Vẫn biết khi mâu thuẫn vợ chồng không được giải mã thì họ chọn giải pháp ly hôn để chấm dứt những xung đột. Tuy nhiên với lối sống hiện đại như hiện nay, nhiều cặp vợ chồng trẻ sẵn sàng “dứt áo nhau ra” chỉ vì cái tôi quá lớn, không nghĩ đến hậu quả hậu ly hôn” - Chánh án TAND huyện Cẩm Xuyên - Trần Thị Minh Tâm chia sẻ.
Những năm gần đây, tình trạng ly hôn ngày một gia tăng. Từ ngày 01/10/2021 đến ngày 30/9/2022, TAND huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đã thụ lý, giải quyết 165/167 vụ, việc hôn nhân gia đình/ tổng 181 vụ việc dân sự chung, có thể thấy án về hôn nhân gia đình đã chiếm gần hết tổng số các loại vụ việc dân sự Tòa án thụ lý.
Trao đổi với PV, Chánh án TAND huyện Cẩm Xuyên - Trần Thị Minh Tâm cho biết: Qua thực tiễn giải quyết thấy rằng có rất nhiều lý do khiến các cặp vợ chồng gửi đơn ra Toà, song chủ yếu vẫn là do bất đồng quan điểm sống, bạo hành gia đình, ngoại tình, vợ hoặc chồng sa đà vào các tệ nạn xã hội… ngoài ra một số ít vụ án xuất phát từ nguyên nhân khác như bất đồng tính cách, do một bên công tác, làm ăn xa ....
Độ tuổi ly hôn chủ yếu dưới 35 tuổi, phần lớn có con nhỏ. Đặc biệt, với lối sống hiện đại như hiện nay, nhiều cặp vợ chồng trẻ sẵn sàng ly hôn chỉ vì cái tôi quá lớn mà không nghĩ đến hậu quả của hậu ly hôn, cho nên công tác hòa giải tại Tòa án đặc biệt được chú trọng, luôn xác định là cầu nối hàn gắn cho tổ ấm mỗi người.
“Theo Luật Hôn nhân và Gia đình, Tòa án có quyền xử cho ly hôn hoặc bác yêu cầu ly hôn. Khi nhận được đơn xin ly hôn của đương sự, chúng tôi thường kiên trì hòa giải, hàn gắn và cố gắng “khâu nối” lại tình cảm cho hai người. Mục đích của hòa giải trong vụ án hôn nhân gia đình là để hàn gắn lại mối quan hệ vợ chồng, giúp vợ chồng đoàn tụ với nhau, không phải để các đương sự ly hôn.
Xác định rõ ý nghĩa của công tác hòa giải, Thẩm phán phải đi sâu vào việc giải quyết những vướng mắc trong tâm tư, tình cảm của các đương sự. Lấy ý kiến bên này để dò hỏi ý kiến bên kia, từ đó phân tích ai đúng, ai sai, nguồn gốc của việc không có tiếng nói chung là ở đâu.
Đặc biệt, chỉ rõ cho các đương sự thấy hậu quả của việc ly hôn ảnh hưởng tiêu cực đến con cái như thế nào, có thể lấy ví dụ cụ thể minh chứng để tác động đến tâm lý của người làm bố, làm mẹ.
Nếu một bên vẫn còn tình cảm, không muốn ly hôn thì Thẩm phán cần kiên trì hòa giải, làm công tác tư tưởng với bên còn lại để hai bên đoàn tụ. Tuy nhiên có nhiều trường hợp nhận thấy tình trạng hôn nhân đã rạn nứt trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì Tòa án sẽ chấp nhận cho ly hôn để giải thoát bế tắc cho cả hai”, Chánh án Trần Thị Minh Tâm nói.
Chánh án TAND huyện Cẩm Xuyên – Trần Thị Minh Tâm
Trường hợp hòa giải không thành, vụ án được chuyển sang giải quyết theo thủ tục tố tụng. Ngay khi được phân công giải quyết, Thẩm phán nghiên cứu kỹ hồ sơ để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn vợ chồng, xác định mức độ mâu thuẫn từ đó xây dựng phương án hòa giải tiếp.
Tại giai đoạn này, các đương sự tiếp tục được Tòa án tiến hành hòa giải nhiều lần, phân tích, giải thích pháp luật, khơi dậy tình cảm, để từ đó các đương sự có thêm cơ hội trở về đoàn tụ hoặc người khởi kiện sẽ tự nguyện rút đơn khởi kiện hay thỏa thuận với nhau mà không phải xét xử, tạo điều kiện cho việc giải quyết vụ án nhanh chóng, kịp thời, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí cho các bên đương sự, góp phần làm giảm bớt mâu thuẫn sau khi ly hôn.
Là người trực tiếp xét xử nhiều loại án, nhưng đối với án hôn nhân gia đình luôn để lại nhiều day dứt cho Chánh án Minh Tâm, bởi đằng sau bản án đó còn là những câu chuyện dài của con trẻ.
