Phóng sự - Ghi chép

Kỷ niệm 71 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2025): “Thiên sử vàng” của dân tộc Việt Nam

N.Hoàng 07/05/2025 09:21

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, Chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những đỉnh cao chói lọi, một kỳ tích vẻ vang, như lời của nhà thơ Tố Hữu: “Chín năm làm một Điện Biên/Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”. Bởi chiến thắng ấy không chỉ giáng đòn quyết định, tạo bước ngoặt lịch sử làm thay đổi cục diện chiến tranh ở Việt Nam mà còn đột phá vào thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa kiểu cũ của chủ nghĩa đế quốc, thực dân.

“Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”

Giữa năm 1953, để cứu vãn tình thế ngày càng nguy khốn trên chiến trường Đông Dương, với sự giúp sức của Mỹ, Pháp đề ra và thực hiện Kế hoạch Nava nhằm xoay chuyển tình thế, giành thắng lợi quyết định về quân sự làm cơ sở thực hiện “một giải pháp chính trị thích hợp để giải quyết chiến tranh”.

Theo đánh giá của tướng Henri Navarre, người được Chính phủ Pháp chỉ định làm Tổng Chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương thì “Điện Biên Phủ là một vị trí chiến lược quan trọng đối với chiến trường Đông Dương và cả miền Đông Nam Á, nằm trên trục giao thông nối liền các miền biên giới của Lào, Thái Lan, Myanmar và Trung Quốc. Từ Điện Biên Phủ, quân Pháp có thể bảo vệ được Lào, rồi từ đó đánh chiếm lại các vùng đã mất ở Tây Bắc trong những năm 1952-1953 và tạo điều kiện thuận lợi để tiêu diệt các Sư đoàn chủ lực của Việt Nam”.

anh-bai-thien-su-vang-cua-dan-toc-viet-nam-1.jpg
Bác Hồ nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo về kế hoạch tấn công trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Do xác định Điện Biên Phủ là một vị trí chiến lược quan trọng bậc nhất ở Đông Dương, nên sau khi đánh chiếm Điện Biên Phủ vào ngày 20/11/1953, quân Pháp không ngừng tăng thêm binh lực, vũ khí, trang thiết bị quân sự, xây thêm nhiều công sự, đồn lũy và các loại vật tư khác. Được sự giúp đỡ của Mỹ về cố vấn, trang bị kỹ thuật, kinh tế, Pháp đã xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương.

Tính đến tháng 3/1954, tại Điện Biên Phủ đã có 12 tiểu đoàn và bảy đại đội bộ binh, ba tiểu đoàn pháo binh, một đại đội xe tăng, một phi đội máy bay thường trực (14 chiếc). Sau này, trong quá trình chiến dịch, quân Pháp tăng viện thêm bốn tiểu đoàn, hai đại đội lính dù, tổng cộng có 17 tiểu đoàn, phần lớn đều là lính tinh nhuệ. Ngoài ra còn có các quân chủng pháo binh, công binh, thiết giáp, phân đội hỏa pháo. Tổng số quân tăng lên hơn 16.000 người và 300 máy bay vận tải tiếp tế, có sự chi viện của không quân Mỹ.

Trước âm mưu và hành động mới của địch, cuối tháng 9/1953, Bộ Chính trị họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bàn nhiệm vụ quân sự Đông Xuân 1953-1954, xác định phương hướng chiến lược và chủ trương tác chiến là: Sử dụng một bộ phận chủ lực mở những cuộc tiến công vào những hướng địch sơ hở, đồng thời tranh thủ cơ hội tiêu diệt địch ở những hướng địch có thể đánh sâu vào vùng tự do của ta. Trong lúc đó, đẩy mạnh chiến tranh du kích ở khắp các chiến trường sau lưng địch. Hướng Tây Bắc được chọn là hướng chính, các hướng khác là phối hợp. Tuy nhiên, tùy tình hình cụ thể có thể thay đổi cho phù hợp. Phương châm tác chiến được Bộ Chính trị xác định là: “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá khách quan về nhiều mặt thuận lợi, khó khăn, thế và lực của cả ta và địch, Bộ Chính trị quyết định tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đây là một quyết tâm đầy bản lĩnh vì ta chấp nhận giao chiến ở nơi kẻ thù có lực lượng mạnh nhất, và thắng lợi ở trận chiến này sẽ có ý nghĩa quyết định đến cục diện chiến tranh. Như vậy, ta đã chủ động tạo ra thời cơ và chủ động nắm lấy thời cơ, buộc địch phải bị động giao chiến trên một chiến trường do ta lựa chọn.

