Vấn đề quan tâm

Vấn đề pháp lý vụ bỏ thuốc diệt côn trùng vào thức ăn của học sinh tại Sơn La

Đ. Việt 29/09/2023 09:26

Sự việc nhân viên được giao phụ trách bếp ăn bỏ thuộc diệt côn trùng vào thức ăn của học sinh trong trường học là hành vi nguy hiểm cho xã hội, có thể làm chết nhiều người, cần phải trừng trị bởi chế tài nghiêm khắc của pháp luật.

Bỏ chất độc vào thức ăn của học sinh

Ngày 28/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Mai Sơn đã ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Hà Thị Thi, nhân viên bếp ăn của trường THPT Chu Văn Thịnh để điều tra về tội Gây tổn hại cho sức khoẻ người khác.

Bước đầu cơ quan chức năng xác định, bà Hà Thị Thi là vợ của nguyên Hiệu trưởng trường THPT Chu Văn Thịnh, nay đã chuyển sang làm Phó Hiệu trưởng của một trường khác trên địa bàn huyện Mai Sơn.

bep-an-chu-van-thinh.jpg
Một bữa ăn bán trú tại Trường THPT Chu Văn Thịnh. (Ảnh: Báo Sơn La).

Khi chồng còn làm hiệu trưởng, bà Thi được giao phụ trách bếp ăn bán trú của trường THPT Chu Văn Thịnh và lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm. Tuy nhiên, khi trường THPT Chu Văn Thịnh có hiệu trưởng mới, bà Thi không được giao phụ trách bếp ăn và nhà trường cũng không nhập thực phẩm từ đơn vị cũ.

Từ đó, bà Hà Thị Thi nảy sinh ý định làm bậy và đã cho loại thuốc diệt côn trùng vào thức ăn của học sinh. Nhà bếp sau đó phát hiện thức ăn chuẩn bị chia cho học sinh có những dấu hiệu lạ, mùi vị bất thường như mùi thuốc trừ sâu nên đã không chia cho học sinh.

Theo cơ quan chức năng huyện Mai Sơn, vụ việc được phát hiện kịp thời nên chưa có hậu quả đáng tiếc xảy ra. Cơ quan Công an cũng đang trưng cầu giám định về độc tố có trong thức ăn để có căn cứ xử lý.

Hành vi nguy hiểm, có thể làm chết nhiều người

Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Khánh Toàn, (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: theo khoản 3 Điều 2 Nghị định 91/2016/NĐ-CP, chế phẩm diệt côn trùng diệt khuẩn là sản phẩm có chứa hoạt chất diệt côn trùng, diệt khuẩn, có tên thương mại riêng và được sử dụng trực tiếp để diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế.

Thuốc diệt côn trùng hay thường gọi thuốc trừ sâu là các chất vô cơ hay hợp chất hữu cơ, có tác dụng giết chết, hấp dẫn hay xua đuổi côn trùng gây hại. Hóa chất có trong thuốc diệt côn trùng có thể đe dọa tính mạng nạn nhân nếu hít vào một lượng đáng kể (30ml trở lên). Thuốc kích thích phế quản tiết dịch và gây co thắt cơ trơn dữ dội, tác động ức chế hệ thần kinh trung ương, làm giảm tri giác hay hôn mê, tụt huyết áp, ngứa trên da, đỏ da... Một số trường hợp nguy hiểm có thể dẫn đến ngất xỉu, tụt huyết áp, khó thở, nôn ói, thậm chí có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

luat-su-toan.jpg
Luật sư Nguyễn Khánh Toàn

“Như vậy, hành vi nhân viên bếp ăn bỏ thuốc diệt côn trùng vào thức ăn của học sinh có thể gây ra hậu quả gây tổn hại sức khỏe cho nhiều người hoặc làm chết nhiều người. Đây là động cơ đê hèn, ý thức coi thường pháp luật. May mắn sự việc đã phát hiện kịp thời nên hậu quả chưa xảy ra là ngoài ý muốn của người phạm tội”, luật sư Toàn nêu quan điểm và nhấn mạnh lỗi của nhân viên nhà bếp là lỗi cố ý trực tiếp vì người phạm tội thấy trước hoặc buộc phải thấy trước hậu quả gây tổn hại cho sức khỏe cho người ăn.

Luật sư Toàn phân tích thêm, trong vụ việc này, cơ quan điều tra đang tiến hành trưng cầu về độc tố có trong thức ăn. Nếu lượng thuốc diệt côn trùng do người phạm tội cho vào thức ăn chủ ý chỉ với một lượng nhỏ, được tính toán để không thể làm chết người thì hành vi cho thuốc trừ sâu vào thức ăn để cho học sinh ăn là hành vi có thể gây tổn hại cho sức khỏe của con người với thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người. Trường hợp này cần điều tra về tội Gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác theo điều 134 BLHS 2015 và.

Còn trong trường hợp lượng thuốc diệt côn trùng do người phạm tội cho vào thức ăn với một lượng đủ làm chết người, và mặc dù chưa gây hậu quả chết người nhưng cần phải điều tra về tội giết người theo điều 123 BLHS 2015.

Nhiều chuyên gia luật có cùng quan điểm cho rằng, vụ việc bỏ thuốc diệt côn trùng vào thức ăn cho học sinh trong trường học đã gây bức xúc, hoang mang cho dư luận xã hội. Nhân viên bếp ăn là người có trách nhiệm phải nấu ăn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người ăn nhưng đã lợi dụng cơ hội để thực hiện hành vi nguy hiểm cho học sinh, cho xã hội với động cơ đê hèn, thủ đoạn tàn nhẫn cần thiết trừng trị bởi chế tài nghiêm khắc của pháp luật.

Cần tăng cường đảm bảo an toàn học đường

Luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học luôn được chú trọng, và được quy định rõ tại các văn bản pháp luật như Luật An toàn vệ sinh thực phẩm năm 2010, Thông tư liên tịch 13/2016/TTLT-BYT-BGD…

Tại các văn bản này cũng đã quy định rõ về các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong nhà trường đối với nhà ăn, căn tin, dụng cụ chứa thức ăn, đối với nhà bếp cho tới cả người làm việc tại nhà ăn, nhà bếp. Vì vậy, các trường học bắt buộc phải xây dựng cơ chế giám sát quy trình quản lý đầu vào thực phẩm về nhà bếp, nhà ăn, yêu cầu đối với hoạt động nhập, bảo quản thực phẩm.

Tuy nhiên, vụ việc xảy ra tại trường THPT Chu Văn Thịnh lại một lần nữa làm dấy lên sự mất an toàn học đường, phụ huynh lo lắng cho con em mình, người dân bất an, dẫn đến tình hình an ninh, trật tự xã hội bất ổn.

Nhằm đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho học sinh, một số chuyên gia luật cho rằng, các cơ quan quản lý có thẩm quyền cần phải nâng cao, tăng cường hơn nữa các biện pháp bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Đồng thời, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường,phòng chống các dịch bệnh lây truyền qua thực phẩm và ngộ độc thực phẩm.

Ngoài ra, cần kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm, phân công cán bộ, nhân viên theo dõi hàng ngày việc tiếp nhận thực phẩm, và kiểm tra trước khi chế biến thức ăn, kiểm tra trong quá trình chế biến thức ăn và kiểm tra trước khi ăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vấn đề pháp lý vụ bỏ thuốc diệt côn trùng vào thức ăn của học sinh tại Sơn La