Không ít trường hợp, gia đình đông con mà buộc phải chia quyền trực tiếp nuôi con chung, thì việc ly hôn sẽ làm phai nhạt, chia cắt tình anh chị em ruột. Không thể dành tuổi thơ trọn vẹn cho nhau, không có nhiều những kỷ niệm đẹp chung với nhau. Chen vào đó là sự cô đơn, lủi thủi và sự thiếu vắng tình cảm trọn vẹn của các thành viên trong gia đình.
Những cặp vợ chồng khi ly hôn cũng đau, nhưng đau một lần rồi thôi, đa phần họ sẽ đi tìm để xây dựng hạnh phúc mới với người phù hợp hơn và rồi họ phải lo cho “gia đình mới”, ít dần những quan tâm chăm sóc cho đứa con riêng của mình cả về tinh thần, thời gian và vật chất. Nếu những đứa trẻ này chẳng may bị hành hạ và bị hắt hủi thì rất dễ có suy nghĩ tiêu cực hoặc bỏ nhà ra đi và sa vào các tệ nạn xã hội.
Quang cảnh một buổi hòa giải, đối thoại tại TAND huyện Cẩm Xuyên
Khi những đứa trẻ lớn lên, kịp nhận ra và hiểu được thế nào là ly hôn thì khi đó đã mất đi cả một tuổi thơ có cha lẫn mẹ như bao đứa trẻ khác.
“Trong cuộc sống hiện đại, nhiều cặp vợ chồng kết hôn vội vàng, chính vì thế họ thiếu kỹ năng chung sống, chưa đủ chín chắn để làm vợ, làm chồng. Khi hôn nhân không như mong đợi, họ ít khi nghe nhau giãi bày hoặc bình tĩnh nói chuyện mà vội vã tìm biện pháp chia tay để đỡ phải chịu đựng lẫn nhau.
Nhận thức về gia đình và giá trị hôn nhân của nhiều cặp vợ chồng khi ly hôn đều rất kém, họ thiếu trách nhiệm với gia đình nên coi chuyện ly hôn là bình thường, không hợp nhau thì mỗi người mỗi ngả; thiệt thòi nhất vẫn là những đứa con, đặc biệt là những đứa trẻ chưa hình thành nhân cách phải gánh chịu hậu quả do cha, mẹ chia tay, phải nhận lấy nỗi đau dằng xé dai dẳng về sau mặc dù chúng không hề có lỗi”, Chánh án Minh Tâm bộc bạch.
Cũng theo Chánh án Trần Thị Minh Tâm, ly hôn là điều không ai muốn, nhưng là điều không thể tránh với rất nhiều hoàn cảnh. Do vậy, những bạn trẻ khi yêu nhau, đến với nhau phải thận trọng, nghiêm túc trong việc tìm bạn đời và suy nghĩ kỹ về mục đích hôn nhân của chính mình rồi hãy quyết định.
Còn nếu phải ly hôn, hãy suy nghĩ cho con, chúng vừa là sản phẩm, vừa là nhân chứng và cũng là người phải nhận hậu quả và thực thi bản án ly hôn này của cha mẹ mình. Những người làm cha, làm mẹ khi đối mặt với “sóng gió” trong hôn nhân phải thật bình tĩnh để có quyết định tốt nhất cho mình và đặc biệt là cho các con.
TAND huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) trong năm qua là một trong những đơn vị tiến hành hoạt động hòa giải, đối thoại đạt được kết quả rất cao của TAND hai cấp Hà Tĩnh, trong đó về án Hôn nhân gia đình đã thụ lý giải quyết 165/167 vụ, việc. Đã xét xử 16 vụ; Quyết định công nhận thuận tình ly hôn 140 vụ; Đình chỉ 09 vụ, đạt tỷ lệ 98,8%. Các vụ, việc hòa giải, đối thoại thành tại Tòa án phần lớn là ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn. Từ ngày 01/10/2021 - 30/ 9/2022 TAND huyện Cẩm Xuyên đã thụ lý 244 vụ việc các loại, giải quyết 238 vụ, việc, đạt tỷ lệ 97,54%. Còn lại 06 vụ việc đang trong thời hạn giải quyết. Tỷ lệ giải quyết 79,3 vụ, việc /năm/Thẩm Phán. Số phiên tòa rút kinh nghiệm 09 vụ/3 Thẩm phán. Số lượng phiên tòa trực tuyến 06 vụ/ 3 Thẩm phán. Không có án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán. Hòa giải đối thoại tại Tòa án 158/176 vụ án các loại, đạt tỷ lệ 89,8% (Vượt chỉ tiêu 24%). Hòa giải đối thoại theo Luật hòa giải: 59/59 vụ. Công bố bản án, quyết định trên cổng thông tin điện tử: 253/253 bản án, quyết định. Thực hiện 10/10 quyết định nhận ủy thác Tư pháp từ các đơn vị khác, đạt tỷ lệ 100%. |