Thắng lợi vang dội Điện Biên Phủ đã chứng minh chủ trương chiến lược và sự lựa chọn mục tiêu tác chiến của ta là đúng đắn, phù hợp, thể hiện bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam.

“Đánh chắc, tiến chắc”

Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhất trí thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy. Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy, đồng chí Hoàng Văn Thái - Tham mưu trưởng, đồng chí Lê Liêm - Chủ nhiệm Chính trị, đồng chí Đặng Kim Giang - Chủ nhiệm Cung cấp. Với những nỗ lực cao nhất, cả nước đã dồn hết sức người, sức của cho Điện Biên Phủ…

Ngày 14/1/1954, tại Hội nghị cán bộ chiến dịch do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ trì, tất cả đều tán thành chủ trương “đánh nhanh, thắng nhanh”, tin tưởng rằng ta có thể nhanh chóng giành thắng lợi trong vài ngày đêm. Thời gian nổ súng được xác định là ngày 20/1/1954. Dự kiến chiến dịch diễn ra trong 2 ngày 3 đêm chiến đấu liên tục. Tuy nhiên, sau 7 ngày, pháo vẫn chưa vào đến vị trí quy định, Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định lùi ngày nổ súng đến ngày 26/1/1954.

28455413pm75982219am2-4.jpg
Kéo pháo vào chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN

Trước tình hình mới, do sự tăng cường của địch ở Điện Biên Phủ, sự bố trí lực lượng, trận địa của địch đã thay đổi, ngày 26/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định “không thể đánh theo kế hoạch đã định. Nếu đánh là thất bại” và quyết định chuyển phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Theo đó, hoãn cuộc tiến công theo kế hoạch, bộ đội toàn tuyến được lệnh rút về vị trí tập kết, kéo pháo ra; mọi công tác chuẩn bị thực hiện theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc”.

Sau khi được báo cáo, Bộ Chính trị đã nhất trí cho đây là một quyết định hoàn toàn đúng đắn. Sau khi thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, công tác chuẩn bị cho một chiến dịch dài ngày phải tổ chức lại với vô vàn khó khăn, thử thách. Nhưng đó là công việc cần thiết để bảo đảm cho thắng lợi của một trận quyết chiến chiến lược.

Đầu tháng 3/1954, thời gian chuẩn bị mọi mặt cho cuộc tiến công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ với phương châm “đánh chắc, tiến chắc” đã hoàn thành. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ có tất cả 49 cứ điểm, được chia làm ba Phân khu. Trên chiến trường, ta mở ba đợt tiến công vào Điện Biên Phủ.

Đợt một của chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn ngày 13/3/1954, với trận tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam thuộc vòng ngoài Phân khu Bắc của tập đoàn cứ điểm. Đợt hai diễn ra ngày 30/3/1954, đánh vào phân khu trung tâm. Đợt ba chiến dịch diễn ra ngày 1/5 và kết thúc ngày 7/5/1954, đánh chiếm các cứ điểm phía Đông và tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Vậy là sau 56 ngày đêm chiến đấu, hy sinh, gian khổ, quân và dân Việt Nam đã tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Ký ức về những ngày tháng hào hùng

Khói lửa đã tan trên đồi Him Lam, nhưng ký ức về những ngày tháng hào hùng đó vẫn vẹn nguyên trong tâm trí cựu chiến binh Nguyễn Hữu Chấp, Khẩu đội trưởng Khẩu đội cối 82 – đơn vị có vinh dự nã những phát đại bác đầu tiên trong trận đánh mở màn của Chiến dịch Điện Biên Phủ.

“Với nhiệm vụ quan trọng trong trận đánh mở màn chiến dịch, anh em trong Khẩu đội đều quyết tâm chỉ được thắng không thể thua. Trước khi vào trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến tận nơi động viên và giao nhiệm vụ cụ thể. Còn về phía địch lúc bấy giờ vẫn không ngừng rải truyền đơn với mục đích làm nhụt ý chí chiến đấu của bộ đội ta, đồng thời khếch trương thanh thế của chúng...”, ông Chấp kể.

anh-bai-thien-su-vang-cua-dan-toc-viet-nam-2.jpg
Ông Nguyễn Hữu Chấp: “Những ngày tháng “khoét núi, ngủ hầm” đáng nhớ nhất đời tôi”.

