, tổng kết để vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ thuật “nghi binh, lừa địch” và chiếc gậy Trường Sơn huyền thoại của một vị tướng