Việc nhiều bộ, ngành, địa phương, đơn vị không gửi báo cáo thể hiện ý thức chưa nghiêm trong việc tuân thủ Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí- là ý kiến của nhiều đại biểu được UBTVQH đồng tình trong phiên họp sáng 12/4.
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 23, sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017.
Nhiều cơ quan đơn vị không gửi báo cáo về chống lãng phí
Theo Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày, năm 2017, nhiều giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được triển khai có kết quả trên nhiều lĩnh vực. Trong công tác chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng, Chính phủ đã ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; nhiều bộ, cơ quan, địa phương đã xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của bộ, ngành, địa phương mình theo quy định của Luật và bám sát yêu cầu Chính phủ đã đề ra. Chính phủ cũng ban hành các chương trình hành động triển khai kịp thời, đồng bộ Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Tuy nhiên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng thẳng thắn thừa nhận, đến hết năm 2017, vẫn còn 17/35 bộ, cơ quan ở Trung ương; 17/63 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương và 16/22 tập đoàn, tổng công ty chưa ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017 gửi về Bộ Tài chính theo quy định. Đối với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý ngân sách nhà nước (NSNN), công tác quản lý thu NSNN ở một số địa bàn, lĩnh vực chưa quyết liệt, chưa theo sát tình hình thực tiễn; nợ đọng thuế, nhất là những khoản không có khả năng thu còn lớn. Quản lý, sử dụng sai nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương; chi ngân sách tạm ứng, ứng trước ngoài dự toán chậm thu hồi; nợ xây dựng cơ bản sử dụng vốn đầu tư ở nhiều bộ, địa phương còn dàn trải, lãng phí. Qua công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện tình trạng chi NSNN sai tiêu chuẩn, định mức, chế độ còn xảy ra tại nhiều đơn vị…
Việc phân bổ, sử dụng vốn vay cho đầu tư còn dàn trải, hiệu quả chưa cao, một số dự án vay lại vốn vay ODA, ưu đãi, bảo lãnh Chính phủ phát sinh rủi ro không trả được nợ, phải thực hiện tái cơ cấu tài chính. Quản lý, sử dụng vốn vay còn bất cập, thiếu gắn kết giữa quyết định đầu tư với cân đối trả nợ (Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam có 4 dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA theo hình thức cho vay lại, phải chuyển sang hình thức Nhà nước đầu tư trực tiếp vào dự án).
Về nội dung báo cáo nêu, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải và nhiều ý kiến khác trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề cập tới tính kỷ luật trong xây dựng báo cáo này.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Báo cáo cần bám theo kết cấu và phạm vi của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để tập trung vào những nội dung lớn.
Phụ lục báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính – Ngân sách cho thấy có tới 16/34 bộ, cơ quan Trung ương, 17/63 tỉnh, thành phố; 16/23 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước không gửi Chương trình cho Bộ Tài chính và rất nhiều cơ quan đơn vị không gửi báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Từ tình trạng trên, bà Lê Thị Nga đặt vấn đề, với số lượng lớn đơn vị chưa có báo cáo như thế thì đánh giá trong Báo cáo của Chính phủ có phản ánh đúng bản chất và nhận định có chính xác hay không?
Chủ nhiệm UB Nguyễn Đức Hải cũng cho rằng, nhiều bộ, ngành, địa phương, đơn vị không gửi Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để Bộ Tài chính tổng hợp, theo dõi. Nhiều bộ, ngành, địa phương, đơn vị không gửi báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để tổng kết, đánh giá. Nhiều báo cáo không nêu cụ thể số liệu, kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại ngành, đơn vị mình cũng như tại các đơn vị được giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra nên báo cáo của Chính phủ chủ yếu dựa vào kết quả của Thanh tra Bộ Tài chính, các cơ quan của Bộ Tài chính, không thể đánh giá được đầy đủ, toàn diện tình hình triển khai thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhất là các vi phạm, sai sót. Thực trạng này thể hiện ý thức chưa nghiêm của một số bộ, ngành, địa phương, đơn vị trong việc tuân thủ các quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và là một trong những nguyên nhân dẫn đến những bất cập, thiếu sót trong thực hành tiết kiệm, chốnh lãng phí.
Lưu ý những số liệu số bộ ngành, tỉnh/thành và tập đoàn, tổng công ty chưa gửi Chương trình về phòng chống lãng phí, ông Nguyễn Văn Giàu đề nghị cần xem lại nghiêm túc vấn đề này.
“Từ nhận thức quy định mới có cơ sở thực hiện, trong khi hơn một nửa đơn vị chưa có chương trình thế này thì không ổn. Thường vụ Quốc hội nên cho ý kiến về vấn đề này để Chính phủ quan tâm chỉ đạo và có hướng xử lý” – ông Nguyễn Văn Giàu nêu ý kiến.
Thực hiện chưa nghiêm túc
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, UBTVQH cơ bản nhất trí với nhiều nội dung trong báo cáo của Chính phủ và cơ quan thẩm tra; yêu cầu Chính phủ và Uỷ ban Tài chính – Ngân sách điều chỉnh số liệu cho sát và đúng của năm 2017, hoàn chỉnh các báo cáo đầy đủ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu kết luận thảo luận phiên họp
“Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phê bình các Bộ, địa phương và tập đoàn, tổng công ty chưa có báo cáo, thể hiện chưa nghiêm túc. Đây cũng là nội dung giám sát của Quốc hội về chấp hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, Phó Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn cho biết.
UBTVQH cho rằng tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tuy còn hạn chế song công tác này trong năm 2017 có nhiều tiến bộ so với 2016; việc chấp hành nghị quyết của Đảng, nghị quyết của Quốc hội được thực hiện nghiêm túc hơn, có nhiều cố gắng từ quản lý sử dụng ngân sách, mua sắm trang thiết bị, khai thác sử dụng tài nguyên,... Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán được tăng cường và phát hiện nhiều vi phạm để chấn chỉnh.
Mặc dù vậy, theo ông Phùng Quốc Hiển, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thực sự chưa nghiêm túc. Tình trạng lãng phí, thất thoát trong quản lý sử dụng tài sản công, tài chính công, nguồn lực còn kém hiệu quả, lãng phí diễn ra ở các góc độ khác nhau. Ý thức của một số ngành chưa cao, xử lý một số vụ việc chưa kịp thời và chưa nghiêm túc.
“Báo cáo của Chính phủ cần làm rõ địa chỉ trách nhiệm để công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có bước tiến mới trong năm sau” – Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và cho biết UBTVQH cơ bản nhất trí với các nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ đề ra; yêu cầu làm quyết liệt hơn và cần công bố công khai những hiện tượng lãng phí để dư luận theo dõi nhưng cũng kịp thời biểu dương những hành động thiết thực trong thực hành tiết kiệm chống lãng phí.