Đúng 19 giờ ngày 13/3/1954, Khẩu đội 82 được lệnh tấn công Him Lam. 40 khẩu pháo cỡ 75 đến 120mm đồng loạt nhả đạn, 1 viên đạn pháo rơi trúng Sở chỉ huy Him Lam, giết chết thiếu tá chỉ huy trưởng Paul Pesgot cùng với 3 sĩ quan khác. Bất ngờ, Khẩu cối 82 của khẩu đội ông Chấp bị đạn của địch bắn mẻ lòng, 2 đồng đội hy sinh, 5 người bị thương nặng.

Nhưng với ý chí quyết tâm thắng giặc bằng mọi giá, ông Chấp đã cho điều chỉnh lại thước ngắm để tiếp tục chiến đấu. Vài tiếng sau, quân địch ở đồi Him Lam hoàn toàn bại trận, quân ta đã tiêu diệt gần 300 địch, bắt sống 200 tù binh. Chiến thắng Him Lam là chiến thắng đầu tiên của chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trận thắng ấy đã cổ vũ rất lớn tinh thần chiến đấu của bộ đội ta trên khắp các mặt trận. Sau đó, Khẩu đội của ông Chấp lại tiếp tục nhận nhiệm vụ mới, cùng với các đơn vị khác đánh chiếm đồi D1, E1, E2... cho đến khi Chiến dịch hoàn toàn thắng lợi.

Ông Nguyễn Xuân Tính (SN 1930, trú tại phường Trung Đô, TP Vinh, Nghệ An), một cựu chiến binh của Đại đoàn 312, người tham gia phiên dịch cho cuộc hỏi cung chớp nhoáng tướng Đờ-Cát vào chiều 7/5/1954, kể: “Do thông thạo tiếng Pháp, nên chiều 7/5/1954, tôi được điều động lên để tham gia công tác hỏi cung tướng Đờ-cát. Lúc đó, ông ta đội mũ ca nô, mặc bộ quân phục mùa hè phẳng nếp, khuôn mặt tái mét nhưng nói năng rất kiểu cách.

Ông Lê Trọng Tấn, Chỉ huy trưởng Đại đoàn 312, nói rất lớn: “Tất cả các ông điều là tù binh nên mọi mệnh lệnh của chúng tôi, các ông phải chấp hành”. Cuối cùng, Đờ-Cát cùng thuộc cấp của ông ta buộc phải thay đổi thái độ, hợp tác hơn và buổi hỏi cung diễn ra suôn sẻ”, ông Tính nhớ lại.

Cũng theo lời kể của ông Tính thì trước khi diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, địch rất tự tin vào khả năng bất khả xâm phạm của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ nên hàng ngày chúng cho máy bay rải truyền đơn, gọi loa khiêu khích: “Mời ông Giáp lên Điện Biên ăn Tết”. Nhưng chúng không thể ngờ rằng, chỉ với sức người nhỏ bé, Việt Nam đã kéo được pháo hạng nặng lên đây “ăn Tết” và đặt dấu chấm hết cho sự xâm lược của chúng.

anh-bai-thien-su-vang-cua-dan-toc-viet-nam-3.jpg
Điện Biên hôm nay

Có thể nói, Chiến thắng Điện Biên Phủ là sự hội tụ của nhiều nhân tố hợp thành, nhưng ngọn nguồn sâu xa của những nhân tố đó chính là bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, được thể hiện qua sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Trung ương Đảng, Bác Hồ, của những vị chỉ huy tài ba, mưu lược cũng như của toàn thể nhân dân Việt Nam, có sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế.

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, bản lĩnh và trí tuệ ấy vẫn luôn là tiềm năng quý giá của dân tộc ta, cần được khơi dậy và phát huy để tạo thành nguồn sức mạnh tổng hợp, đưa sự nghiệp cách mạng vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” đi đến thành công.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Thiên sử vàng” của dân tộc Việt Nam