Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang tổ chức lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Thông tư mới quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh trong các trường phổ thông.
Thông tư này được xây dựng nhằm thay thế Thông tư số 08/1998/TT-BGDĐT – văn bản đã có hiệu lực suốt hơn hai thập kỷ qua – với nhiều điểm thay đổi đáng chú ý theo hướng nhân văn, khuyến khích sự tiến bộ và phù hợp với bối cảnh giáo dục hiện đại.
Dự thảo Thông tư nêu rõ nguyên tắc chung trong công tác khen thưởng và kỷ luật học sinh là phải đảm bảo tính giáo dục, nhân văn và lấy sự tiến bộ của học sinh làm trung tâm. Theo đó, việc xử lý vi phạm không mang tính răn đe đơn thuần, mà tập trung vào việc hướng dẫn, hỗ trợ học sinh nhận thức và sửa chữa lỗi lầm.
Thông tư cũng khuyến khích việc phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ và trách nhiệm cho hội đồng trường, hiệu trưởng và giáo viên trong quá trình tổ chức khen thưởng và xử lý vi phạm. Việc phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội được coi là yếu tố then chốt để tạo ra môi trường giáo dục toàn diện và đồng bộ.
Về khen thưởng, Dự thảo quy định các hình thức gồm: tuyên dương trước lớp, tuyên dương trước toàn trường, cấp giấy khen của hiệu trưởng và gửi thư khen. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân có thể thực hiện các hình thức khen thưởng linh hoạt khác nhằm động viên, biểu dương kịp thời những học sinh có thành tích tốt trong học tập, rèn luyện.
Đối với kỷ luật học sinh, Dự thảo có sự phân định rõ ràng theo từng cấp học:
Với học sinh tiểu học, chỉ áp dụng hai hình thức: nhắc nhở và yêu cầu xin lỗi. Quan trọng hơn, các biện pháp này không được lưu vào hồ sơ hay học bạ, nhằm bảo vệ tâm lý và cơ hội phát triển lâu dài của học sinh nhỏ tuổi.
Với học sinh THCS và THPT, ba hình thức kỷ luật được áp dụng gồm: nhắc nhở, phê bình, và yêu cầu viết bản tự kiểm điểm. Những hình thức này hướng tới việc giúp học sinh tự nhìn nhận sai phạm, thay vì tạo áp lực tâm lý hay gây kỳ thị trong môi trường học đường.
Một điểm mới mang tính đột phá trong Dự thảo là việc bãi bỏ hoàn toàn các hình thức kỷ luật nặng từng được áp dụng trong nhiều năm qua, như: khiển trách trước lớp hoặc hội đồng kỷ luật, cảnh cáo trước toàn trường, đình chỉ học tập, đuổi học một tuần hoặc một năm. Việc loại bỏ những hình thức này cho thấy định hướng rõ ràng của ngành giáo dục về việc không hình sự hóa học đường, thay vào đó là giáo dục bằng sự cảm hóa và đồng hành.
Bộ GD&ĐT cũng khẳng định, Dự thảo Thông tư không áp dụng đối với những hành vi vi phạm pháp luật thuộc thẩm quyền xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định hiện hành. Điều này nhằm đảm bảo sự phân định rạch ròi giữa xử lý hành vi vi phạm hành chính hoặc hình sự và các sai phạm mang tính học đường.